Quy định về dạy thêm, học thêm:Tránh biến tướng, đảm bảo quyền lợi cho cả thầy và trò

Cấm dạy thêm học sinh tiểu học, không được dạy học sinh chính khóa... là những điểm mới trong Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2.

 

Giáo viên không dạy học sinh chính khóa sẽ giảm tiêu cực

Trước đó, thông tư cũ chỉ nêu giáo viên được dạy thêm học sinh chính khóa bên ngoài trường, nếu được sự đồng ý của hiệu trưởng. Và điều khiến dư luận bức xúc lâu nay là việc học sinh phải đi học thêm ở lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù không muốn. Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định mời về dạy thêm, học thêm đã nhằm khắc phục điểm bất cập này. Cụ thể, cấm giáo viên dạy thêm bên ngoài có thu tiền của học sinh trên lớp, còn trường học chỉ được dùng ngân sách dạy thêm cho ba nhóm. Nội dung trên nằm trong thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 3/1/2025. "Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường", trích văn bản của Bộ.

Ngoài ra, Bộ yêu cầu không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống. Giáo viên ở các trường công lập không được quản lý, điều hành dạy thêm ngoài trường, mà chỉ được tham gia dạy thêm. Khi đó, giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm. Học phí học thêm ngoài trường do phụ huynh, học sinh thỏa thuận với cơ sở dạy thêm.

Với dạy thêm trong trường, thông tư mới cũng yêu cầu không thu tiền, và chỉ dành cho ba nhóm: có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp. Học sinh muốn học thêm trong trường cần làm đơn đăng ký, mỗi lớp không quá 45 em. Với mỗi môn học, trường không được dạy thêm quá hai tiết một tuần. Kinh phí tổ chức dạy thêm lấy từ ngân sách.

 Đây cũng là điểm mới, bởi hiện tại các trường vẫn tổ chức dạy và thu tiền, mức thu theo quy định của HĐND cấp tỉnh. Chia sẻ về điểm mới này, Bộ cho biết ba nhóm học sinh nói trên thuộc trách nhiệm phải bồi dưỡng của trường, nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục, đồng thời đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Theo Bộ, thông tư mới được xây dựng trên ba quan điểm chính. Thứ nhất là đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của giáo viên và học sinh. Hai là đảm bảo dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng đến chương trình chính khóa. Ba là ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức, dù không có nhu cầu.

Khi Thông tư được ban hành, nhiều phụ huynh đã rất ủng hộ và cho rằng, điều này sẽ phần nào ngăn chặn được những biến tướng, tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội) cho rằng: “Đưa ra thông tư mới này rất hợp tình hợp lý với phụ huynh vì dạy thêm phụ đạo trong trường với các em yếu kém và học sinh giỏi xuất sắc muốn nâng cao còn học sinh trung bình khá thì không cần dạy thêm vì có dạy nữa cũng không tiếp thu vào được bao nhiêu mà lãng phí thời gian tiền bạc của xã hội”. Còn anh Hoàng Sơn (Hải Dương) cũng bày tỏ: “Tôi ủng hộ 100% cách làm này của Bộ. Chỉ có vậy mới có học thật thi thật và cuối cùng là hs có điểm thật. Chứ tình trạng giáo viên chủ nhiệm đứng lớp dạy thêm chính học sinh của mình tại nhà thì rất thiếu công bằng cho các em không học”. Một giáo viên cũng chia sẻ, Thông tư của Bộ đã giải quyết được những vướng mắc hiện nay trong dạy thêm, học thêm như: Vì giáo viên bị cấm thu tiền với học sinh chính khóa đang học tại trường thì phụ huynh sẽ giảm áp lực tài chính và lo sợ con mình bị trù dập do không đi học thêm. Giáo viên và nhà trường không còn mang tiếng vì tổ chức dạy thêm, có thể đường đường chính chính tổ chức lớp để nâng cao kiến thức cho các em.

Theo Thông tư mới, học thêm trong trường không được thu tiền

Hợp pháp hóa dạy thêm giúp giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo

Thời gian qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng các nhà giáo, đại biểu Quốc hội nhiều lần khẳng định việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật. Theo Bộ GD-ĐT, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, trong đó yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV này, khi thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định: dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực của xã hội và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT là phải ban hành quy định để quản lý vấn đề này.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, chuyên gia; ý kiến của người dân, khi xây dựng Thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm, Bộ GD-ĐT xác định chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn hôm 20/11/2024 cho biết chủ trương của Bộ là không cấm dạy thêm, chỉ cấm nếu giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bộ cũng đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.

Về phía giáo viên, theo báo cáo của Đại học Quốc gia TP.HCM, hơn 63% trong 12.500 người được hỏi muốn được hợp pháp dạy thêm tại nhà và dạy thêm online để tăng thu nhập chính đáng. Thầy cô cho biết dù lương cơ sở đã tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng, thu nhập chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu chi tiêu. Đây là đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia TP.HCM nghiên cứu về đời sống giáo viên mầm non và phổ thông khu vực Nam Bộ, thực nghiệm tại ba tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang.

Việc dạy "chui" tại nhà, nhiều giáo viên thừa nhận làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà giáo trong mắt học sinh và xã hội. Song vì gánh nặng mưu sinh, họ buộc phải làm thế. Các nhà giáo cho rằng việc hợp pháp hóa dạy thêm ở nhà giúp giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt học sinh và xã hội, "còn hơn làm các nghề tay trái ít liên quan đến nghề nghiệp"./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận