Thí sinh không xét tuyển đại học năm 2019 tăng, tín hiệu mừng?

Lý do không xét tuyển đại học của các em học sinh rất đa dạng, từ đi du học, xuất khẩu lao động, hay lực học trung bình nên chuyển sang học nghề...

 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, cả nước có hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi trung học phổ thông quốc gia, trong đó có hơn 233.000 thí sinh chỉ xét tốt nghiệp mà không đăng ký xét tuyển đại học.

Từ năm 2017 đến nay, học sinh lớp 12 tại một số địa phương không xét tuyển Đại học, Cao đẳng đang có xu hướng tăng dần. Đây là tín hiệu đáng mừng vì việc lựa chọn ngành nghề, bậc học của học sinh phổ đã hướng tới thị trường lao động.
Trong 3 năm học phổ thông, Vũ Thị Nhật Linh, học sinh lớp 12M, trường THPT Yên Khánh A, tỉnh Ninh Bình là học sinh có sức học tốt của lớp nên khả năng trúng tuyển vào một trường đại học đối không khó. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ thi và xét tuyển năm 2019, Vũ Thị Nhật Linh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp mà không xét tuyển đại học.

“Bởi vì học đại học 4 năm em tính rằng nếu trong vòng 4 năm học đại học thì mất nhiều tiền mà khi mà ra trường thì cơ hội việc làm cạnh tranh cũng rất khốc liệt cho nên em muốn sau khi tốt nghiệp có thể tìm việc làm ngay hoặc là có thể đi học tiếng để xuất khẩu lao động thì cơ hội tìm việc làm nhanh hơn”, em Vũ Thị Nhật Linh nói.

Việc lựa chọn ngành nghề, bậc học của học sinh phổ đã hướng tới thị trường lao động.

Ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết, trong tổng số gần 10.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay, có gần 3.000 thí sinh chỉ xét tốt nghiệp, chiếm 30% tổng số thí sinh, tăng khoảng 2% so với năm ngoái. Lựa chọn này của các em học sinh cho thấy, vào đại học không phải là con đường duy nhất sau khi tốt nghiệp THPT.Đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp, không xét tuyển đại học cũng là lựa chọn của nhiều học sinh ở tỉnh Ninh Bình. Lý do không xét tuyển đại học của các em cũng rất đa dạng từ đi du học, xuất khẩu lao động, hay lực học trung bình nên chuyển sang học nghề...

“Chúng tôi cho rằng năm nay việc phân luồng rất rõ. Hiện nay sự phát triển bùng nổ của các khu công nghiệp, rất nhiều các khu công nghiệp đã tuyển lực lượng lao động, các em chỉ cần học trường nghề là có thể có việc làm ngay. Cộng với khó khăn hiện nay là sự tốt nghiệp của một số trường đại học, kết quả tìm việc cũng rất khó cho nên phân luồng này rất rõ”, ông Phạm Thanh Toàn nói.

Một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc như Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai…tỷ lệ học sinh chỉ xét công nhận tốt nghiệp ở mức cao, từ 50% trở lên. Đặc biệt, Nghệ An là địa phương được xem là “đất học” thì năm nay cũng có hơn 13.000 học sinh thi để xét tốt nghiệp, chiếm 41%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong vài năm trở lại đây.Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019, trong đó hơn 653.000 thí sinh xét tuyển đại học, hơn 233.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, chiếm khoảng 27,8%, tăng gần 2% so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, việc học sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học, cao đẳng là nguyện vọng chính đáng của các em.

“Tôi thấy biểu hiện này là rất tốt. Các em đã biết cân nhắc rất là kỹ xem mình muốn gì, mình muốn vào đại học hay là đi học nghề, bởi vì bản thân con đường học nghề cũng không phải là không thể lên đại học. Khi học mà thấy rằng mình có nhiều cơ hội để có thể có định hướng cho nghề nghiệp tương lai của mình, không phải con đường lên đại học thì tôi cho đó là dấu hiệu tốt, tích cực cho định hướng giáo dục hướng nghiệp cũng như định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, để đảm bảo giải quyết được đúng nhu cầu năng lực của các em hiện nay”, ông Thành cho hay.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu học sinh chỉ lựa chọn theo xu hướng việc làm mà không tính đến yếu tố năng lực bản thân và sở thích thì cũng rất lãng phí.Nhận định về tỷ lệ học sinh lớp 12 không đăng ký xét tuyển đại học đang gia tăng trong những năm gần đây, một số chuyên gia cho rằng, đây là dấu hiệu đáng mừng vì cơ cấu nghề nghiệp hiện đang rất cần những lao động được đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.

“Với những khảo sát mà chúng tôi thực hiện trong thời gian vừa qua thì thấy rằng, học sinh tính toán đến cơ hội việc làm, hay là dựa vào thị trường lao động đang là xu hướng chủ đạo trong việc chọn nghề của các bạn. Có nghĩa là học sinh bây giờ tính toán nhiều hơn đến khả năng, cơ hội việc làm để sau khi tốt nghiệp bắt tay vào nhịp độ cuộc sống thì đây đang là xu thế. Điều này tất nhiên tốt thôi nhưng vô hình chung đang dẫn đến câu chuyện rất nhiều bạn có năng lực có tài năng nhưng lại không lựa chọn con đường học vấn để có thể phát triển tài năng của mình mà lại lựa chọn sang lĩnh vực khác mà có thể không phải là thế mạnh mà chỉ dựa vào yếu tố thị trường lao động hay “đầu ra” mà thôi”, Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà nhìn nhận.

Tỷ lệ học sinh lựa chọn không xét tuyển đại học ngày càng tăng là dấu hiệu tích cực, điều này thể hiện công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông, hoạt động truyền thông về lao động, việc làm, dạy nghề đang được các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện bước đầu đã đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu chất lượng đào tạo của các trường nghề không tốt, không có ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động thì cũng khó có thể đảm bảo cơ hội việc làm và thu nhập cao cho học sinh sau khi tốt nghiệp./.

(Theo Minh Hường/VOV.VN)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận