Khi nào thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa?

Câu chuyện sách giáo khoa (SGK) được dư luận đặc biệt quan tâm khi có nhiều ý kiến băn khoăn nên thực hiện một chương trình, một bộ SGK hay một chương trình,

 

   Băn khoăn một hay bộ sách giáo khoa?

Nghị quyết số 88 của Quốc hội chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều SGK. Tuy nhiên, trong cuộc họp chiều ngày 21/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng, với điều kiện đất nước hiện nay, trước mắt vẫn có một bộ SGK thống nhất dùng chung, còn lộ trình thực hiện "một chương trình, nhiều bộ SGK” sẽ tiến hành khi điều kiện đất nước phát triển đảm bảo điều kiện cần thiết.

          TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông với nhiều bộ SGK là xu thế các nước trên thế giới đã làm từ lâu. Từ khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Chương trình tổng thể (12/4/2017) và các chương trình môn học để lấy ý kiến nhân dân (19/1/2018), nhiều tổ chức, nhóm tác giả đã bắt tay vào soạn SGK; nhiều bộ sách đang được hoàn thiện. Bây giờ bỗng dưng lại quyết định chỉ làm một bộ SGK gây thiệt hại cho họ. PGS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm là, một chương trình thì nhiều SGK, với tình hình giáo dục của đất nước ta thì nên có nhiều bộ sách từ lâu, không thể học sinh miền núi cũng học như học sinh thành phố được.

Trả lời báo chí về vấn đề, nếu thời điểm này thay đổi quy định chỉ thực hiện một chương trình, một bộ SGK, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới  cho rằng: “Tôi hiểu ý của Chủ tịch Quốc hội là cần đưa ra một lộ trình để khi đủ điều kiện sẽ thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, còn trước mắt sẽ chỉ thực hiện một bộ. Hiện nhiều tổ chức, nhóm tác giả đã bắt tay vào soạn SGK; nhiều bộ sách đang được hoàn thiện. Nếu bây giờ các tổ chức, các nhóm tác giả này không được phép tham gia việc biên soạn, xuất bản, phát hành sách thì công sức, kinh phí tổn thất rất lớn. Về sau, các tổ chức, cá nhân có ý định biên soạn sẽ ngần ngại, không mặn mà với công việc này vì cảm thấy bất an khi chủ trương chỉ đạo không thống nhất, ổn định. Còn về bộ SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì, nếu vẫn chưa có phương án triển khai thì sẽ chậm. Nhất là khi quay lại chủ trương chỉ thực hiện một bộ sách như hiện nay”.

Sau một thời gian tranh luận việc có hay không nhiều bộ SGK, mới đây (ngày 12/3) trong nội dung dự thảo mới nhất Luật Giáo dục (sửa đổi) trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có quy định “Mỗi môn học có 1 hoặc 1 số SGK”. Dự thảo luật nêu rõ: "Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục”. Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.

          Vẫn phải đảm bảo cốt lõi của đổi mới

Trước những vấn đề nêu trên, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Hiện nay, nhiều nhà xuất bản, các nhóm tác giả đã khởi động viết SGK và nhiều nhóm tác giả đã xong SGK lớp 1. Nếu trong trường hợp thực hiện theo lộ trình và Quốc hội giao Chính phủ tham mưu về lộ trình đó, thì có thể có độ trễ một chút nào đó theo tính toán cho phù hợp cũng không thể coi là lãng phí. Vì lãng phí là khi SGK đã được in ra, tốn kém tiền của nhưng không dùng. Còn đây, các cá nhân, tổ chức mới dự thảo, thiết kế sẽ có thêm thời gian, cơ hội để điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo trước khi đưa ra Hội đồng thẩm định, chứ không phải công sức bị bỏ phí.

          TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục Việt Nam cho  rằng: Chấp nhận sự tồn tại của nhiều bộ SGK cùng đáp ứng cho một chương trình sẽ là động lực kích thích sự năng động sáng tạo của đội ngũ nhà giáo. Một người thầy giỏi sẽ là người biết hướng dẫn học trò lựa chọn cuốn sách nào để đọc, để học, để mở mang trí tuệ. SGK nào tốt, hay, học sinh sẽ tự tìm đến, sách đó sẽ bán chạy. Các SGK kém chất lượng sẽ đương nhiên bị thị trường đào thải. Nếu theo hướng này, về mặt kinh tế, sẽ tiết kiệm cho nhà nước rất nhiều. Chính phủ chỉ cần cung cấp một khoản kinh phí vừa đủ nào đó cho các nhà trường, để chính đội ngũ các thầy cô giáo giỏi đứng ra tổ chức biên soạn, chứ không mất đến nhiều nghìn tỷ như Bộ đã đệ trình như vừa qua.

Còn PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình Ngữ văn mới, nêu quan điểm rằng, vẫn cần triển khai theo định hướng biên soạn SGK mà Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học…”. Để chủ động triển khai chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bên cạnh đó, vẫn khuyến khích các tổ chức cá nhân làm SGK cho các môn học khác nhau. Các sách này không lệ thuộc vào tiến độ, thời gian và không cần phải đầy đủ tất cả các môn học, lớp hoặc cấp học. Quan trọng nhất vẫn là, sách của Bộ hay của các tổ chức cá nhân đều phải thẩm định quốc gia bình đẳng như nhau. Mà để tránh độc quyền trong phát hành bộ sách của Bộ cần tách bạch chuyện biên soạn và chuyện in ấn, phát hành. 

Theo ông Đỗ Ngọc Thống, điều quan trọng là chương trình mới theo định hướng phát triển năng lực, nên SGK không quan trọng như trước nữa và yêu cầu cần đạt của chương trình mới là chỗ dựa quan trọng nhất. Vì thế, dù một hay nhiều bộ SGK, thì vẫn phải đổi mới cách biên soạn, đặc biệt là cách dạy học và kiểm tra, đánh giá./

 

    

 Dù có ai biên soạn SGK thì vẫn do Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định và bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung. Như vậy thì sau khi được thẩm định, các SGK đưa vào lưu hành đều là SGK chuẩn quốc gia”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

  

       

   

Bộ GD-ĐT từng bước biên soạn bộ SGK, làm bộ mẫu; tổ chức thực nghiệm để hoàn thành trước mắt cho lớp 1; tập huấn cho 100% giáo viên. Đồng thời với việc biên soạn bộ sách này để cạnh tranh với các bộ sách của những cá nhân, tổ chức khác, Bộ GD-ĐT cũng đang soạn thảo thông tư hướng dẫn về việc lựa chọn SGK trong trường học”- PGS.TS Nguyễn Xuân Thành.

           

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận