Nghịch lý ngành sư phạm

Khó khăn trong tuyển sinh là thực trạng chung của các trường sư phạm, Nên sáp nhập hay xóa sổ những trường yếu kém, hoặc không tuyển sinh được đang được đặt ra

 

Nhiều trường thoi thóp vì không tuyển sinh được

Trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường cao đẳng sư phạm trong cả nước thông báo xét tuyển bổ sung thí sinh do số lượng đăng ký xét tuyển quá thấp. Câu chuyện tuyển sinh ngành sư phạm đã khó khăn nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có lời giải.

Cuối tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ĐH, CĐVN) phối hợp với Trường đại học Sư phạm Hà Nội II tổ chức hội thảo Khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: Các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới. Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN cho biết: “Bộ GD-ĐT có dự thảo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025. Vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, nói chính xác hơn là quy hoạch việc đào tạo giáo viên cho cả nước. Do đó, hội thảo lần này sẽ có kiến nghị giải pháp trước mắt, đồng thời có kiến nghị lâu dài về đào tạo giáo viên”.

Theo dự thảo này, Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025: Sẽ hình thành được 2 trường sư phạm trọng điểm Quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và một số trường ĐH sư phạm khác. Xây dựng được mạng lưới vệ tinh là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường CĐSP, TCSP, các khoa/trường sư phạm trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học đa ngành.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 30 trường CĐSP địa phương nhưng hoạt động của các trường đang rất khó khăn nhiều năm nay. Bà Lê Thị Ngoãn, trường CĐSP Nam Định cho biết, các trường CĐSP ngày càng khó tuyển sinh. Tại Trường CĐSP Nam Định, Khoa Tự nhiên năm học 2018 - 2019 hiện nay có 16 giáo viên, nhưng chỉ có 30 sinh viên. Hơn nữa, sinh viên học trường CĐSP ở tỉnh rất khó tìm kiếm việc làm, lý do là họ không được tuyển vào công chức nhà nước. Nói về tuyển dụng, bà Ngoãn nêu thực tế, nhiều địa phương có trường CĐSP và vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh đều đặn hằng năm nhưng trong thông báo tuyển giáo viên các bậc phổ thông thì chỉ tuyển những đối tượng có bằng tốt nghiệp ĐH. Rõ ràng, đã đến lúc địa phương không có nhu cầu sản phẩm từ các trường cao đẳng nhưng vẫn duy trì hệ đào tạo này. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, vấn đề lương và các chính sách cho giáo viên cũng chưa thực sự hấp dẫn để thu hút được sinh viên giỏi theo ngành cho sư phạm thì việc tuyển sinh khó cũng là điều dễ hiểu.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tráng, Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất, đối với các trường CĐSP địa phương vẫn tồn tại nhiều năm nay, nhưng hoạt động kém hiệu quả, nhất là không tuyển sinh được, nên sáp nhập vào khoa sư phạm ở những nơi có trường ĐH để làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương và khu vực. Ở những địa phương không có trường ĐH thì giải thể trường sư phạm và liên kết đào tạo, bồi dưỡng giáo viên với các trường ĐH sư phạm hoặc có khoa sư phạm. “Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên. Trong đó, chú trọng chọn các trường ĐH có chất lượng cao, có uy tín ở khu vực của 3 miền Bắc, Trung, Nam làm trường sư phạm trọng điểm; các trường CĐSP địa phương sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm này”- ông Tráng đề xuất.

Các trường CĐSP Gia Lai đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

Quy hoạch lại mạng lưới naangc ao chất lương, để đáp ứng nhu cầu thực tế

Theo các chuyên gia giáo dục, trong quá trình hoạt động những năm qua, hệ thống các trường sư phạm đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, một thời gian dài, việc nâng cấp và mở mới dẫn đến hệ thống các trường sư phạm phân bố dàn trải, nguồn lực bị phân tán; nhiều trường quy mô nhỏ, chất lượng thấp, khó phát triển. Một số trường sư phạm có các khoa đào tạo thực hiện nhiệm vụ trùng với nhiệm vụ chủ chốt của trường khác như Trường đại học Sư phạm Hà Nội có khoa nghệ thuật, khoa giáo dục thể chất trong khi đã có Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Trường đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội. Đáng chú ý, trên cùng địa bàn có nhiều trường sư phạm cùng đào tạo một ngành gây nên sự chồng chéo. Hoạt động đào tạo giáo viên của nhiều trường vẫn chủ yếu chạy theo số lượng, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng và nhu cầu nguồn nhân lực cũng như bám sát quy hoạch đội ngũ của ngành giáo dục, của các địa phương.

Để phát triển hợp lý và nâng cao chất lượng các trường sư phạm, Bộ GD-ĐT đang xây dựng “Đề án tổ chức, sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm”. Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn làm trung tâm đào tạo, các cơ sở khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm. Bộ sẽ triển khai trên diện rộng đánh giá chất lượng để làm cơ sở phân hạng chất lượng và quy hoạch các trường sư phạm nhằm bảo đảm chất lượng toàn bộ hệ thống. Tăng cường công tác dự báo nhu cầu nhân lực, khảo sát nhu cầu xã hội trong từng giai đoạn để các trường xây dựng phương án tuyển sinh, đào tạo hợp lý theo hướng đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng về số lượng, cơ cấu giáo viên các môn học, cấp bậc học từng năm, từng địa phương...

“Đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm tập trung vào các trường đại học sư phạm trọng điểm, các trường khác phải có lộ trình làm “vệ tinh” bồi dưỡng giáo viên cho trường trọng điểm. Địa phương phải đặt hàng các trường sư phạm về cơ cấu và chất lượng. Các trường phải thực sự nâng cao chất lượng đào tạo để tạo uy tín cho mình hoặc nếu không buộc phải sáp nhập hoặc bị xóa sổ vì không đáp ứng yêu cầu của xã hội” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ nhiệm vụ trong năm học mới.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận