Địa phương đề xuất tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên Tiếng Anh, Tin học...

Tại nhiều địa phương, đội ngũ giáo viên còn thiếu khá nhiều so với định mức quy định. Trong đó thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc,

 

Sáng 19/8, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành Giáo dục. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, năm học 2023 – 2024, tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cơ bản theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Toàn cảnh hội nghị.Tỉnh Điện Biên cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ và sách giáo khoa mới, sẵn sàng tổ chức cho học sinh tựu trường và khai giảng năm học mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tỉnh Điện Biên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đội ngũ giáo viên còn thiếu khá nhiều so với định mức quy định; thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đội ngũ có biến động khá lớn sau mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi. 

Vấn đề thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường. Cơ sở vật chất trường lớp học tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng còn thiếu khá nhiều, nhất là nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên; một số phòng học đã xuống cấp cần được thay thế. Chế độ chính sách dành cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên còn nhiều bất cập. Đời sống của đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn khó khăn.

Từ thực tế trên, ông Vừ A Bằng đề xuất Chính phủ xem xét không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên và bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này.

Giao tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương.

Áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên. Hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, như: tiền thuê nhà, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản; tiền trực trưa.

Có chính sách hỗ trợ tỉnh Điện Biên trong đào tạo giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để phục vụ Trường Đại học Điện Biên Phủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề xuất sớm trình Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo.

Cùng quan tâm về vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cũng cho biết, thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông, tăng 39 trường so với cùng kỳ năm học trước với gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn về biên chế giáo viên, khi quy mô tăng, dẫn đến số biên chế thiếu. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ rà soát đánh giá lại việc bổ sung biên chế giáo viên cho phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, đội ngũ giáo viên hiện nay chủ yếu vẫn đang là thế hệ gen Y với đặc điểm nổi bật là khả năng thu hút khoa học tốt, dám đổi mới, bứt phá. Tuy nhiên đánh giá chung lại cho thấy đội ngũ giáo viên hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại hội nghị.“Đội ngũ học sinh hiện nay đang nằm ở thế hệ gen Z, gen Anpha, đây là thế hệ gắn liền với công nghệ, các em “ăn công nghệ”, “ngủ công nghệ”, “sinh ra bằng công nghệ”. Điều này đòi hỏi giáo viên cần thay đổi thế nào để “đắm mình" trong công nghệ, phù hợp với đối tượng mình giảng dạy. Một khảo sát mới đây của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy, chỉ có khoảng 20% giáo viên có thể đáp ứng được nhu cầu của đổi mới giáo dục”, GS Nguyễn Thị Doan nêu rõ.

Chủ tịch Hội Khuyến Học Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế căn bệnh thành tích, áp lực về thành tích vẫn đang đè nặng lên thầy trò và cả phụ huynh học sinh. Ngay từ quá trình thi tuyển công chức, viên chức giáo dục vẫn có những nội dung cần học thuộc lòng, văn mẫu, điều này làm hạn chế, "thui chột" sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên trẻ.

Bên cạnh đó, đời sống giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn, GS Nguyễn Thị Doan băn khoăn đặt câu hỏi rằng có bao nhiêu giáo viên đã dành thời gian để đọc và tự học để nâng cao năng lực trình độ.

Ngoài ra, mức độ chênh lệch giữa mức lương của giáo viên mầm non và các bậc học khác vẫn rất lớn. Đời sống giáo viên mầm non vẫn chưa đảm bảo, dù đã có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm, hỗ trợ.

GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng, thời gian qua, mặc dù ngành giáo dục đã đẩy mạnh số hóa, đưa các chương trình về điện tử vào giảng dạy, nhưng hệ thống sổ sách, báo cáo, thông tin cho phụ huynh lại nặng nề quá làm mất thời gian giáo viên.

GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh rằng, ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ giáo viên, bởi đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023 -  2024; trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. đồng thời, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng; triển khai lộ trình đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng báo cáo tại hội nghị.Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại hầu hết các địa phương, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng, lương nhà giáo trẻ còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề... 

Nói về định hướng phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; nghiên cứu xây dựng các Đề án nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2026 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045. 

Nguyễn Trang/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận