Chỉ 'chạy xô' các 'lò' luyện thi khó đạt điểm cao kỳ thi đánh giá năng lực

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, nếu chỉ 'học tủ' sẽ khó đáp ứng được các bài thi chuẩn hóa như đánh giá năng lực.

 

Trong khi đó hầu hết thí sinh khi đi luyện thi sẽ đều học theo những dạng mẫu chung, bởi vậy rất khó đạt điểm cao nếu các em chỉ tập trung ôn tại các “lò luyện”. Việc quan trọng hơn cả là thí sinh cần dành thời gian tự học, hệ thống lại kiến thức.

Kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng được nhiều các trường đại học sử dùng làm căn cứ xét tuyển. Bên cạnh các phương thức truyền thống như xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ… Nhiều thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực để có thêm cơ hội vào các trường đại học, đặc biệt là các trường “top đầu”. Việc ôn luyện, phương pháp làm bài… đang là vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) có cuộc trao đổi với phóng viên VOV.VN về nội dung này.

PV: Thưa GS, năm 2024, ĐH Quốc gia Hà Nội còn 5 đợt thi đánh giá năng lực sẽ diễn ra trong thời gian tới, để ôn tập hiệu quả, sẵn sàng cho kỳ thi, thí sinh cần lưu ý điều gì?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Năm 2024, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức cho thí sinh thi đánh giá năng lực trong 6 đợt, đến thời điểm này đã có khoảng 99% thí sinh đã hoàn thành việc đăng ký dự thi.

Đợt thi đầu tiên đã diễn ra vào ngày 23/3, đợt thi cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 2/6.

Một lưu ý đặc biệt quan trọng cho thí sinh là các em cần tìm hiểu kỹ về kỳ thi trước khi đăng ký cũng như thi. Thực tế nhiều em đăng ký dự thi do bạn bè cùng thi, người thân tư vấn hoặc trường các em mong muốn xét tuyển có sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực, nhưng chính bản thân các em lại chưa tìm hiểu gì về kỳ thi này. Đây là một thiếu sót đặc biệt.

Khi tham gia bất kỳ kỳ thi nào, các em cũng cần biết kỳ thi đó như thế nào, cấu trúc câu hỏi, cách hỏi ra sao, như vậy mới có thể chủ động làm tốt bài thi. Nhiều thí sinh sau khi đăng ký dự thi mới hỏi đây là thi gì, thi như thế nào, đề thi tham khảo ở đâu.

Những em nào đã đăng ký thi đánh giá năng lực trong những đợt tiếp theo cần nhanh chóng nghiên cứu kỹ về cầu trúc, thời gian làm bài, cách trả lời với những phần câu hỏi điền đáp án… Việc chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp các em không bị bỡ ngỡ, tự tin khi vào phòng thi. Với những phần kiến thức, kỹ năng còn yếu cần tập trung ôn tập.

Nhiều thí sinh cũng đặt câu hỏi có nên luyện thi đánh giá năng lực tại các “lò luyện thi” hay không. Các em cần biết rằng kỳ thi nào khi tổ chức cũng sẽ dẫn đến hình thành các trung tâm luyện thi kỳ thi đó. Với kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, hiện nay cũng có rất nhiều trung tâm luyện thi, đây là điều không thể tránh khỏi.

Trước mỗi kỳ thi thí sinh luôn đặt câu hỏi cần ôn những gì, ôn ở đâu? Trước tiên cần khẳng định việc ôn thi là cần thiết, nhưng luyện thi sẽ phù hợp với những bài thi có 1-2 đề, luyện từ năm này qua năm khác. Với những bài thi có tính chuẩn hóa như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chúng tôi cũng không tuyên bố giới hạn hay lược bỏ phần kiến thức nào. ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ công bố phần kiến thức lớp 12 chiếm 70%, kiến thức lớp 11 là 20% và kiến thức lớp 10 là 10%. Do vậy nếu học lệch, học tủ sẽ khó đáp ứng với với các bài thi chuẩn hóa. Kỳ thi này cũng không có công thức chung cho tất cả các thí sinh. Trong khi đó hầu hết những người đi luyện thi đều học theo một mẫu chung, bởi vậy sẽ khó có thể đạt điểm cao nếu chỉ đi luyện thi. Các em cần dành thời gian tự hệ thống lại kiến thức. 2 ĐH Quốc gia đã công bố cấu trúc đề thi, bài thi tham khảo, thí sinh cần đọc kỹ để biết phần kiến thức nào còn yếu và tập trung ôn tập bổ sung.

PV: So với những năm trước, năm nay số lượng các trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội thay đổi ra sao, thưa GS?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Hiện nay có khoảng 101.000 thí sinh đã hoàn thành việc đăng ký, nộp lệ phí sẵn sàng cho kỳ thi. Chúng tôi đã và đang chuẩn bị thời gian, địa điểm tốt nhất để phục vụ cho 6 đợt thi năm 2024. So với năm 2023, năm nay có thêm gần 20 trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Đặc biệt, có 17 trường đại học khối quân đội và khoảng 90 trường đại học trong khu vực phía Bắc sẽ sử dụng kết quả kỳ thi. Số lượng các trường đại học xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực tăng lên, nhưng tỷ lệ sử dụng kết quả này của từng trường sẽ khác nhau. Dù có xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy, các trường thì vẫn dành 1 tỷ lệ tương đối lớn cho phương thức xét dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ trúng tuyển hàng năm xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn cao. Do đó, thí sinh lưu ý, tránh trường hợp chỉ tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực mà bỏ qua các phương thức khác dẫn đến lỡ mất cơ hội trúng tuyển.

