Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Phổ điểm sẽ đẹp?

Gần 900 sĩ tử kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2019 đã đi hết chặng đường của kì thi với tâm trạng thoải mái.

 

Đề thi năm nay được đánh giá có tính phân loại cao, phổ điểm sẽ đẹp hơn năm 2018, và không có những “cơn mưa” điểm 9,10 như năm 2017…

Đề thi khó hay dễ?

Thầy Nguyễn Khắc Ngọc, Trung tâm Học mãi (Hà Nội) phân tích: năm nay, có một sự thay đổi đó là công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT theo tỷ lệ 30-70 (30% là điểm trung bình môn lớp 12 + 70% điểm thi). Do đề thi năm 2018 quá khó và không đảm bảo được việc phân hóa các thí sinh ở vùng điểm Giỏi - Xuất sắc (8-10đ) để tuyển sinh, nên các câu hỏi năm nay sẽ dễ hơn đáng kể. Tuy nhiên, đề thi năm nay cũng không để lặp lại tình trạng “mưa điểm 10” như năm 2017. Kết thúc môn thi Ngoại ngữ vào chiều 26/6, các thí sinh thi THPT Quốc gia 2019 chia sẻ, đề thi môn Tiếng Anh năm nay được đánh giá là vừa sức với các thí sinh.

Theo các thầy cô của Trung tâm Học mãi, đề thi năm 2019 nhìn chung được đánh giá tương đối hay, bám sát yêu cầu và mục đích chính của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Đặc biệt, năm nay có điều chỉnh trong công thức xét công nhận tốt nghiệp THPT bằng việc kết quả thi THPT Quốc gia chiếm tỉ trọng 70% trong công thức xét tốt nghiệp nên cấu trúc và độ khó của đề thi cũng thể hiện đúng tinh thần đó. Khoảng 60% câu hỏi đầu ở mức độ đơn giản, 40% câu hỏi còn lại bắt đầu nâng dần về độ khó và phân hóa theo từng cấp độ điểm để dùng cho mục tiêu phân loại thí sinh.

Ở đề Toán, thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên giảng dạytrực tuyến tại trang web Tuyensinh247.com nhận xét: “Cấu trúc đề thi năm nay rõ ràng hơn năm 2018 về độ khó. Không còn tình trạng đảo lộn câu hỏi khó dễ như đề thi năm 2018.Các câu hỏi được sắp xếp đúng chuẩn từ dễ đến khó.Với kinh nghiệm luyện thi, giảng dạy và được tiếp xúc với nhiều học sinh, tôi đánh giá phổ điểm năm nay có thể nhích cao hơn ở mức 6-8 điểm”.

Đề thi môn Văn được nhiều thí sinh nhận định là không quá khó, không đánh đố học sinh và có tính phân hóa rõ.Cấu trúc đề quen thuộc gồm 2 phần là Đọc hiểu và Làm văn.Phần Đọc hiểu khá hay, phần ngữ liệu thú vị, các câu hỏi thể hiện được các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng đều được thực hiện tốt, linh hoạt.Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viêntrang web Tuyensinh247.com nhận định: đề thi THPTQuốc gia môn Ngữ văn là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh nắm chắc kiến thức và thuần thục các kỹ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

Câu hỏi của phần Làm văn là câu hỏi yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận văn học, chiếm 50% trên tổng số điểm bài thi.Vấn đề nghị luận thuộc kiến thức lớp 12, yêu cầu học sinh nêu cảm nhận về hình tượng sông Hương qua một đoạn trích trong văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kỹ năng phân tích, cảm thụ văn bản; mà còn phải thực sự hiểu đặc điểm phong cách nghệ thuật của tác giả.

Tuy nhiên, nhiều thầy cô lại cho rằng, đề thi khá dài và mông lung, rất khó cho thí sinh khi cảm nhận. Thầy Phạm Nhơn (Cần Thơ) chia sẻ: “Trích một đoạn trong bút ký“Ai đã đặt tên cho dòng sông”khó khăn cho thí sinh và cho cả nhiều người muốn nêu cảm nhận về nó. Bởi chính kinh đô Huế đã làm nên danh tiếng sông Hương, không có kinh đô Huế, dòng sông Hương cũng không khác gì các dòng sông miền Trung như sông Lam, sông Gianh, sông Thu Bồn…”.

Đồng thời, cũng nhiều ý kiến bày tỏ, với đề thi này, nếu thầy cô chấm không “mở”, không cảm nhận được thí sinh sẽ rất khó có điểm cao. Do đó, phổ điểm chung chỉ khoảng 7 điểm. Điểm cao hơn sẽ là những thí sinh giỏi, và thầy cô chấm bài có “mở” hay không.

Đề thi năm nay được đánh giá có tính phân loại cao, phổ điểm sẽ đẹp?

Vẫn mang điện thoại vào phòng thi

Theo báo cáo của các cụm thi, thời tiết nhìn chung thuận lợi cho thi sinh dự thi. Tình hình giao thông ở các thành phố lớn thông suốt, không xảy ra ùn tắc. Trong các ngày thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các Thứ trưởng đã dẫn đầu các đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đi kiểm tra, động viên cán bộ coi thi và thí sinh tại một số địa phương như: Long An, Tuyên Quang, Tiền Giang, Bắc Kạn, Quảng Nam…Trước đó, với 2 môn Toán và Ngữ văn, Khoa học Tự nhiên đã có 40 thí sinh và 2 cán bộ bị đình chỉ.

Tại điểm “nóng” Sơn La, hội đồng thi THPT Tô Hiệu (TP Sơn La), ở phòng thi số 1 điểm thi này, sau khi làm bài được 15 phút, các giám thị phát hiện 1 thí sinh giấu 2 chiếc điện thoại. Thí sinh này lập tức bị đưa ra khỏi phòng thi, hội đồng thi ở điểm trường này đã lập biên bản, đình chỉ thi.

Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Phú Thọ, trong buổi thi Ngữ văn (sáng 25/6), tại điểm thi số 22 huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có một thí sinh tự do mang điện thoại vào phòng thi, chính vì vậy sau hơn 2/3 làm bài trên mạng đã xuất hiện đề thi môn Ngữ văn, được cho là do thí sinh này phát tán gây lọt đề. Ngay sau đó, công an và thanh tra đã vào cuộc xác minh và thí sinh này đã bị đình chỉ thi.

Trao đổi với báo chí xung quanh sự cố này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy chế của Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 và quy định của pháp luật. Hai cán bộ coi thi trong đó một người đến từ Học viện Ngoại giao, một người đến từ trường THPT Minh Hòa (Thanh Sơn) đã bị đình chỉ công tác coi thi ngay trong buổi chiều 25/6, đồng thời Hội đồng thi THPT Quốc gia Phú Thọ đã nhắc nhở tất cả các hội đồng thi của sở nhằm tăng cường công tác coi thi.

Trước những lo ngại về các “điểm nóng”: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: “Năm nay Bộ GD-ĐT có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra. Với những hội đồng thi gặp khó khăn do nhân sự mới, ít kinh nghiệm hoặc thiếu nhân sự, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học tăng cường phối hợp; đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ tối đa về nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo trước ngày thi tất cả các khâu của kỳ thi đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, để kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế,không để sai sót ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận