Giải bài toán phát triển nguồn nhân lực CNTT

Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Cách nào để giải bài toán khát nhân lực hiện nay?

 

Doanh nghiệp “khát” nhân lực

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông  (TT&TT) cho thấy, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT của cả nước hằng năm tăng khoảng 30.000 lao động. Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) là 1 triệu nhân lực CNTT. Dự báo của Vietnamworks cũng cho thấy, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện mỗi năm chỉ có khoảng 50.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp.

Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực CNTT lớn như vậy nhưng theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh - HCA, hiện nay, các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu.

PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, các trường cần đổi mới nội dung dạy và học. Dạy và học đều phải dựa trên năng lực, phát triển các kỹ năng cho thế kỷ 21. Phương pháp dạy - học cũng phải chú trọng tới thực hành và tiếp cận với những đòi hỏi mới của thị trường.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường hàng đầu về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực CNTT, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Để đào tạo được nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu, cần rất nhiều yếu tố như sinh viên phải được cung cấp một nền tảng kiến thức tốt, trang bị kỹ năng nghiên cứu độc lập, tự học tốt, đảm bảo nền tảng cho cập nhật công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm và Tiếng Anh tốt, “kỹ năng” khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

Đổi mới để nâng cao chất lượng nhân lực

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, DN và các trường đại học đào tạo CNTT cần phối hợp chặt chẽ với nhau vì “Tài sản lớn nhất của DN là nhân lực thì DN phải đầu tư vào nguồn lực tài nguyên này. Đã đến lúc tuy hai nhưng là một.

Một chuyên gia lâu năm của ngành CNTT cho rằng, ở Việt Nam các DN thường xuyên kêu “khát” nhân lực dù nhân lực CNTT một năm ra “lò” khá nhiều. Nguyên nhân là do DN muốn có sẵn nhân lực tốt để đưa vào sử dụng luôn, điều đó là không hợp lý vì ngay nhiều công ty CNTT nổi tiếng thế giới phải tuyển người về đào tạo một thời gian như cho họ tham gia vào dự án thực tế và tìm hiểu văn hóa công ty… Chính những yếu tố đó sẽ giúp cho nhân lực phát triển theo đúng hướng của DN.

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Tập đoàn Bkav chia sẻ: “Với Bkav, để tìm nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao trên thị trường là không có, ví như nhân lực về mảng diệt virus, hay sản xuất điện thoại di động... Vì thế, để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, nhiều năm nay Bkav thường xuyên đến trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông... để tuyển hàng trăm sinh viên từ năm thứ 2 về công ty để đào tạo ở các mảng. Các em được tham gia trực tiếp vào các dự án với sự hướng dẫn của chuyên gia giỏi của Bkav và được làm việc trong môi trường văn hóa DN tốt nên phát huy được hết khả năng của mình. Vì thế, hầu hết các sinh viên này khi ra trường đều được Bkav tuyển dụng vào làm. Với cách làm đó nhiều năm nay nguồn nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao của Bkav chưa bao giờ bị thiếu hụt”.

Ở góc độ khác, góp ý với các trường đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT, đại diện lãnh đạo Samsung Việt Nam cho biết, sự hợp tác chặt chẽ giữa DN và các trường trong lĩnh vực này là rất quan trọng. Samsung hiện hợp tác với nhiều trường đại học của Việt Nam, cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên ngành CNTT. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, các trường cần liên tục cập nhật công nghệ mới, đồng thời phải đầu tư cơ sở hạ tầng để sinh viên có thể tăng thời gian thực tập, trải nghiệm công nghệ mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, thay vì đào tạo theo kiểu truyền thống là học trước làm sau, cần đổi mới tư duy, học bằng cách làm, làm trước học sau, tự học 70 - 80% rồi mới hỏi thầy. “Chúng ta cũng cần có những tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng của các trường đại học, xếp hạng các trường đại học... Đây sẽ là một thông tin rất tốt cho thị trường và là động lực để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo” - ông Hùng khẳng định. Về phía DN không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động.

Tập đoàn Bkav là nơi đào tạo và thu hút nhiều nhân lực công nghệ chất lượng cao.

Có chiến lược phát triển bài bản và thực chất

Đi tìm lời giải cho bài toán cần 1 triệu nhân lực CNTT vào năm 2020 không phải đơn giản. Ông Vũ Thanh Thắng cho rằng: Để giải bài toán lớn này chúng ta nên chia thành nhiều cấp độ để có kế hoạch đào tạo, ví dụ với nhóm lao động phổ thông như: công nhân công nghệ cao, kỹ sư làm những công việc có sẵn quy trình thì các DN có thể tự tổ chức đào tạo với số lượng lớn. Còn đối với mảng công nghệ cao đòi hỏi chuyên gia thì sẽ mất nhiều thời gian hơn nên cần có sự tham gia của các DN. Với cách như Bkav đang làm là khá hiệu quả, bởi ở nước ngoài để xây dựng đội ngũ đó họ phải mất hàng chục năm.

“Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu phần mềm, sau Trung Quốc, Ấn Độ. Điều đó cho thấy, nhân lực Việt Nam có năng lực CNTT rất tốt. Nhân lực của Bkav đào tạo hoàn toàn ở Việt Nam và chúng tôi vẫn có thể làm những dự án cạnh tranh với nước ngoài. Vấn đề là chúng ta xây dựng chiến lược phát triển bài bản, thực chất và tập trung trọng yếu vào chất lượng thì sẽ thành công. Các DN cũng phải tham gia đào tạo nhân lực và coi đây là một nhiệm vụ của chính mình” - ông Vũ Thanh Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ TT&TT cam kết luôn quan tâm và tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác giữa DN CNTT và cơ sở giáo dục đại học.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Giải quyết tốt bài toán cung - cầu nhân lực  “CNTT là nền tảng của cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0; của chuyển đổi số; của kinh tế số và xã hội số. Trong cuộc cạnh tranh về nhân lực, nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh nhu cầu của thay đổi công nghệ... thì nước đó sẽ chiến thắng. Trong cuộc cạnh tranh này, nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung - cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng nhu cầu của đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại”.

Ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav: Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động tạo ra nguồn nhân lực  “Nhiệm vụ quan trọng nhất là Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường phải xây dựng chiến lược phát triển nhân lực CNTT bài bản, làm từng bước một, làm sao phải đi vào thực chất mới có hiệu quả. Cách làm phải khác so với trước đây, không thể làm theo phong trào ào ào. Chỉ cần người đứng đầu có ý thức là thiếu nhân lực ở mảng nào và lên kế hoạch đào tạo thì câu chuyện sẽ khác. Cần cố gắng tự đào tạo nguồn nhân lực của mình và tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động tạo ra nguồn nhân lực đó”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ:Chương trình đào tạo phải được thiết kế theo nhu cầu  “Vấn đề kết nối giữa DN và nhà trường không mới, nhưng muốn hiệu quả phải trở thành nhu cầu tự thân. Chương trình đào tạo của các trường phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi. Mỗi nhà trường “hãy giảm bớt thời gian học lý thuyết, dành cho sinh viên nhiều hơn thời gian để thực tập, được “nhúng mình” vào hoạt động của các doanh nghiệp”.

Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc điều hành TopDev: Mức tăng trưởng của tuyển dụng ngày càng cao  “Nhu cầu tuyển dụng ngành IT được đánh giá có mức tăng trưởng càng ngày càng tăng qua từng năm. Số liệu mới nhất từ TopDev cho thấy nhu cầu tuyển dụng đến quý III năm 2018 là hơn 49.000 việc làm, tăng 74% so với năm 2017. Khoảng 3 năm trở lại đây, tăng rất mạnh từ 45% năm 2016 và năm nay là 74%”.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận