Sẵn sàng cho năm học mới

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT, các tỉnh, trường học đang gấp rút chuẩn bị tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2019-2020 với tinh thần gọn nhẹ, trang nghiêm.

 

 Bỏ bệnh hình thức để trả lại ngày hội cho trẻ

Trước ngày lễ khai giảng, em Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 Trường Marie Curie đã gửi bức thư đề xuất đến cho 40 Hiệu trưởng các trường học ở Hà Nội, đề nghị nhà trường hạn chế hoặc không thả bóng bay vào ngày khai giảng để bảo vệ môi trường đã làm lay động trái tim nhiều người trong thời gian qua. Nguyệt Linh cũng tuyên bố, em và các bạn hiện nay rất quan tâm tới vấn đề môi trường và muốn có sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, không ít địa phương sẽ không có bóng bay trong ngày lễ khai giảng. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đồng Nai, ngày khai giảng năm học mới sẽ được tổ chức với tinh thần gọn nhẹ, thay vì thả bóng bay, trường sẽ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao cho học sinh.

Nhiều trường học tại Hà Tĩnh cũng lên tiếng ủng hộ lời đề nghị văn minh này. Trường Tiểu học Bắc Hà thường tổ chức lễ khai giảng ở sân trường và thả bóng bay nhưng năm nay trường sẽ không thực hiện hoạt động này nữa. Cô Phan Thị Mỹ Linh, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Bắc Hà cho biết: “Thay vì không sử dụng bóng bay, năm nay, trường chúng tôi sẽ chủ động tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao ý nghĩa thay thế, giúp học sinh vẫn có trọn vẹn niềm vui mà không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào tới môi trường. Việc làm này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mong muốn giáo dục các em biết ý thức bảo vệ cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ".

Ngày 19/8, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” và yêu cầu các đơn vị, trường học không thả bóng bay trong lễ khai giảng. Lễ khai giảng được tổ chức với tinh thần ngắn gọn, không có phần phát biểu của lãnh đạo các cấp...

Trước năm học mới Bộ GD- ĐT đã có văn bản chỉ đạo khai giảng tinh gọn. Cụ thể, việc tổ chức lễ khai giảng năm học 2019-2020 sẽ tổ chức thống nhất trên cả nước vào buổi sáng ngày 5/9/2019. Chương trình khai giảng có các nghi thức: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Lưu ý không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường, bảo đảm sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường…

Lễ khai giảng năm học 2019-2020 các trường sẽ không đọc báo cáo thành tích và thả bóng bay. Anh : Trube

Các địa phương nỗ lực chuẩn bị cho năm học mới

Đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Năm học 2019 - 2020, TP Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng hơn 75.000 học sinh so với năm học trước, trong đó bậc trung học cơ sở là tăng nhiều nhất (hơn 26.000 học sinh), kế đến là bậc tiểu học, trung học phổ thông và mầm non. Để chuẩn bị cho năm học mới, thành phố đã đưa thêm vào sử dụng thêm hơn 1.400 phòng học mới, gồm xây thay thế hơn 200 phòng học, chủ yếu vẫn là ở những địa bàn có số học sinh tăng cao.

Cũng chuẩn bị bước vào năm học mới 2019 – 2020, tỉnh Bắc Ninh đầu tư hơn 430 tỷ đồng cho cơ sở vật chất. Tỉnh tập trung cho sửa chữa và xây mới 777 phòng học và đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố trên địa bàn tỉnh đã đạt 99,1%...

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các xã miền núi đang gấp rút chuẩn bị mọi điều kiện, từ việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở trường, lớp, mua sắm bổ sung trang thiết bị đến việc sắp xếp, bố trí giáo viên để sẵn sàng cho năm học mới. Tại Thanh Hóa, ngay từ trong hè, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo phòng GĐ-ĐT các huyện, thành phố và các cơ sở giáo dục chuẩn bị trường, lớp, trang thiết bị… để đón học sinh bước vào năm học mới. Năm học này, ngành GD-ĐT Thanh Hóa đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ GD-ĐT gắn với thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đình cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền, đoàn thể và nhân dân Đại Đình luôn quan tâm phát triển giáo dục địa phương. Để sẵn sàng cho năm học mới, UBND xã đã gấp rút hoàn thành tu sửa, nâng cấp dãy nhà 2 tầng 12 phòng học của Trường tiểu học Đại Đình II với kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng... Không những thế, về phía các nhà trường chủ động chuẩn bị các điều kiện để đón chào năm học mới. Thầy giáo Vũ Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập cho biết: “Không chỉ chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, nhà trường chủ động cử cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng kế hoạch năm học và phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ quản lý, giáo viên... Với sự chuẩn bị chu đáo đó, thầy và trò nhà trường quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy và học trong năm học tới".

Giải bài toán thiếu giáo viên …

Bước vào năm học mới này, nhiều địa phương vẫn phải đối mặt với tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định. Trước tình trạng này, ngày 6/8, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2018-2019, đơn vị đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể, bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Chế độ chính sách đối với nhà giáo chưa tương xứng với loại hình lao động mang tính đặc thù cao trong xã hội… Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại, kinh nghiệm triển khai mô hình trường học mới khi chưa chuẩn bị thấu đáo về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất như mội bài học cho lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trước hết là với lớp 1 tới đây

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới…/.

 

5 nhiệm vụ trọng tâm

      Năm học 2019-2020, ngành giáo dục tập trung thực hiện tốt 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; thứ hai, giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; thứ ba, đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; thứ năm, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên…

 

       “Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội nhưng hiếm có chính sách nào nhận được sự đồng thuận 100%. Nhận định điều này để chúng ta kiên định mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành Giáo dục đã xác định... Mọi đổi mới phải có lộ trình, không thể nóng vội và cần sự chung tay của toàn xã hội. Một mặt là phát huy giá trị dân tộc, nhưng cũng cần tiếp cận tiên tiến của thế giới…”- Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 (ngày 6/8) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận