Hành trình tri ân của thầy trò Trường Phan Huy Chú

Hơn 400 học sinh, thầy cô của Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) vượt qua chặng đường hơn 1200km đến dâng hương tại các địa chỉ đỏ của miền Trung.

 

                                           

 

Cô Cao Thanh Nga, Hiệu trường nhà trường làm lễ dâng hương tại Nghĩa trang Trường Sơn

Hiểu dân tộc mình, thêm yêu đất nước

Đây là lần thứ tám, nhà trường tổ chức Hành trình tri ân - hành trình của lòng biết ơn sâu nặng những con người đã làm nên lịch sử. Hành trình khởi hành vào đầu năm 2024 dài 3 ngày 2 đêm, cô trò và phụ huynh của Trường THPT Phan Huy Chú đã cùng nhau về vùng đất miền Trung yêu dấu để dâng hương tại các địa danh lịch sử: Ngã Ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia đường 9, cầu Hiền Lương- sông Bến Hải, Đảo Yến - Vũng Chùa...

Địa chỉ đỏ đầu tiên thầy trò dừng chân là Ngã ba Đồng Lộc. Tại đây, toàn thể học sinh lớp 12 cùng thầy cô giáo và cha mẹ các em đã làm lễ dâng hương, tìm hiểu khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Cả đoàn cùng nghiêng mình kính cẩn trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc. Đứng trước mộ phần 10 nữ Liệt sĩ thanh niên xung phong, mỗi học trò thấm thía về sự hy sinh cao cả của các chị cho đất nước đẹp tươi.

 Ngày thứ 2, thầy trò tiếp tục hành trình đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Nghĩa trang Trường Sơn) - nơi tưởng niệm, tôn vinh và yên nghỉ của hơn 10.000 người con thân yêu của Tổ quốc. Trong nắng gió miền Trung, sắc áo cờ đỏ sao vàng cùng với lời hát Quốc ca của các em đã khiến khung cảnh hùng vĩ nơi đây thêm rực rỡ, thắp sáng niềm tin yêu đất nước. Cô Cao Thanh Nga, Hiệu trưởng nhà trường đã có bài phát biểu cảm tưởng: “Hành trình tri ân của chúng ta là hành trình của lòng biết ơn sâu nặng, là hành trình được trở về cúi đầu trước những con người làm nên lịch sử. Giờ đây, giữa Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, bạt ngàn bia mộ, chúng ta hãy lắng tâm cùng nhau ý thức rõ ràng hơn những gì mình đã may mắn được hưởng giữa hòa bình, hiểu trách nhiệm của tuổi trẻ được sống trong hòa bình. Ngay xung quanh chúng ta đây, hơn 10.000 các anh, các chị đã gác bút nghiên, rời giảng đường đại học, rời gia đình làng mạc dấu yêu, cống hiến tuổi trẻ, cống hiến cả đời mình cho Tổ quốc”.

Cô Cao Thanh Nga nhắn nhủ các em học sinh, cuộc sống luôn chuyển động không ngừng, việc học chỉ dựa trên sách vở là chưa đủ, học trải nghiệm với mục tiêu phát triển năng lực là con đường hữu ích. Người xưa có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, cái “khôn” hôm nay ta có được, chính là sự hiểu biết về kiến thức, thấu cảm về những điều thiêng liêng, quý giá. Nhờ vậy, ta có thể thực hiện tuyên ngôn sứ mệnh của nhà trường “hiểu dân tộc mình, yêu đất nước mình và chủ động hội nhập quốc tế”. Và đó là những thu nhận khó có thể có được nếu ta không cùng bên nhau ở nơi này...

Tiếp đó đoàn đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường Chín, trước những ngôi mộ liệt sĩ chưa được biết thông tin, các thành viên trong đoàn đều không khỏi ngậm ngùi, thấu cảm được sự hy sinh lớn lao của các chiến sĩ. Hiểu rằng, mỗi chúng ta khi được hưởng hòa bình cần biết ơn thế hệ cha anh và thấy được trách nhiệm của thế hệ trẻ với Tổ quốc thân yêu. Sau đó, đoàn tiếp tục lên đường đến Thành Cổ Quảng Trị - nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt năm 1972, giữa một bên là ta quyết giữ từng tấc đất, còn một bên là kẻ địch dùng uy lực súng đạn phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại để quyết chiếm Thành Cổ bằng mọi giá.

Các em học sinh thắp hương lên từng phần mộ các Anh hùng liệt sĩ

Ngày cuối cùng của hành trình tri ân, thầy trò Trường THPT Phan Huy Chú đã được đến viếng thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nằm khiêm nhường tại Vũng Chùa - Đảo Yến dưới chân đèo Ngang đầy nắng, gió và sóng biển mênh mông. Đứng trước mộ Đại tướng giản dị nhưng trang trọng và linh thiêng, thầy cô và học trò kính cẩn dâng hương, không giấu được sự khâm phục trước cái tâm và cái tài của một vị tướng đã đi vào lịch sử chiến tranh thế giới - Một vị tướng của lòng dân.

Điểm dừng chân cuối của thầy trò là  thăm quê ngoại làng Hoàng Trù, thăm quê nội Làng Sen của Bác Hồ - nơi Bác Hồ đã gắn bó trong những tháng năm tuổi thơ, nơi nhen nhóm hình thành lòng yêu nước và ý chí giải phóng dân tộc.

Chuyến trải nghiệm giúp các em có kiến thức, cảm xúc sâu sắc hơn

Thầy trò chụp ảnh kỷ niệm tại Thành Cổ Quảng Trị

Cô Ngô Thị Thành, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đây là năm thứ tám nhà trường tổ chức cho các con tham gia Hành trình tri ân. Ngoài việc giúp các con có thể trải nghiệm để tiếp thu kiến thức các bộ môn phục vụ cho chuyên đề liên môn Văn - Sử - Địa - Quốc phòng an ninh- Giáo dục công dân thì ý nghĩa quan trọng nhất là giúp các em được cảm nhận được rõ hơn những giá trị của lịch sử, của truyền thống, tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập tự do cho dân tộc. Trong chuyến đi có nhiều em đã bày tỏ, hồi xưa bằng tuổi các em các chiến sĩ đã xếp bút nghiên, hy sinh tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc. Qua mỗi hành trình tôi thấy rằng khi được trải nghiệm các con tiếp thu kiến thức sâu hơn, cảm xúc sâu sắc hơn và đánh thức lòng trắc ẩn của các con về các vấn đề trong cuộc sống. Chính vì thế, mặc dù gặp khá nhiều khó khăn khi tổ chức một đoàn với số lượng lớn đi trong 3 ngày nhưng nhà trường vẫn cố gắng duy trì hoạt động này hằng năm cho học sinh lớp 12 – độ tuổi đủ độ chín trưởng thành và đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới. Bên cạnh đó, trong chương trình GDPT mới cũng đặc biệt chú trọng đến hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, điều đó khẳng định hướng đi của nhà trường từ trước đến nay là đúng”.

Học sinh Phạm Hoàng Giang, học sinh lớp 12A3, cho biết: “Em đã được nghe các anh chị khóa trước kể về chuyến đi và khi trực tiếp được tham gia trải nghiệm hành trình tri ân em vô cùng xúc động. Ở độ tuổi của chúng em có hàng chục nghìn các anh, các chị đã gác bút nghiên, cống hiến tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Hành trình này giúp chúng em được bày tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ đã hy sinh để chúng em được sống trong hoà bình hiểu trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giúp cho đất nước ngày càng phát triển. Chúng em may mắn có dịp học tập thực tế này, nó chắc chắn có giá trị hơn nhiều so với việc chỉ học kiến thức trên ghế nhà trường. Đây sẽ mãi mãi là một ký ức đẹp, vô cùng ý nghĩa  đối với các thế hệ học sinh trường Phan Huy Chú”. Còn chị Trần Thị Thu Hường, một phụ huynh luôn đồng hành với con trên mọi hoạt động, chia sẻ: “Với tôi được tham gia học tập trải nghiệm cùng ban giám hiệu, thầy trò, ban phụ huynh về hành trình tri ân là dấu ấn, là kỷ niệm không bao giờ quên của tôi. Tôi đã từng đi đến nơi đây, mỗi lần đi là một cảm xúc khác nhau. Những nơi này đã trở thành địa chỉ đỏ hành hương về nguồn của các thế hệ người Việt Nam và thế hệ học sinh Phan Huy Chú nói riêng. Đây là hoạt động trải nghiệm vô cùng ý nghĩa, ngấm dần từng thành viên, trong đoàn, từng học sinh...”

Thầy Lê Đức Tùng, chủ nhiệm lớp 12A3, cho biết: “Chuyến hành trình tri ân - một tiết học kéo dài khoảng 72h với hơn 1.200km, qua 7 tỉnh thành của đất nước vô cùng thiêng liêng và đầy ý nghĩa. Qua chuyến đi này các con được trải nghiệm được hiểu và thêm yêu dân tộc, Tổ quốc để từ đó cố gắng học tập, phát triển bản thân...”./.

"Tôi mong muốn các em học sinh hãy học tập, luyện đức mỗi ngày, tích lũy kiến thức, rèn kỹ năng để sống tốt đẹp hơn. Lòng tri ân cần theo ta suốt hành trình sau này, trong mỗi cuộc đời của các em học sinh...”. Cô Cao Thanh Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận