Giảm áp lực, tạo hứng thú nhờ học “outing”
Nhiều năm qua, Trường phổ thông liên cấp Alfred Nobel (ANS) được biết tới là một trong những trường đi đầu về hội nhập quốc tế, được xây dựng trên triết lý giáo dục phương Tây hiện đại, phương châm tập trung nuôi dưỡng phẩm chất con người.
Cô Đặng Thị Diệu Linh, Phó Giám đốc Giáo dục ANS cho biết: “Việc học hiện nay còn nặng về lý thuyết; kiến thức không được áp dụng vào thực tiễn nên học sinh rất khó học, dễ quên, gây nhàm chán... Trước những bất cập đó, vài năm gần đây trường không chỉ dạy học sinh kiến thức mà còn đẩy mạnh các hoạt động outing (học trải nghiệm), các hoạt động thể chất, kỹ năng... để hướng đến mục tiêu chung là giúp học sinh có thể thích nghi được mọi điều kiện, hoàn cảnh từ tự nhiên, xã hội, đến phát triển kinh tế.
Cô Diệu Linh lấy ví dụ, khi tham gia các khóa học tại trường, các em học sinh được cung cấp thông tin và kỹ năng để thích ứng trước tình trạng biến đổi khí hậu; hoặc các con tham gia leo núi rèn luyện sức khỏe, không cần các con đi nhanh nhưng phải đến đích, không được bỏ cuộc…
“Chúng tôi hiểu rằng, về mặt kiến thức học sinh tìm kiếm được ngay trên mạng nhưng để ứng dụng nó trong cuộc sống, giúp các con có thể vượt lên được mọi hoàn cảnh... thì nhà trường cần phải trang bị cho các con từ nhỏ. Để có kỹ năng thì phải là quá trình chứ không chỉ học một vài ngày mà có được. Tôn chỉ chung của nhà trường trong việc thiết kế chương trình là tạo môi trường tổng hòa bao gồm: kiến thức, các hoạt động thể chất, nghệ thuật, kỹ năng… Tất cả những kiến thức trang bị cho các con từ bây giờ chính là để sử dụng cho 15-20 năm tới nhằm thích ứng với sự biến đổi của xã hội.” - cô Diệu Linh khẳng định.
“Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi giáo viên phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức. Chính vì thế, trong quy trình đào tạo giáo viên thì trường đưa ra lộ trình đào tạo hết sức nghiêm túc. Đặc biệt, trong dịp hè giáo viên được tập huấn về kỹ năng, cập nhật tin học, tiếng Anh, những phương pháp mới trong việc tổ chức hoạt động cho học sinh. Hiện nhà trường đẩy mạnh ứng dụng và tận dụng nguồn lực mà mình đang có, với số lượng giáo viên nước ngoài chiếm 50% tổng số giáo viên toàn trường. Đây là thế mạnh mà không phải ngôi trường nào cũng có được”.
Cô Đặng Thị Diệu Linh
|
Có thể nói, sự kết hợp dạy và học kiến thức thực tế thông qua các hoạt động xã hội là nền tảng để học sinh phát triển trí tuệ vững chắc. Do vậy, mỗi tháng nhà trường đều có những hoạt động trải nghiệm khác nhau.
Với thiết kế đa dạng các chương trình trải nghiệm dựa theo chủ đề môn học, như: Khám phá khoa học kỳ thú qua chuyến đi Trung tâm vui chơi - khoa học công nghệ cao Panasonic Risupia; Lồng ghép bài học lịch sử tại Làng văn hóa các Dân tộc Việt Nam; Tìm hiểu về đạo hiếu qua chuyến tham quan trải nghiệm Văn Miếu Quốc Tử Giám, bài học sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh tại Làng Hữu nghị Việt Nam…, học sinh ANS được khám phá bài học bằng tất cả các giác quan, cảm xúc của mình. Kết thúc chuyến đi, mỗi bạn sẽ tự chuẩn bị một bản thu hoạch để thuyết trình trước thầy cô, cha mẹ.
Nhà trường thường xuyên tổ chức học tập từ trải nghiệm là biện pháp giúp học sinh giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, có động lực đến trường. Em Đặng Lê Nguyên Hoàng, lớp 8A1 bày tỏ: “Trường mang tên Alfred Nobel- một nhà vật lý rất nổi tiếng có lẽ là vì mong muốn học sinh vừa có thể tiếp thu rất nhanh các bài tập trên lớp và vừa áp dụng thật tốt những bài học đó vào thực tiễn. Thầy cô giáo đều là những người giỏi, vui tính và rất tận tụy. Chúng em coi thầy cô nhưng những người bạn lớn, chẳng ngần ngại chia sẻ hay trò chuyện về bất cứ điều gì trong cuộc sống... Những kỳ tập huấn kỹ năng và outing diễn ra trong suốt năm học cũng là điều làm em yêu trường hơn. Ở đó, chúng em được rèn luyện thêm về tình đoàn kết, khả năng làm việc độc lập, trải nghiệm nhiều tình huống chưa từng gặp ở đời sống thực, làm tăng vốn sống...”.
Trong tờ nội san do các em học sinh của trường thực hiện, em Nguyễn Công Duy, lớp 6A1 viết: “… Sáng nào cũng vậy/ Em luôn sẵn sàng/ Tràn đầy hứng khởi/ Tới trường của em…”
Hoặc những giờ học Toán trải nghiệm thú vị. Đó là, thay vì những phép tính khô khan trên bảng, học sinh được học theo cách thức hoàn toàn khác: hóa thân thành thương gia, tổ chức gian hàng bày bán sản phẩm ngay trong chính lớp học của mình. Sau hoạt động đó, các em thu được nhiều kỹ năng về Toán học như: Tính toán tổng số tiền phải trả; tính toán các mức giá hấp dẫn... Nhờ vậy, tiết học trở nên sinh động, gần gũi và dễ dàng với các bạn nhỏ.
Học sinh được khám phá bản thân, thể hiện tài năng
Với mục tiêu giảm tải cho học sinh, dự kiến năm học 2019 - 2020, Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng tại các trường học. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, 4 năm qua trường ANS đã giảm tải cho học sinh lượng kiến thức hàn lâm bằng cách tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, áp dụng vào thực tế.
Khi ANS chuyển đổi sang mô hình trường song ngữ thì hoạt động ngoại khóa rất được chú trọng, đầu tiên là hoạt động outing. Một tháng các em có một chuyến đi trải nghiệm, nó không đơn thuần là chuyến tham quan đến một địa danh hay di tích lịch sử, học sinh quan sát, thông tin về vẻ đẹp của di tích đó; outing còn là gắn với hoạt động học, ví dụ học Lịch sử thì các em được đến các bảo tàng, Hoàng thành Thăng Long..., còn môn Sinh học thì đến Bảo tàng tài nguyên rừng hay đến Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam...
Trong những chuyến đi này, học sinh được giao nhiệm vụ thu thập thông tin, kiến thức, nội dung do giáo viên đưa ra và sau khi đi về các em sẽ có bài tổng kết thuyết trình theo nhóm với học sinh phổ thông, học sinh nhỏ có thể vẽ tranh hoặc kể lại những ấn tượng của các bạn về chuyến đi đó. Hoạt động này thực sự khiến cho học sinh hào hứng và luôn mong chờ được outing hàng tháng... Nhiều bố mẹ bất ngờ khi các con có kiến thức về các lĩnh vực đa dạng trong đời sống.
"Em đã học ở ngôi trường này được 10 năm. ANS là một ngôi trường mà ai cũng muốn đến và theo học. Bởi trường có một sân chơi rộng rãi, với hệ thống phòng học và trang thiết bị hiện đại, với thầy cô vui tính, học sinh cá tính và những buổi học vui vẻ. Nhà trường thường xuyên tổ chức các chương trình để học sinh được tham gia và thể hiện tài năng của mình. Những kỳ tập huấn kỹ năng hay outing cũng siêu thú vị, vì học sinh được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ, học mà chơi, chơi mà học”.
Em Hoàng Long, lớp 8A2.
|
Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức các hoạt động từ thiện, giáo dục học sinh về tình yêu thương, sự sẻ chia và giúp học sinh biết trân quý hơn cuộc sống của chính mình. Mới đây, ngày 5/1/2019, nhằm chia sẻ những khó khăn vất vả với những người kém may mắn trong cuộc sống, thầy và trò trường đã tổ chức thăm và tặng quà những người vô gia cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, với 177 phần quà, 5.700.000 đồng tiền mặt, 38 chiếc chăn ấm.
Bên cạnh phương pháp học tập từ trải nghiệm, các chương trình phát triển tài năng của học sinh cũng được Trường ANS chú trọng. Với hơn 10 sự kiện biểu diễn trong một năm học, học sinh nào cũng có cơ hội được lên sân khấu, đứng trước hàng nghìn phụ huynh học sinh trong toàn trường và thể hiện tài năng của mình. Mỗi học sinh tốt nghiệp ANS sẽ là một con người tự tin, bản lĩnh, văn minh, biết ứng xử với xã hội và môi trường, tôn trọng sự khác biệt và quan tâm cống hiến cho cộng đồng.
Thu Hằng