Cuộc đua vào lớp 10 tại Hà Nội khi nào bớt 'nóng'?

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm tại Hà Nội năm nào cũng "nóng", bởi số lượng chỉ tiêu vào trường công có hạn....

 

Hà Nội vừa công bố số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 THPT công lập năm 2024. Theo đó, toàn thành phố có 11.191 thí sinh dự thi 4 trường THPT chuyên thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội, 106.492 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào 117 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố.

Năm 2024, Hà Nội tuyển hơn 77.000 học sinh vào lớp 10 THPT công lập, tổng chỉ tiêu tăng khoảng 1.500, song một số trường khu vực nội thành lại giảm chỉ tiêu. Một số trường nội thành giảm chỉ tiêu như THPT Cầu Giấy, THPT Yên Hòa, THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Trương Định, THPT Việt Nam – Ba Lan, THPT Thạch Bàn, THPT Phúc Lợi, THPT Đa Phúc…

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm tại Hà Nội năm nào cũng nóng, bởi số lượng chỉ tiêu vào trường công có hạn, trong khi phần lớn phụ huynh lại có mong muốn con em được theo học tại các trường THPT công lập.

Để chọn trường cho con vào lớp 10, chị Hoàng Minh Ánh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải cân nhắc kỹ từng trường, dựa vào điểm chuẩn các năm trước và tư vấn của giáo viên. Để dự phòng, chị Minh Ánh cũng chấp nhận nộp "phí giữ chỗ" 5 triệu đồng cho con tại một trường ngoài công lập.

“Hầu hết các trường ở khu vực quận Cầu Giấy điểm chuẩn hàng năm đều rất cao, trong khi đó lực học của con chỉ ở mức trung bình khá, lựa chọn trường nào đều cần cân nhắc rất kỹ. Gần đến kỳ thi, hầu như con học thêm cũng như tự ôn tập kín tuần. Sau khi kết thúc lịch học ở trường lại tiếp tục học tại trung tâm, học gia sư tại nhà. Dù gia đình không quá áp lực, song bản thân con cũng tự đặt ra mục tiêu riêng và cố gắng”, chị Ánh cho biết.

Phụ huynh Hà Nội đội nắng đợi con ngoài cổng trường trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội.Theo chị Ánh, nếu không đỗ vào các trường THPT công lập, học sinh vẫn còn các lựa chọn khác từ trường ngoài công lập, đến các trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường nghề. Song thực tế, phương án vào trường công vẫn là tối ưu nhất, bởi cả chất lượng và chi phí học tập: “Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học trường ngoài công lập. Để thi được qua các kỳ thi lớn, thì dù học trường công hay trường tư con vẫn phải học phụ đạo thêm, như vậy chi phí học thêm đã nhiều, trong khi đó học phí trường tư lại cao. Nếu bố mẹ không có thu nhập tốt, con học trường tư sẽ khá áp lực", chị Ánh nói.

Tương tự như chị Ánh, anh Nguyễn Quang Dũng (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, để đăng ký cho con vào lớp 10, vợ chồng anh đã nhiều ngày mất ăn mất ngủ, thậm chí phải “họp” cùng con để đưa ra quyết định sau cùng: "Việc lựa chọn trường phù hợp rất quan trọng khi điểm chuẩn, tỷ lệ chọi vào các trường công lập năm nào cũng cao. Việc thi trượt không chỉ khiến con phải loay hoay lựa chọn những phương án khác mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của con”.

Thầy Đặng Minh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm nào cũng “nóng”. Một số năm số lượng học sinh tăng vọt một phần nguyên nhân xuất phát từ tâm lý muốn chọn tuổi đẹp sinh con của nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, gốc gác vấn đề xuất phát từ những bất cập trong quy hoạch giáo dục.

“Trong quy hoạch cần tính được mỗi năm có khoảng bao nhiêu học sinh vào lớp 1, bao nhiêu vào THCS và tỷ lệ % học sinh vào THPT là bao nhiêu. Việc tính toán này nhằm đáp ứng mục tiêu quy hoạch trường học phục vụ nhu cầu xã hội. Việc dân số phát triển “nóng”, tập trung ở các thành phố lớn, gia tăng dân số cơ học nhanh chóng, trong khi đó quy hoạch về hệ thống trường lớp chưa bắt kịp gây ra tình trạng thiếu trường lớp cho học sinh. Nhiều phụ huynh có con thi vào 10 rất căng thẳng, bởi nếu không học trường công, phụ huynh sẽ phải tìm những hướng đi khác cho con em như trường tư thục, quốc tế, giáo dục thường xuyên hay học nghề.”, thầy Đặng Minh Tuấn nói.

Thầy Tuấn cũng chỉ ra rằng, kỳ thi vào 10, học sinh dù có nhiều sự lựa chọn ngoài trường công lập, tuy nhiên thực tế mức chi phí của hệ thống trường công lập vẫn phù hợp với đại đa số người dân. Khi cho con theo học ở các hệ thống giáo dục khác ngoài công lập, không ít cha mẹ sẽ phải đối mặt với vấn đề áp lực kinh tế, thậm chí học phí quá sức chi trả của gia đình. Điều này tạo ra những bất cập lớn, mà học sinh chính là những người chịu thiệt thòi trực tiếp.

Chuyên gia giáo dục này cho rằng, việc thiếu trường lớp xuất phát từ những vấn đề quy hoạch cơ sở hạ tầng đô thị. Về nguyên tắc, tại các khu đô thị, khi xây dựng chung cư đều cần tính đến các thiết chế như trường học, bệnh viện… Tuy nhiên trên thực tế, nhiều dự án, chủ đầu tư mới chỉ quan tâm đến việc xây nhà để bán, mà chưa quan tâm đến các dịch vụ an sinh xã hội, trong đó có trường học.

Thầy Đặng Minh Tuấn nhấn mạnh, tháo gỡ những bất cập trên là một bài toán lớn, cần sự vào cuộc từ Chính phủ, các Bộ ban ngành, bởi chỉ riêng ngành giáo dục sẽ không thể giải quyết được. Với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, cần ưu tiên, xem xét dành quỹ đất xây thêm các trường THPT. Với các trường hiện tại, cũng nên đầu tư mở rộng về số lượng phòng học, tính phương án nâng tầng, hay mở rộng các tòa nhà. Bên cạnh đó cũng có thể liên kết với khu vực tư nhân, xã hội hóa, làm sao tăng số lượng lớp học, trường học, đáp ứng nhu cầu chính đáng của học sinh.

Nguyễn Trang/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận