Thầy cô không nên cãi nhau tay đôi với học sinh. Thay vào đó thầy cô cần phân tích để các em nhận ra lỗi sai của mình.
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip ghi lại cảnh bạo lực giữa học sinh và giáo viên tại Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang). Trong đó có clip quay lại cảnh học sinh chốt cửa, “quây” cô giáo để ném dép, văng tục chửi bới. Bên cạnh đó cũng xuất hiện clip chính giáo viên này cầm dép đuổi học sinh quanh lớp. Lớp học trong những clip này hết sức hỗn loạn, đầy những âm thanh văng tục, chửi bới, khiến dư luận không khỏi bức xúc, lo ngại về vấn đề giáo dục đạo đức trong nhà trường.
Thầy Nguyễn Văn Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) cũng không khỏi đau lòng khi chứng kiến sự việc đáng buồn xảy ra tại Tuyên Quang vừa qua.
“Hình ảnh cả đám học sinh đổ dồn vào quây cô giáo, ném dép vào người cô cho thấy hình ảnh người thầy đã sụp đổ hoàn toàn, các em không còn sự tôn trọng giáo viên. Người thầy giống như một "thợ dạy" được phụ huynh thuê, trả tiền để đi dạy. Công tác trong ngành giáo dục mấy chục năm, bản thân tôi thấy rất xót xa khi nhìn những hình ảnh này”, thầy Xuân nói.
Thầy Nguyễn Văn Xuân cũng cho rằng, qua những hiện tượng này cho thấy tình thầy trò đang dần bị xóa mờ, trong mắt học sinh. Hình ảnh người thầy không còn giống như trước đây, là người cha, người mẹ của học trò. Mối quan hệ thầy trò ở một số trường hợp đang dần trở thành mối quan hệ công việc bình thường như bao nghề khác.
Trong sự việc này, thầy Nguyễn Văn Xuân cho rằng, clip ghi lại hình ảnh giáo viên cầm dép đuổi ném học sinh quanh lớp cho thấy chính giáo viên cũng đang mất kiểm soát cảm xúc, dẫn đến những hành động có thể kích động học sinh vượt quá những giới hạn cho phép. Khi mâu thuẫn đến đỉnh điểm, cả thầy và trò đều không thể kiểm soát bản thân.
"Trước khi phê phán học trò, thầy cô cũng cần nhìn nhận lại những kỹ năng sư phạm của mình. Qua những sự việc này, các trường sư phạm cũng cần chú trọng, bồi dưỡng cho giáo viên những kỹ năng kiềm chế cảm xúc, biết cách rộng lòng yêu thương học sinh", thầy Nguyễn Văn Xuân nói.
Bên cạnh đó, thầy Xuân cũng cho rằng, trong quy định về xử phạt học sinh của ngành giáo dục những năm gần đây còn nhiều chỗ quá “nương tay” với những học sinh hư.
“Bộ GD-ĐT yêu cầu không được nêu tên học sinh vi phạm trước cờ, nhưng nếu chỉ nhắc chung chung, thì thực tế các em không sợ. Những quy định hiện nay chưa đủ sức răn đe với học sinh
Muốn thầy ra thầy, trò ra trò, người thầy phải đạo mạo, nhưng học trò cũng cần giữ vững kỷ cương.
Bên cạnh đó, dù không nhiều, nhưng cũng có một bộ phận phụ huynh có tâm lý bênh vực con thái quá. Thậm chí có những trường hợp vì không thích cách giảng dạy của giáo viên mà viết đơn xin đổi cô giáo khác… Chính sự thiếu tôn trọng giáo viên từ phụ huynh cũng sẽ khiến học sinh coi thường thầy cô. Dạy học là một nghề đặc thù, không phải quan hệ mua bán bình thường, nếu bản thân phụ huynh thiếu tôn trọng giáo viên, thì học sinh cũng sẽ không tôn trọng thầy cô", thầy Xuân nhấn mạnh.
Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa (TP.HCM) cũng cho rằng, trong sự việc này dù giáo viên hay học sinh sai đều cần bị kỷ luật nghiêm.
“Giáo viên nếu sai thì xử lý theo đúng Luật Viên chức, học sinh sai dựa vào nội quy và các văn bản quy phạm pháp luật để xử lý triệt để. Bên cạnh đó cũng cần xem xét trách nhiệm, vai trò của ban giám hiệu nhà trường khi để xảy ra sự việc kéo dài. Trong sự việc này, điều quan trọng nhất là cần tìm ra nguyên nhân để xảy ra mâu thuẫn đỉnh điểm như vậy. Học sinh vi phạm đang ở độ tuổi THCS, có rất nhiều biến đổi về tâm sinh lý, nhà trường cũng cần tìm hiểu có uẩn khúc gì dẫn đến hàng loạt học sinh quá khích, hành động như vậy”, thầy Phan Thế Hoài nói.
Thầy Hoài cũng băn khoăn rằng, ngay từ năm thứ nhất của các trường sư phạm, sinh viên đã được trang bị những kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. Quá trình dạy học, thầy cô chắc chắn sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Nhưng đây là một sự việc rất đáng tiếc.
Trong suốt nhiều năm công tác, thầy Hoài chia sẻ, việc học sinh có những lời nói, hành động không chuẩn mực với thầy cô vẫn xảy ra. Nhưng dù trong bất cứ tình huống nào, người thầy vẫn luôn cần sự bình tĩnh, không thể cãi nhau tay đôi với học trò. Thay vào đó cần phân tích để các em nhận ra lỗi sai của mình, sau đó có thể yêu cầu học sinh kiểm điểm hoặc có những hình phạt phù hợp. Trường hợp học sinh không có tiến bộ có thể mời phụ huynh đến trường trao đổi, phối hợp trong công tác giáo dục.
“Giáo viên nói có tình, có lý và ứng xử sư phạm thì học sinh sẽ dần đi vào nề nếp. Tóm lại thầy cô giáo đã đứng lớp, không chỉ cần giỏi chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cần có tình thương, sự sẻ chia với học sinh, có vậy các em mới tôn trọng, nghe lời thầy cô. Việc giáo dục những học sinh hư cũng cần sự kiên trì của người thầy, mưa dầm thấm lâu, không thể đòi hỏi các em thay đổi một sớm một chiều”, thầy Phan Thế Hoài lưu ý.
NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng giáo viên là những người gần gũi với học sinh nhất, hiểu được tâm lý các em hơn cả. Do đó, nếu ứng xử khéo léo thì học trò sẽ coi thầy cô như những người bạn, sẵn sàng tâm sự chuyện to chuyện nhỏ. Nguồn cơn của mọi sự bức xúc đều xuất phát từ những mâu thuẫn, áp lực bị dồn tụ lâu ngày không được giải quyết triệt để. Bởi vậy, năng lực ứng xử các tình huống sư phạm của giáo viên ở mỗi nhà trường là vô cùng quan trọng. Từ khi học trong trường Sư phạm, các thầy cô đã được dạy về kỹ năng ứng xử sư phạm một cách căn bản, bởi trong các trường có vô vàn tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, việc tăng cường giáo dục về kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh cũng ngày càng cấp thiết hơn. Khi các em được học về cách tôn trọng thầy cô, ứng xử chan hòa với bạn bè và thực hành thường xuyên như một thói quen thì đó là biểu hiện rõ nét của trường học hạnh phúc, tô thắm thêm truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
"Khi công nghệ thông tin phát triển, ngành giáo dục có rất nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức. Để xây dựng môi trường học đường lành mạnh, mối quan hệ thầy trò được phân định rạch ròi thì cần tình yêu thương, sự thấu hiểu và công bằng của người thầy", thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Nguyễn Trang/VOV.VN