Chiến lược phát triển giáo dục: Động lực then chốt để phát triển đất nước

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh việc đầu tư cho giáo dục với mục tiêu trở thành quốc gia tiên tiến về giáo dục.

 

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ căn bản và toàn diện

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Mục tiêu đưa giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến khu vực châu Á vào năm 2030 và vươn lên hàng đầu thế giới vào năm 2045.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhấn mạnh 5 quan điểm chỉ đạo. Theo đó, quan điểm chỉ đạo đầu tiên: Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò động lực then chốt để phát triển đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực khác, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia, đóng góp cho phát triển giáo dục.

Triển khai mô hình thành phố học tập trên toàn quốc. Phấn đấu có 10 đơn vị hành chính tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030. Phát triển hệ thống giáo dục mở, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế...

TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng: Chiến lược này nhằm phát triển hệ thống giáo dục Việt Nam, nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế. Ở nhiều nước tiên tiến có một số tiêu chí quan trọng để đánh giá một hệ thống giáo dục tốt, bao gồm: Tiêu chí đầu tiên là tạo cơ hội học tập công bằng cho mọi người, không phân biệt giàu nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Quan trọng là tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận và phát huy được năng lực của bản thân. Tiêu chí thứ 2 là đảm bảo chất lượng giáo dục theo các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực hoặc quốc gia. Tiêu chí thứ 3 là đảm bảo hiệu quả của toàn hệ thống giáo dục, không chỉ của một số trường hoặc cá nhân nổi trội. Hiệu quả phải được đánh giá dựa trên kết quả đào tạo và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tiêu chí thứ 4 là xây dựng một hệ thống giáo dục thống nhất, không bị phân mảnh, cục bộ.

Còn theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, chuyên gia giáo dục đại học đánh giá, trước hết, Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu như trên nhằm nâng cao vị thế của nền giáo dục đại học Việt Nam. Một trong những vấn đề quan trọng nhất cần thực hiện là mở rộng cơ hội giáo dục đại học, để nhiều người được đi học đại học hơn. Khi đó, chúng ta sẽ có được nhiều người giỏi, người tài, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hướng tới phát triển cong người Việt Nam toàn diện.

Chi tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước sẽ tạo “cú hích”

Tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Bộ GD-ĐT tổ chức cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước, theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Mức chi cao nhất là 19,1% của năm 2019. Các năm còn lại dao động từ 15,7% đến hơn 18%. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định, một trong 4 việc cần làm ngay với ngành GD-ĐT là bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng nghị quyết mà Đảng đã đề ra...

Ngay trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phấn đấu đạt được các mục tiêu, trong đó, bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo bảo đảm đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định và quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo đó, ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, xoá mù chữ, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, các nhiệm vụ trọng điểm, các chương trình mục tiêu, các ngành nghề mũi nhọn; ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra.

Ngoài ra, tăng cường huy động và thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục. Xây dựng, triển khai chương trình tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và phổ thông bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình...

Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và ưu tiên phân bổ đầu tư nguồn lực để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học xuất sắc theo hiệp định quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các trường đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến... Xây dựng, thực hiện Chương trình đầu tư công hiện đại hoá giáo dục đại học phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đảm bảo đầy đủ nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch và các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế quan trọng và các lĩnh vực công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Có thể thấy, Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn 2045 không chỉ là định hướng phát triển giáo dục, mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên tiến về giáo dục./.

Mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia tiên tiến về giáo dục

Giáo dục mầm non sẽ phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; Tỷ lệ trường mầm non dân lập, tư thục đạt 30%, số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt 35%.

Đối với giáo dục phổ thông, 75% các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3…

Đối với giáo dục đại học, số sinh viên /vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%. Có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới; Nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á…

 

“Sự nghiệp GD-ĐT nước nhà phải quyết liệt đổi mới căn bản và toàn diện hơn nữa, phải được xây dựng thực sự chất lượng và sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, để GD-ĐT Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045”. Thủ tướng Phạm Minh Chính

“Những vấn đề cốt lõi cần giải quyết trong chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, bao gồm: tái cấu trúc hệ thống giáo dục, cải thiện cơ cấu nguồn nhân lực, và phát huy sức mạnh tổng thể của toàn hệ thống chính trị. Cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng một hệ thống giáo dục thống nhất, công bằng, chất lượng và hiệu quả...”. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến

“Để phát triển giáo dục đại học, điều rất quan trọng là phải đảm bảo tăng cường việc chi ngân sách nhà nước cho giáo dục nói chung. Trong đó, nên tăng ngân sách để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn giúp họ đủ điều kiện theo học đại học. Do đó, chúng ta phải đầu tư thêm cho giáo dục đại học thông qua việc hỗ trợ sinh viên để có nhiều người vào học và có nhiều người đủ điều kiện học hết đại học”. Tiến sĩ Lê Đông Phương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận