Mệnh lệnh hành chính có loại bỏ 'lựa chọn của cuộc sống'?

Sau sự việc bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại ngay tại vòng thẩm định, Trung tâm Công nghệ giáo dục cũng gửi kiến nghị Thủ tướng xem xét vấn đề này.

 

Sự chọn lựa của thực tiễn dạy học           

Sau khi Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) thông báo sách công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại, đặc biệt là cuốn Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục thẩm định “không đạt”, ngày 23/9, Trung tâm Công nghệ giáo dục có văn bản do PGS. Nguyễn Kế Hào ký gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, bày tỏ “không đồng tình với đánh giá của Hội đồng thẩm định” về bản thảo sách giáo khoa lớp 1 của GS. Đại gồm: Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, Toán Công nghệ giáo dục và Đạo đức Công nghệ giáo dục.

Theo Trung tâm này, bộ sách Công nghệ giáo dục được hình thành và phát triển trong quá trình nghiên cứu và thực nghiệm công phu (hơn 40 năm), từ ý tưởng khoa học đến hệ thống lý luận, triết lý giáo dục, đã trở thành phương án giáo dục mới cho bậc tiểu học. Đến nay, những quan điểm của công nghệ giáo dục đã được áp dụng rộng rãi, như: lấy học sinh làm trung tâm, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đi học là hạnh phúc...

Ngày 25/9, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký công văn gửi PGS. Nguyễn Kế Hào, người thay mặt Trung tâm Công nghệ giáo dục kiến nghị xem xét lại việc thẩm định bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại. Văn bản nêu rõ trong lần thẩm định sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, có 5 bộ sách của 9 môn học được đề nghị thẩm định, trong đó có bản mẫu sách giáo khoa môn Tiếng Việt và Toán lớp 1 do GS. Hồ Ngọc Đại chủ biên. Qua thẩm định vòng 1, một số bản mẫu sách được xếp loại “đạt nhưng cần sửa chữa” và có một số bản mẫu được xếp loại “không đạt”.

“Theo Thông tư 33, tập thể tác giả bản mẫu sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 do GS. Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018 và đề nghị thẩm định lại để sách có cơ hội góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới”, Bộ phản hồi.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 30/9, PGS. Nguyễn Kế Hào cho rằng, ông đã đọc kỹ nội dung trả lời của Bộ và thấy rằng câu trả lời là chưa thỏa đáng và sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ với tư cách cá nhân. Đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục bày tỏ quan điểm và khẳng định: “Sách Tiếng Việt và Toán Công nghệ giáo dục đã được thẩm định nhiều lần, do đó không nên chỉ đánh giá sách theo thông tư và những chỉ báo mà Hội đồng thẩm định đang áp dụng. Đây là bộ sách “được cuộc sống lựa chọn”.

Còn GS. Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định: “Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán. Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời. Tôi đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh”.

Học sinh Trường Thực nghiệm Hà Nội- nơi đầu tiên áp dụng chương trình công nghệ giáo dục từ cách đây 40 năm.

Lựa chọn của cuộc sống mới có sức sống lâu bền

Thực tế, Bộ sách đã có “thâm niên” 40 năm, sóng gió cũng không ít lần khiến nó “điêu đứng” nhưng rồi mỗi lần lại “hồi sinh” mãnh liệt hơn. Theo PGS. Nguyễn Kế Hào, với hơn 40 năm được “cuộc sống lựa chọn”, và ít nhất 2 lần trong lịch sử cải cách giáo dục (năm 1986 và năm 2006), sách Tiếng Việt 1 của GS. Hồ Ngọc Đại là giải pháp để khắc phục tình trạng lưu ban, “ngồi nhầm lớp” ở rất nhiều địa phương trên cả nước. “Do vậy, nhìn từ góc độ quốc gia thì đây phải được coi là một thành tựu, không nên bỏ”, GS. Hào nêu quan điểm. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, số nhà trường, học sinh đều tăng theo từng năm, năm nay có hơn 930.000 học sinh lớp 1 học theo sách Tiếng Việt của GS. Đại.

Một vị lãnh đạo phụ trách tiểu học của Sở GD-ĐT Lào Cai cho hay, với học sinh dân tộc thiểu số thì việc học tiếng Việt gần như là học ngôn ngữ thứ hai. Thực tế này khiến cho việc dạy tiếng Việt rất vất vả nếu dạy theo cách đại trà. Trong khi đó, khi thí điểm áp dụng Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục thì các em nắm rất chắc về ngữ âm, học đến đâu chắc đến đó, rất hiếm khi học sinh sai lỗi chính tả. Lào Cai áp dụng Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục với gần như 100% vì thực tế cho thấy đó là phương pháp phù hợp với học sinh của mình. Tuy nhiên, những thành phố lớn như Hà Nội thì không sử dụng phương pháp này vì thấy việc thực hiện SGK tiếng Việt đại trà học sinh được luyện nhiều kỹ năng hơn...

Thêm một minh chứng nữa, chương trình Công nghệ Giáo dục được đưa vào thực nghiệm từ cách đây 40 năm và Trường Thực nghiệm Hà Nội là nơi đầu tiên áp dụng chương trình. Trong những khóa học đầu tiên, hội tụ nhiều nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực ở thời điểm hiện nay như: GS. Ngô Bảo Châu, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu…

Trước đó, trả lời báo chí khi mới bắt đầu thẩm định SGK mới, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) từng chia sẻ: “Có một sự tuyển lựa có thể khắt khe hơn rất nhiều quy trình thẩm định của các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, đó là sự tuyển lựa của thực tiễn dạy học ở các cơ sở giáo dục, điều kiện thực tiễn tại các địa phương. Chính sự tuyển lựa này sẽ bảo đảm cho uy tín và vị thế lâu dài của những SGK được biên soạn với chất lượng cao nhất”.

Thực tiễn cho thấy, ngành giáo dục ở nhiều địa phương cần sách Công nghệ giáo dục, đã và đang áp dụng có hiệu quả. Việc bây giờ Bộ đặt ra một cái khung, và yêu cầu thực tế phải đi theo cái khung đó, trong khi cái khung chưa chắc đã đúng, đã đáp ứng được những gì mà thực tế đang diễn ra, đang cần. Nhiều ý kiến cho rằng cuốn sách đã được cuộc sống thẩm định và nên tiếp tục trao quyền ấy cho “cuộc sống” thay vì một mệnh lệnh hành chính.

 
Trên trang Facebook cá nhân của mình, GS. Ngô Bảo Châu mới chia sẻ: “Sách của thầy Đại đã có 40 năm, cả triệu trẻ dùng nó để học chữ. Nó đã là một phần của cuộc sống rồi. Đúng là quản lý nhà nước thì cần có thẩm định, có chuẩn... nhưng đem cuộc sống ra thẩm định thì cũng buồn cười nhỉ”.

CT: Học sinh Trường Thực nghiệm Hà Nội - nơi đầu tiên áp dụng chương trình Công nghệ giáo dục từ cách đây 40 năm.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận