Dịch vụ xe ô tô đưa - đón học sinh: Cần ban hành các quy định pháp luật cụ thể

Đã đến lúc cần có những quy định chi tiết, chặt chẽ về hoạt động dịch vụ và quy trình đưa đón trẻ em bằng ô tô. Nhà trường, giáo viên cần nêu cao trách nhiệm.

 

“Lỗ hổng”, khiến những vụ việc đau lòng vẫn xảy ra

Những tưởng, sau vụ việc bé trai học tại trường Getway, TP Hà Nội bị bỏ quên trên ô tô dẫn đến tử vong vào năm 2019 thì việc đưa đón học sinh sẽ an toàn hơn. Nhưng từ đó đến nay đã 5 năm, câu chuyện bỏ quên học sinh trên ô tô vẫn diễn ra. Ngày 9/9/2020, tài xế Nguyễn Văn Thạo điều khiển xe ô tô số 38cô Lưu Thị Quỳnh Nga (phụ trách quản lý học sinh xe số 38) chủ quan không kiểm tra, đã bỏ sót 1 học sinh ngủ trên xe. May mắn, 8h cùng ngày học sinh này tỉnh dậy và tự mở cửa xe để đi vào trường. Ngày 13/9/2019, tại Bắc Ninh cũng xảy ra vụ việc để quên trẻ mầm non cơ sở Đồ Rê Mí trên xe ô tô. Rất may, cháu bé được cứu sống… Tối ngày 29/5, dư luận không khỏi bàng hoàng và xót xa trước vụ việc bé trai 5 tuổi ở Thái Bình tử vong vì bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cho rằng: “Để xảy ra sự việc đau lòng này thì cả giáo viên chủ nhiệm, Hiệu trưởng đều phải có trách nhiệm quan trọng vì trường lớn mà quản lý quá hời hợt, thiếu trách nhiệm. Vụ việc lặp đi, lặp lại bao nhiêu lần nhưng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn. Trước mắt, chỉ cần trên xe gắn chuông báo động cảm biến thân nhiệt tầm 200.000 đồng/cái và đầu phát chuông để ở phòng học hoặc phòng hiệu trưởng, chuông bật vào khoảng thời gian sau khi HS vào lớp học thì sự việc đau lòng đó đã không xảy ra”.

Có thể thấy, những năm gần đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh ngày càng tăng cao, đặc biệt tại các khu đô thị lớn. Tuy nhiên thực tế còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu sót trong quy định pháp luật và giám sát thực hiện. Luật sư Trần Nguyễn Thanh - Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết: “Lỗ hổng” lớn nhất dẫn đến vụ việc bỏ quên học sinh mầm non trên xe đó là chưa có quy định chặt chẽ, chi tiết để đảm bảo an toàn trong việc đưa đón học sinh, đặc biệt là đưa đón học sinh mầm non, tiểu học. Về trách nhiệm của các bên: Đơn vị cung cấp dịch vụ, lái xe và người thực hiện việc giám sát (Cô Monitor) được nhà trường giao phụ trách đưa đón học sinh là người chịu trách nhiệm chính và trực tiếp. Trách nhiệm liên đới là nhà trường trong công tác tổ chức đưa đón học sinh và có thể bao gồm cả cô giáo phụ trách lớp trong việc kiểm tra sự có mặt tại trường, lớp học của học sinh. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định tiêu chuẩn riêng cho xe đưa đón học sinh, chưa định nghĩa thế nào là xe đưa đón học sinh mà xem như xe hợp đồng kinh doanh vận tải. Các trường phải tự ra tiêu chuẩn, quy trình kiểm soát an toàn khi tổ chức hoạt động đưa đón học sinh.

Cần nghiên cứu thiết kế đối với loại xe dịch vụ chở trẻ em để đảm bảo an toàn

Cần quy định chi tiết về hoạt động dịch vụ và quy trình đưa đón

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng: Đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra nhưng vẫn xảy ra sự việc đáng tiếc, đau lòng ở Thái Bình. Do vậy điều quan trọng nhất chính là vai trò của con người trong việc thực thi nhiệm vụ đưa đón, chăm sóc trẻ em. Trong đó, cần phải có quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đối với những người làm công tác đưa đón học sinh. Cụ thể, những người được giao nhiệm vụ đưa đón trẻ phải là người được lựa chọn cẩn thận, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, chứ không phải không bố trí được công việc gì khác thì cho đi đưa đón học sinh. Người đưa đón phải được tập huấn, hiểu rõ mô hình và quy trình công việc, có trình độ hiểu biết, tâm lý, cẩn thận là người cuối cùng rà soát kỹ càng trước khi đóng cửa xe về bãi.

Cũng theo ông Hạ, bên cạnh trách nhiệm của những người này và giáo viên chủ nhiệm thì trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục cũng phải rõ ràng. Người đứng đầu cơ sở là phải thường xuyên nhắc nhở, thậm chí là người lựa chọn những nhân sự được giao nhiệm vụ đưa đón trẻ.

Theo TS Vũ Thu Hương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ GD-ĐT cần sớm đưa ra quy trình, tiêu chuẩn của các trường được phép sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh. Đồng thời, quy trách nhiệm cho người đứng đầu mà ở đây là hiệu trưởng nếu xảy ra vụ việc. Quy định về việc học sinh trên xe di chuyển đến trường ở trên thế giới là rất nhiều, hầu hết nước nào cũng có. Nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có, mạnh trường nào trường đó làm, đủ các loại xe khác nhau, đủ các kích cỡ, chủng loại. Do đó trong thời gian tới, các cơ quan đơn vị nên rà soát, nghiên cứu đối với loại xe dịch vụ chở trẻ mầm non, tiểu học phải được thiết kế khác với xe chở khách đường dài. Đồng thời, quan trọng nhất vẫn cần rà soát lại toàn bộ quy trình đưa đón học sinh, nhất là trẻ mầm non, để tránh không xảy ra sự việc tương tự.

Luật sư Trần Nguyễn Thanh đề xuất: “Cơ quan lập pháp cần có những quy định chi tiết, chặt chẽ về hoạt động dịch vụ và quy trình đưa đón trẻ em, học sinh mầm non, tiểu học bằng ô tô do cơ sở giáo dục tự tổ chức, hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện; quy định trách nhiệm của lái xe, cô giám sát (phải kiểm tra toàn bộ xe trước khi rời đi, đảm bảo không để học sinh còn ở lại trên xe). Xem xét xây dựng quy định về ô tô chở học sinh, trẻ mầm non, có thể tham khảo từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Úc... ứng dụng công nghệ, phương thức để giám sát, quản lý việc đưa đón học sinh. Các Bộ, ban, ngành cần xem xét ban hành những quy chế, quy chuẩn cụ thể đối với việc đưa đón học sinh. Trách nhiệm của nhà trường là phải triển khai hoạt động đào tạo việc đưa đón học sinh, đưa ra quy trình giám sát thật nghiêm ngặt quá trình đưa đón học sinh. Về phía gia đình, cần tăng cường sự quan tâm, giám sát trẻ, hướng dẫn thêm cho trẻ về kỹ năng thoát hiểm, báo hiệu (hướng dẫn vị trí còi xe ô tô, bấm còi xe) khi chẳng may bị mắc kẹt trên xe ô tô.

Đã đến lúc cần có những quy định chi tiết, chặt chẽ về hoạt động dịch vụ và quy trình đưa đón trẻ em bằng ô tô; những quy định pháp luật cụ thể trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, để không xảy ra những vụ việc đau lòng: trẻ tử vong do bị bỏ quên trên ô tô. Nhà trường cần nêu cao trách nhiệm, giáo viên cần hiểu rõ công việc cụ thể của mình./.

 

Hiện nay, Quốc hội đang họp thảo luận về: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ cũng đã đề xuất bổ sung Điều 70 quy định hoạt động vận tải đưa đón trẻ em, học sinh bằng ô tô do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc do đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện; nếu cơ sở giáo dục tự tổ chức đưa đón học sinh phải đáp ứng quy định về hoạt động vận tải nội bộ; đơn vị kinh doanh vận tải phải đáp ứng quy định về hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Còn trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng bổ sung 1 điều về ô tô chở học sinh, trẻ mầm non. Ngoài 2 dự luật trên, Bộ GT-VT đang xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, trong đó có xe chở học sinh”. Luật sư Trần Nguyễn Thanh - Công ty Luật HTC Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận