Bảo đảm đủ chỗ học, thiết bị dạy học để đáp ứng việc đổi mới
Ngay trước thềm năm học mới, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng nhằm tạo khí thế vui tươi cho học sinh bước vào năm học mới. Nhiều địa phương trên cả nước đã chú trọng sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học; ưu tiên các hạng mục công trình, như: phòng học, thư viện, nhà vệ sinh; đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu... đảm bảo các điều kiện dạy học theo chương trình GDPT 2018.
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Sơn La có 610 trường học, với trên 375.000 học sinh. Cuối tháng 7 vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, toàn tỉnh Sơn La có nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS bị ảnh hưởng, tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Bắc Yên, Sông Mã và TP. Sơn La. Ngay sau cơn bão, công tác khắc phục đã được ngành giáo dục và các địa phương chỉ đạo tu sửa; kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm ủng hộ sách, vở đồ dùng học tập; động viên học sinh đến trường trong năm học mới. Tại huyện Mai Sơn, lũ quét làm 19 phòng học, phòng chức năng, phòng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú tại Trường Tiểu học Chiềng Nơi bị ngập nước. Theo thầy Hiệu trưởng Hà Minh Công: Thiệt hại tại điểm trường trung tâm đã cơ bản được khắc phục. Nhà trường nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành, nhiều đoàn thiện nguyện ủng hộ quần áo, sách vở, chăn màn và nhiều vật dụng cá nhân. Nhà trường cũng đã đảm bảo cơ sở vật chất nấu ăn bán trú cho 205 học sinh tại điểm trường...
Trong năm học này, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh với hơn 2,3 triệu em, hơn 2.900 trường học. Trước thực tế số học sinh toàn thành phố mỗi năm tăng từ 40.000-60.000 em, chính quyền các cấp cũng như ngành giáo dục đã có những giải pháp kịp thời, bảo đảm đủ chỗ học cho mọi học sinh cư trú trên địa bàn thành phố. Trước năm học mới, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội được xây mới, sửa chữa, cải tạo khang trang, hiện đại với trang thiết bị được đồng bộ với mục tiêu không để học sinh nào thiệt thòi. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, với mạng lưới trường lớp hiện nay, Hà Nội bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Việc quá tải trường học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn tập trung đông dân cư. Hiện nay, sĩ số trung bình cấp tiểu học của toàn thành phố chỉ khoảng 37,5 học sinh/lớp. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là mục tiêu, giải pháp của ngành giáo dục Hà Nội để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2024 - 2025, quy mô giáo dục thành phố tiếp tục tăng, toàn thành phố có thêm hơn 30 trường học. Ngành giáo dục Thủ đô xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học mới là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới GDPT. Các Phòng GD-ĐT tăng cường tham mưu chính quyền địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp để xây dựng trường công lập. Hướng dẫn các trường nghiên cứu, tham mưu cho chính quyền địa phương việc sáp nhập, chia tách trường hoặc gom các điểm trường lẻ phù hợp điều kiện thực tế…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục và khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp hiện nay cần sự nỗ lực rất lớn từ các địa phương, trong đó có vai trò tham mưu của các Sở GD-ĐT. Một trong những mục tiêu trọng tâm sẽ được ngành giáo dục tập trung thực hiện trong năm học này là sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục...”.
Lấy người học làm trung tâm- chủ thể
Nhằm thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương; tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục đào tạo... Đồng thời, Bộ GD-ĐT đang tích cực hoàn thiện Dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và để thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) Quốc hội khóa XV”.
Về công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước. Việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023 - 2024; trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên”.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ. Việc cố gắng giảm giá thành sách giáo khoa từ năm học 2024 - 2025 đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục, giúp giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam
Trước thềm năm học mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắn nhủ: Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, chúng ta cần xác định rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm - chủ thể, Thầy cô giáo là động lực, nhà trường làm bệ đỡ, gia đình là điểm tựa, xã hội là nền tảng”. Theo đó, học sinh, sinh viên không những chỉ tiếp thu kiến thức mà còn chủ động, tích cực rèn luyện “Đức - Trí - Thể - Mỹ”, ý chí vươn lên, hoài bão, ước mơ, khát vọng cống hiến. Thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải gương mẫu trong rèn luyện, luôn khích lệ, động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các em học sinh, sinh viên. Nhà trường được xác định là bệ đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện học tập, môi trường an ninh, an toàn, bình đẳng và thuận lợi cho các em học sinh, sinh viên. Xã hội là nền tảng, tạo môi trường trong lành về pháp lý, văn hoá, đạo đức, kiến thức, tạo ra xã hội học tập, nhất là trong điều kiện phát triển xã hội số, công dân số…/.
. 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm học 2024-2025
1- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
2- Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng.
3- Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên.
4- Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT.
5- Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
6- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học.
7- Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
8- Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục.
9- Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
10- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT.
11- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
12 - Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.