PV: Trong đợt đăng ký thi vừa qua, có hiện tượng nghẽn mạng do lượng thí sinh đăng ký dự thi quá đông. Chỉ sau vài giờ mở hệ thống, nhiều thí sinh đã không thể đăng ký do hết chỗ, vậy số lượng thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm nay có tăng cao hơn nhiều so với năm 2023, số lượng này có nằm trong dự tính của ĐH Quốc gia Hà Nội hay không, thưa GS?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Chúng tôi có tính quy mô của kỳ thi trong 3 năm trở lại đây ở khu vực Hà Nội và các tỉnh thành khu vực phía Bắc cũng như chỉ tiêu mà các trường đại học dành cho kỳ thi đánh giá năng lực. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tính toán số thí sinh thực sự nhập học bằng bài thi đánh giá năng lực.

Hiện nay nhu cầu thi có thể cao nhưng số lượng thực tế không như chúng ta tưởng tượng, có khoảng 80.000-84.000 thí sinh thi đánh giá năng lực để xét tuyển với khoảng 20.000 chỉ tiêu là nhiều.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Việc thí sinh không đăng ký thi được do nguyên nhân nhiều em chưa tìm hiểu về kỳ thi, đã đăng ký dự thi 1 lần nhưng vẫn muốn đăng ký dự thi lần 2, lần 3 dù nhà trường đã công bố các em chỉ đăng ký tối đa 2 lần 1 năm và 2 đợt thi cách nhau 28 ngày. Tuy nhiên nhiều em không tìm hiểu thông tin này, ồ ạt truy cập đăng ký nhiều lần dẫn đến nhu cầu trên hệ thống tăng cao.

Chúng tôi khuyến cáo thí sinh chỉ cần tập trung thi 1 lần để đạt điểm cao và tập trung ôn tập giống như những kỳ thi khác. Việc thi nhiều lần không thay đổi điểm bài thi đánh giá năng lực mà chỉ giải quyết vấn đề tâm lý. Có thí sinh nghĩ rằng lần thứ 1 thi thử, lần thứ 2 thi thật lại có điểm thấp hơn những em quyết tâm thi tốt ngay từ lần đầu tiên, lần thi thứ 2 chỉ mang tính chất dự phòng. Việc thí sinh đăng ký ít lần thi sẽ dành chỗ cho những em thực sự mong muốn tham gia kỳ thi.

Trong thời gian tới ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ điều chỉnh kế hoạch đăng ký dự thi, có thể trong 1-2 tuần đầu sẽ dành cho những thí sinh đăng ký thi đợt 1, thí sinh dự thi lần 2 sẽ phải xếp sau những thí sinh thi lần 1. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều thí sinh được tiếp cận kỳ thi hơn là 1 thí sinh tiếp cận kỳ thi nhiều lần.

PV: Bộ GD-ĐT đã công bố định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đề thi này được nhiều chuyên gia đánh giá là có tính phân loại tốt, nhiều ý kiến cũng đặt ra rằng liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có khiến vị trí của các kỳ thi riêng bị thu hẹp hay không? GS có chia sẻ gì về vấn đề này?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Khảo thí cũng là một ngành khoa học, đo lường đánh giá chất lượng giáo dục, cũng giống như bất kỳ ngành khoa học nào, đều có sự tích lũy, nghiên cứu và phát triển. Chúng ta rất vui khi có những thay đổi của bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD-ĐT theo hướng đánh giá năng lực của học sinh và chuẩn đầu ra của chương trình. Đây là điểm rất mừng cả về chất lượng, hình thức, cách thức đặt câu hỏi như đã công bố.

Với các kỳ thi riêng, trong xã hội luôn có sự đa dạng, các kỳ thi riêng phải chứng tỏ năng lực chất lượng, tính chất riêng có của mình. Tính riêng không chỉ là tổ chức thi riêng mà là tính đặc thù của đề thi, cấu trúc, cách chứng nhận kết quả thi và sở hữu kết quả thi.

Bên cạnh đó, sự tồn tại bản chất của vấn đề đó là màu sắc làm nên các kỳ thi riêng. Chúng tôi không lo lắng và cũng không ảnh hưởng gì vì kỳ thi thiết kế theo quan điểm riêng, hướng đi riêng và đối tượng, nhóm ngành đào tạo… Ngoài ra chúng tôi cũng có những mục đích khác liên quan đến chất lượng giáo dục bậc đại học, phương thức nào tuyển sinh phù hợp, như vậy kỳ thi có nhiều mục đích, không chỉ dùng để xét tuyển đại học đơn thuần. Cuối cùng, nếu các kỳ thi đảm bảo chất lượng có thể giao thoa chuyển đổi kết quả cho các trường đại học có thể đối sánh.

PV: Xin cảm ơn GS!

Nguyễn Trang/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận