Xử lý nghiêm, tuyệt đối không có vùng “nhạy cảm”
Ngày 23/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an có cuộc họp kín để nghe giải trình về những tiêu cực, gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, sự kiện gây chấn động như gian lận thi cử thì nên công khai tới toàn dân, chứ không nên họp kín.
“Tại sao cùng là vụ việc gây chấn động dư luận, như các vụ dâm ô, xâm hại trẻ em thì giải trình công khai, còn vụ việc liên quan đến chạy điểm nâng điểm thì lại làm kín?”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền - ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chất vấn. Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, yêu cầu chung của cử tri cả nước là công khai minh bạch, quá trình tiếp nhận, xử lý làm rõ vụ việc, thậm chí phải trả lời trước người dân cả nước về giải pháp tiếp theo sẽ như thế nào khi mà kỳ thi Quốc gia đang cận kề.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cũng nêu quan điểm: Đây là một vụ gian lận thi cử gây chấn động xã hội nên xử lý đến đâu cần công khai đến đó để xã hội giám sát. Cần đặt câu hỏi vì sao Bộ GD-ĐT và Bộ Công an phải báo cáo riêng với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội? Có gì cần phải giấu diếm, bí mật ở đây? Nếu giấu giếm sẽ tạo “vùng cấm”, người dân sẽ không thể biết được để mà giám sát.
GS Phạm Tất Dong cho biết, ông rất đồng tình với ý kiến của GS Đào Trọng Thi là vụ gian lận thi cử này phải được làm mạnh mẽ, quyết liệt, không thể nửa vời được. Nếu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm quyết liệt trong vụ việc này sẽ còn hơn một lời xin lỗi đối với nhân dân. Trong vụ việc này, không chỉ xử lý cán bộ trong ngành giáo dục mà còn cán bộ ở địa phương, những người có trách nhiệm liên quan cũng phải xử lý nghiêm, tuyệt đối không có vùng “nhạy cảm” ở đây.
“Quan điểm của tôi là phải làm quyết liệt một lần, phải khui ra hết những tỉnh có gian lận. Tôi thấy, mấy năm nay, năm nào thi cử cũng có chuyện nhưng năm 2018 đã “đẻ” ra chuyện gian lận to quá. Để xảy ra việc này, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm bởi không phải do một số tiêu cực xã hội làm lũng đoạn giáo dục. Giờ nhiều trường đại học của ta đang có xu hướng thu hút sinh viên nước ngoài, nhưng sau vụ gian lận này chắc chắn họ sẽ lo ngại về chất lượng giáo dục của Việt Nam” - GS Dong cảnh báo.
Một chuyên gia giáo dục thẳng thắn cho rằng, sẽ tiếp tục xảy ra gian lận ở những kỳ thi sau vì biết có vi phạm cũng chỉ bị xử lý đến mức độ này thôi. Còn nếu xử lý rốt ráo vụ này thì sẽ không ai dám làm liều. “Sự gian lận trong thi cử có sự thông đồng, mang tính hệ thống mà chủ yếu là ở địa phương. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói “sẽ đưa khỏi ngành cán bộ gian lận điểm thi”, theo tôi cần xử lý nghiêm, đúng pháp luật và quan trọng là “đúng người, đúng tội”. Còn nếu cứ nói sẽ đuổi họ ra khỏi ngành sẽ chỉ là nói suông”. Cần xử lý công khai, đúng pháp luật thì mới lập lại được công bằng, lấy lại niềm tin nơi dân chúng.
Thủ tướng yêu cầu công khai thông tin xử lý
Điều dư luận bức xúc hiện nay là việc xử lý vụ gian lận trong thi cử còn chưa rõ ràng. Còn 12 thí sinh liên quan đến gian lận thi cử vẫn đang được theo học ở một số trường đại học.
Trước khi Bộ GD-ĐT giải trình với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về gian lận điểm thi (ngày 22/4), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch.
Về việc 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển vẫn đang học tại một số trường đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học. Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. “Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử”, Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định.
Ngày 23/4, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh và yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, xử lý nội dung liên quan đến việc các thí sinh Hà Giang được nâng điểm và báo cáo Thủ tướng. Theo kết luận của cơ quan công an điều tra, có 114 thí sinh tại Hà Giang đã được điều chỉnh điểm thi THPT Quốc gia. Đối với 114 thí sinh này, cơ quan công an đã xác định và trả về điểm thật trước thời gian Bộ GD-ĐT quy định xét tuyển ĐH năm 2018. Do đó, nếu có, các thí sinh này chỉ bị xử lý vi phạm tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ số lượng, hình thức xử lý đối với các thí sinh liên quan đến việc gian lận. Theo thống kê, xác định có 222 thí sinh của 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình được tác động thay đổi điểm thi. Ngoài Hà Giang, Hòa Bình có 64 thí sinh và Sơn La có 44 thí sinh.
“Gian lận thi cử là một dạng tham nhũng. Theo tôi phải kỷ luật hết, không bỏ qua ai. Nếu tha thì xã hội không yên và sẽ có người tiếp tục gian lận. Gian lận này không phải vùng cấm. Bất cứ ai liên quan tới gian lận thi đều phải công khai danh tính rõ ràng”, Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
'Gian lận thi cử là một dạng tham nhũng. Theo tôi phải kỷ luật hết, không bỏ qua ai. Nếu tha thì xã hội không yên và sẽ có người tiếp tục gian lận. Gian lận này không phải vùng cấm. Bất cứ ai liên quan tới gian lận thi đều phải công khai danh tính rõ ràng”, Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
|
Liệu kết quả của kỳ thi sắp tới có đảm bảo tính công tâm, công bằng hay không khi mà trên thực tế, việc xét tuyển đại học đã cho thấy độ vênh đầy
bất công, 1 điểm đậu thủ khoa, 30 điểm rớt đại học? Phải chăng vì có liên quan đến cán bộ lãnh đạo của các địa phương nên phải thận trọng, chặt chẽ, kín kẽ? Nếu như thế thì càng cần có câu trả lời rõ ràng, thẳng thắn trước công luận”- Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
|