Loạn trường quốc tế, trách nhiệm thuộc về ai?

Hàng loạt trường gắn mác 'trường quốc tế' và thu học phí cao ngất, thế nhưng lại không hề có văn bản nào quy định về trường quốc tế.

 

Tự gắn mác... vẫn được công nhận

Sau “sự cố Gateway”, không chỉ các phụ huynh mà cả xã hội giật mình khi lộ bộ mặt thật, giả của các trường quốc tế.  “Trường quốc tế” là cái tên quen thuộc ở các thành phố lớn, mặc nhiên tồn tại song song với các trường công lập, dân lập, tư thục.

Hiện những trường quốc tế 100% vốn đầu tư từ nước ngoài hoàn toàn dạy chương trình tiếng Anh, chỉ phải học môn Việt Nam học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Những trường này thường nhận chủ yếu là học sinh có quốc tịch nước ngoài. Học phí ở mức “siêu cao”, từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Với các trường “bán quốc tế” thường có đông học sinh Việt Nam theo học, với mức học phí 100 - 200 triệu đồng/năm. Bởi phụ huynh mong muốn con mình được trang bị tiếng Anh, kỹ năng học tập để có thể du học.

Năm học 2019 - 2020, học phí cho học sinh lớp 1 của trường quốc tế Gateway được công bố là 117,700,000 triệu đồng. Mức học phí này chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, xe buýt đưa đón...Thế nhưng, ngay sau sự việc cháu bé 6 tuổi trong ngày thứ hai đến trường đã mãi mãi không thể về nhà… thì phụ huynh học sinh đã hết sức bất ngờ khi Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy khẳng định trường này không hề được cấp quản lý công nhận là trường quốc tế mà chỉ là cách nhà trường quảng cáo để thu hút người học?!

TS Đàm Quang Minh, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE), cho rằng hiện nay có hai loại hình. Thứ nhất, chương trình quốc tế 100%, dạy theo Tú tài Quốc tế (IB) hoặc Cambridge. Thứ hai, song ngữ quốc tế, dạy chương trình Việt Nam có tích hợp quốc tế mà nhiều người thường gọi nôm na là bán quốc tế. TS Minh thừa nhận, chất lượng các trường quốc tế khó kiểm chứng. Có nhiều trường gắn tên quốc tế nhưng chương trình giảng dạy lại hoàn toàn khác, chỉ mượn danh để thu học phí cao.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cũng  cho hay: Mặc dù trường quốc tế có từ lâu nhưng không có văn bản nào quy định chính thống. Khái niệm trường quốc tế ở nước ngoài đã có, nhưng ở Việt Nam không làm rõ khái niệm này, cũng không có quy định, luật hóa, hay văn bản hóa khái niệm này.

Do sự nhập nhèm đó, nhiều phụ huynh cứ nghĩ trường quốc tế là trường chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Nhưng thực ra khái niệm trường quốc tế phải thoả mãn 3 yếu tố: Thứ nhất, trường có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau, chứ không phải chỉ có 1 quốc gia như Việt Nam. Thứ hai, ngôn ngữ dạy phải là ngôn ngữ quốc tế, được nhiều quốc gia chấp nhận như: tiếng Anh, tiếng Pháp... chứ không ai dạy ngôn ngữ chính là tiếng Việt. Thứ ba, dạy các chương trình quốc tế, tức là khi học chương trình đó học sinh có thể được tiếp nhận vào hệ thống giáo dục ở nhiều quốc gia khác nhau...

Do hiểu sai khái niệm trường quốc tế nên người dân chấp nhận mức học phí “trên trời” mà các trường “quốc tế” tự đặt ra. Nhưng điều đáng nói, việc tự gắn tên trường quốc tế lại không bị tuýt còi và mặc nhiên được các cơ quan quản lý thừa nhận. Có những trường vừa thành lập đặt tên là trường quốc tế, trong văn bản trình lên Bộ GD-ĐT vẫn công nhận cái tên quốc tế. Điều này không chỉ xảy ra ở các cấp tiểu học, cấp phổ thông mà còn với trường dạy nghề, cao đẳng, đại học cũng lấy tên quốc tế... trong khi không có chút yếu tố quốc tế nào, hay thỏa mãn nhưng tiêu chí quốc tế. 

Trường quốc tế cần công khai về chất lượng đào tạo và dịch vụ giáo dục.

Cần giải trình về chất lượng đào tạo và có chế tài xử lý

Mới đây, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế sau khi trường quốc tế Gateway để xảy ra trường hợp học sinh tử vong.

Trả lời bên lề hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, ông Lê Ngọc Quang,  Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, tên gọi của trường quốc tế phải đúng theo quy định của luật. Nếu trong quyết định thành lập không có chữ “quốc tế” nhưng trường tự đưa vào để mạo danh, thu hút học sinh, là sai phạm. Sở GD-ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị này bỏ việc mạo danh để tránh gây hiểu lầm cho phụ huynh và học sinh. Đồng thời, cần luật hóa chế tài xử phạt về việc này.

Trước đó, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD-ĐT khẳng định, trường tự gắn mác quốc tế là không đúng với quy định. Khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục 2005 quy định hệ thống giáo dục quốc dân có 3 loại hình trường gồm công lập, tư thục và dân lập. Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên.

Theo quy định (Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT), các thông tin liên quan nhà trường phải công khai để người dân được biết. Nghị định 127/2018/NĐ-CP đã quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước trong giáo dục từ trung ương đến địa phương. Tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ từng cấp học hoặc trình độ đào tạo, quyết định cho phép thành lập, để xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát và trách nhiệm quản lý của địa phương hoặc cơ quan quản lý cấp trên.

Theo TS Lê Viết Khuyến, trong Luật Giáo dục chỉ có 3 loại hình trường công lập, dân lập và tư thục, nhưng vẫn có những văn bản quy định trường có yếu tố đầu tư nước ngoài, tuy nhiên không nêu rõ khái niệm trường quốc tế. Việc nhà đầu tư họ mở ra và tự gắn mác quốc tế nhưng cơ quan quản lý không có chấn chỉnh gì, vì thế ông Khuyến cho rằng, đó là sai sót của cơ quan quản lý, chứ không thể nói Luật Giáo dục không quy định thì không có trách nhiệm. Do đó, cần bổ sung quy định chặt chẽ về vấn đề này nhằm tránh việc lợi dụng sự mập mờ để thu học phí cao...

“Việc Nhà nước không quản lý mức thu học phí mà để các trường đưa ra “giá trời ơi”, học phí 1 năm tới gần nửa tỷ đồng là quá kinh khủng. Tôi cho rằng, các trường có quyền tự chủ trong việc xác định mức học phí, nhưng tự chủ phải kèm với trách nhiệm giải trình công khai minh bạch chất lượng đào tạo và dịch vụ giáo dục... để người dân được  biết.

Nhưng ở ta, các trường không có tí nào trách nhiệm giải trình về những vấn đề đó. Đó chính là sự buông lỏng quản lý Nhà nước. Chúng ta phải xác định được chất lượng đào tạo của họ ra sao, dịch vụ giáo dục như thế nào?. Học phí phải đi đôi với chất lượng mà học sinh được hưởng, chứ không phải nhà trường muốn đưa ra mức thế nào cũng được”- ông Khuyến kiến nghị.

Cũng có ý kiến cho rằng, để xảy ra bất cập trên thì về mặt pháp luật cũng đã có sơ hở vì không đề cập đến những quy định đó. Mở cửa để giáo dục phát triển nhưng phải kèm theo văn bản quy định nhằm kiểm soát chứ không để người ta lợi dụng, còn gánh chịu thiệt thòi nhất vẫn là người học./.

 

*Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: "Hiện thành phố có 11 trường quốc tế được thành lập theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các trường khác là có yếu tố nước ngoài, không phải trường quốc tế. Thời gian tới, sở sẽ công bố danh sách các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để phụ huynh, học sinh biết. Những trường có sai phạm, sở sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định".

*TS Lê Viết Khuyến: "Nhiều trường giải thích rằng họ tự chủ, họ hoạt động như doanh nghiệp nên họ tự đặt ra mức học phí và phụ huynh đồng ý mới cho con vào học. Điều này chưa đúng, có chuyện mập mờ ở cái gọi là tự chủ. Tự chủ phải đi với giải trình, phải công khai minh bạch với xã hội. Các trường thu như vậy thì chi thế nào chứ không phải thu kiểu “bốc thuốc” được. Không phải cứ tự chủ là muốn làm gì thì làm, cơ quan quản lý nhà nước phải bảo vệ quyền lợi của người dân".

*Phụ huynh Nga Nguyễn (Hà Nội): "Trường quốc tế thật sự là có chuẩn từ A đến Z, không đơn thuần chỉ mua hay hợp tác một chương trình dạy và học mà nó còn là yếu tố môi trường không gian thực sự sư phạm, có tính giáo dục con người, và các tiêu chuẩn đi kèm như vệ sinh, thực phẩm, việc đưa đón, bảo vệ học sinh phải đạt được ngưỡng an toàn ở mức cao nhất. Sau câu chuyện đáng buồn ở trường GateWay, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu bản chất môi trường sư phạm mà mình định gửi con, chứ không nên chỉ dựa vào cái mác quốc tế họ tự phong".

 

Thu Hằng

 

Bình luận

    Chưa có bình luận