Làm sao để tránh tình trạng học sinh bị 'ép' đăng ký học thêm ở trung tâm?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm.

 

Theo Thông tư mới ban hành, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Cũng theo quy định của Thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lí an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.

Ngay sau khi được ban hành, thông tư này đang nhận được nhiều sự chú ý, quan tâm từ cả giáo viên và phụ huynh.

Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (Phú Xuyên, Hà Nội) cho rằng, học thêm, dạy thêm trên thực tế đang là nhu cầu của cả người dạy lẫn người học. Người dạy thì nhằm mục tiêu cải thiện, nâng cao thu nhập. Người học thì cải thiện kiến thức, thi cử tốt hơn, đây là nhu cầu thực tế của xã hội.

Khi thông tư 29 có hiệu lực, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ phải thay đổi rất nhiều.

Theo thầy Nguyễn Văn Đường, với những giáo viên có năng lực, chuyên môn tốt, có sức hút đối với người học sẽ không quá lo lắng trước quy định này, bởi thầy cô vẫn có thể giảng dạy tại các trung tâm hoặc mở các trung tâm và đăng kí kinh doanh. Đây có thể cũng là cơ hội để giáo viên giỏi tạo ra đột phá về thu nhập.

Nhưng với những giáo viên chưa có nhiều “thương hiệu”, sức hút với học trò sẽ rất khó để giảng dạy thêm tại các trung tâm bên ngoài, nguồn thu nhập sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

“Khi quy định này được áp dụng, học sinh sẽ được hưởng nhiều lợi ích nhất, các em có thể lựa chọn học thêm với các thầy cô mà mình yêu thích, từ đó hiệu quả học tập cũng sẽ nâng cao.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến cách quản lí, điều hành hoạt động của các trung tâm, làm sao để tránh được tình trạng học sinh bị ép đăng kí ra trung tâm để học, tức là chỉ thay đổi địa điểm, trước đây phòng học thêm là lớp học trong trường, nay là phòng học ở trung tâm. Việc kiểm soát này giao cho cơ quan chức năng nào quản lý hay chỉ kêu gọi sự tự giác của người lập trung tâm?

Tôi cho rằng gốc của vấn đề không nằm ở lớp dạy thêm do trường quản lí hay do trung tâm quản lí, nếu lương của giao viên đủ cao thì họ sẽ không cố đi dạy thêm nữa, họ cũng cần có thời gian để đào sâu chuyên môn, chăm sóc gia đình, bản thân. Học sinh không chịu quá nhiều áp lực trong các kỳ thi vượt cấp thì các em cũng sẽ không ném bỏ tuổi thơ để vùi đầu ôn luyện trong các lớp, lò học thêm, các em sẽ có cơ hội để theo đuổi đam mê, khám phá năng lực bản thân…”, thầy Nguyễn Văn Đường trăn trở.

Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, các bất cập, tiêu cực về dạy thêm học thêm thời gian dài vừa qua là do các quy định chưa chặt chẽ, khâu kiểm tra còn lỏng lẻo.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán tại Hà Nội cũng đồng quan điểm rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, chính đáng và cần thiết của người dạy, người học, của xã hội. Các bất cập, tiêu cực về dạy thêm học thêm thời gian dài vừa qua là do các quy định chưa chặt chẽ, khâu kiểm tra còn lỏng lẻo và những người có liên quan đã không làm đúng các quy định, nhận thức của học sinh, phụ huynh chưa đúng cũng như chưa làm tốt các khâu kiểm tra, đánh giá và thi cử.

Đọc thông tư 29, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng có 4 điểm mới nổi bật, thứ nhất, dạy thêm là loại hình kinh doanh có điều kiện. Đây là thay đổi căn bản để khắc phục việc quản lí hoạt động dạy thêm không hiệu quả thời gian qua. Với quy định này, hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ chịu sự quản lí của Luật doanh nghiệp. Cá nhân hay tổ chức dạy thêm cần đăng ký kinh doanh. Quản lí hoạt động dạy thêm là các cấp chính quyền (xã, phường; quận, huyện, tỉnh, thành phố) và ngành giáo dục. Với quy định này, nếu giáo viên tự ý dạy thêm mà không có đăng ký là vi phạm quy định.

Thứ 2, về điểm mới giáo viên không được dạy thêm (có thu tiền) học sinh mà mình dạy chính khóa, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, quy định này khắc phục hầu hết các tiêu cực của việc dạy thêm trước đây như có tình trạng ép buộc, bớt xén bài trên lớp, phân biệt đối xử giữa những em học thêm và không học thêm. Đồng thời quy định này cũng sẽ đưa việc dạy và học trong nhà trường trở lại đúng quỹ đạo.

Về điểm mới thứ 3, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn dạy, thời gian, địa điểm cũng sẽ buộc giáo viên phải công khai các thông tin về việc dạy thêm của mình. Hiệu trưởng các trường có trách nhiệm quản lí cả việc giáo viên dạy thêm bên ngoài.

Về nội dung dạy thêm trong trường không được thu tiền, giáo viên này cho rằng đây là quy định rất nhân văn, nhằm tạo giá trị cho học sinh, đúng với tôn chỉ của các nhà trường, của ngành giáo dục. Nếu quy định này làm tốt thì cũng không còn các tiêu cực của việc dạy thêm trong nhà trường, tương tự với các tiêu cực của dạy thêm ngoài nhà trường.

Để đưa việc dạy thêm, học thêm đi đúng theo quỹ đạo tích cực, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng, trước hết cần làm tốt khâu đăng ký kinh doanh, các Sở GD-ĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần công khai các tiêu chí, điều kiện để đăng ký dạy thêm, nghiêm túc trong việc xét duyệt hồ sơ, cấp đăng ký kinh doanh.

Các cấp chính quyền theo phân công nhiệm vụ cần giám sát, kiểm tra và xử lí kịp thời các vi phạm. Các cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương đến các địa phương cần làm tốt việc quản lí chuyên môn và phối hợp thanh, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm. Đặc biệt là cần sự giám sát của học sinh, phụ huynh, truyền thông và của xã hội.

Để việc dạy thêm học thêm thực sự tích cực, mang lại giá trị cho cả học sinh và giáo viên, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu, phân rõ nhiệm vụ của các cấp trong việc quản lí hoạt động dạy thêm. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm khi trường, giáo viên của mình vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm.

Đặc biệt, gốc gác của vấn đề là ngành giáo dục cần thay đổi phương pháp dạy học, để học sinh phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu, không để việc học thêm như là nhu cầu của đại đa số học sinh như hiện nay.

“Theo chương trình GDPT mới, chúng ta tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Nếu đề thi thay đổi theo hướng này thì cũng tác động trở lại việc dạy và học, khi đó việc học thêm cũng sẽ giảm. Bên cạnh đó, chính phụ huynh và học sinh cũng cần nhận thức rõ nhu cầu của bản thân, khi nào cần học thêm và học thêm cái gì, học như thế nào, tránh việc học tràn lan tạo sự mệt mỏi, quá tải. Chỉ khi áp lực thi cử được giảm tải, trường lớp được xây thêm đáp ứng tốt quyền lợi của người học, lương giáo viên tăng thêm, để họ yên tâm gắn bó với nghề, không cần bươn chải, trông chờ vào việc dạy thêm, khi đó sẽ giảm những tiêu cực không đáng có”, thầy Tùng nhấn mạnh.

Nguyễn Trang/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận