'Hút' thí sinh bằng nhiều phương thức xét tuyển mới

Năm nay, các trường đại học đua nhau tung ra nhiều phương thức tuyển sinh mới nhằm thu hút thí sinh. Liệu có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tuyển?

 

Thêm nhiều phương thức tuyển sinh

Đến thời điểm này, các trường đại học (ĐH) trên cả nước đều đã công bố đề án tuyển sinh chính thức. Năm nay các trường đều có cách tuyển sinh riêng, đặc biệt là các trường lớn, để không hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ thi THPT Quốc gia. Thống kê mới nhất cho thấy, hiện có hơn 10 phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường áp dụng trong năm nay. Hầu hết các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, như xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia và các phương thức kết hợp khác.

Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) là trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhất, với việc áp dụng đồng thời 6 phương thức: kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 (theo khối); học sinh giỏi các trường THPT theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; thi tuyển - kỳ kiểm tra năng lực do trường tổ chức; xét tuyển học bạ đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.

ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM còn sử dụng phương thức xét tuyển bằng các chứng chỉ quốc tế. ĐH Quốc gia TP.HCM còn tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực (tháng 3 và tháng 7), sử dụng kết quả từ kỳ thi này tuyển đến 40% chỉ tiêu và có gần 30 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Đến nay, số lượng trường có kỳ thi đánh giá năng lực tăng lên khá nhiều, có nhiều trường lần đầu tiên tổ chức như các trường ĐH: Quốc tế Hồng Bàng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức kiểm tra năng lực xem như một trong những tiêu chí bắt buộc để tuyển sinh.

Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Ngoại thương áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT. Đối tượng để thực hiện xét tuyển kết hợp là học sinh các lớp chuyên Toán, Lý, Hóa, Văn và Ngoại ngữ của các trường THPT chuyên toàn quốc tốt nghiệp năm 2019, có hạnh kiểm các năm THPT đạt từ khá trở lên. Điều kiện xét tuyển được thực hiện dựa trên việc thí sinh đạt kết quả học tập bậc THPT và có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ phù hợp theo quy định với từng chương trình đào tạo. “Với việc đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, nhà trường mong muốn có nhiều cách để lựa chọn những thí sinh phù hợp với các chương trình đào tạo của nhà trường. Các em cũng có nhiều cơ hội xét tuyển, nhiều con đường vào trường hơn”, TS. Phạm Thu Hương, Trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại Thương cho biết.

Qua thống kê sơ bộ của các trường THPT, hiện nay có những thí sinh đăng ký tới 25 nguyện vọng thi THPT Quốc gia. TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, cho hay dù không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký nhưng thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một nguyện vọng có thứ tự cao nhất.

Việc các trường xeys tuyển bằng nhiều hình thức tạo nhiều cơ hội cho thí sinh.

Liệu có đảm bảo  chất lượng?

Mở rộng nguồn tuyển là lý do rất quan trọng để các trường đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh trong năm nay. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, một nguyên do khác là nguồn tuyển cạn, cho nên bên cạnh kỳ thi THPT Quốc gia là nguồn tạm tin cậy nhất hiện nay, các trường cần tìm thêm nguồn khác với các phương thức xét tuyển nhiều hơn và mở rộng hơn: kỳ thi đánh giá năng lực, học bạ… Thậm chí, đã có một số trường công lập lớn xét học sinh giỏi. Đây là một dạng xét theo điểm học bạ. Năm nay, có thêm nhiều trường đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Mỗi trường có một cách tuyển thí sinh khác nhau tùy theo yêu cầu mục tiêu giáo dục đào tạo của mỗi khoa, mỗi chương trình đào tạo. Ví dụ trường sư phạm Khoa Toán, Lý, Hóa, Văn... đều có những yêu cầu khác nhau. Nhưng theo tôi nếu căn cứ xét tuyển học bạ sẽ dễ nảy sinh nhiều tiêu cực, có thể dẫn đến việc nâng điểm, sửa học bạ. Trên thực tế tình trạng sửa điểm, sửa học bạ đã diễn ra. Mới đây, tại một trường THPT ở TP.HCM, một số giáo viên tố cáo có dấu hiệu sửa bài kiểm tra, thay đổi kết quả thi theo chiều hướng có lợi cho học sinh lớp 12”.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên vụ Phó Vụ Đại học (Bộ GD-ĐT): “Để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, để đảm bảo tên tuổi của nhà trường, nhà trường phải cân nhắc các phương án tuyển sinh chứ không phải tuyển bừa cốt là lấy được thí sinh. Tiêu chuẩn tuyển sinh là tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, nếu không tốt nghiệp THPT thì dứt khoát không được tuyển. Nhưng ngay điều đó hiện cũng đang có dấu hiệu vi phạm, có trường đang muốn mập mờ là chỉ căn cứ vào kết quả học tập, thậm chí căn cứ vào việc hoàn thành chương trình học đó để xét tuyển. Tôi rất lo vì nếu như vậy thì hậu quả sẽ không lường hết được”.

Thực tế, trong vài năm gần đây, Bộ GD-ĐT cho các trường tự chủ nên các trường có thể xét tuyển bằng rất nhiều hình thức. Điều này mở rộng cho học sinh nhiều cơ hội vào các trường. Tuy nhiên, không ít chuyên gia giáo dục cho rằng, với tình hình như vậy, việc trúng tuyển vào ĐH quá dễ. Thực tế này buộc các trường phải khẳng định chất lượng của mình, gắn liền đào tạo với thực tế./.

 
Nếu các trường quá dễ dãi trong việc xét tuyển đầu vào, đến lúc đào tạo sinh viên không đạt chất lượng, ra trường sinh viên thất nghiệp vì không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, bị các doanh nghiệp từ chối thì chính các trường sẽ bị mất uy tín, dần dần không có sinh viên nào đến học”. GS Phạm Tất Dong

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận