Khi thầy cô 'ươm mầm' hạnh phúc

Ngày càng có nhiều áp lực 'bủa vây' trường học khiến cho thầy và trò luôn căng thẳng.

 

Ngày càng có nhiều áp lực “bủa vây” trường học khiến cho thầy và trò luôn căng thẳng. Thời gian qua, nhiều trường đã tìm cách thay đổi để xây dựng trường học hạnh phúc.

Thầy cô có hạnh phúc, trò mới hạnh phúc

Người đứng đầu ngành giáo dục mới đây đã nhấn mạnh: “Giáo viên (GV) hạnh phúc thì học sinh (HS) mới hạnh phúc, trường học hạnh phúc”. Trường học là ngôi nhà thứ hai và khi đến trường “cô giáo như mẹ hiền” - họ mang sứ mệnh “trồng người”, nhưng thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực khiến thầy và trò bị áp lực nặng nề. Vậy làm sao để mỗi GV là người “gieo mầm” hạnh phúc?

Cô Nguyễn Thị Nhiếp: Những việc làm cho học trò dù là nhỏ bé cũng khiến tôi hạnh phúc! Ảnh: P.V

“Mỗi thầy, cô phải đổi mới nhận thức, thay đổi cách tiếp cận với HS để thực hiện khẩu hiệu “Thầy cô thay đổi để trò hạnh phúc”. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, tạo nên sự cởi mở, hòa đồng, chia sẻ trong mối quan hệ giữa thầy và trò. Gần gũi lắng nghe, chia sẻ với HS về những khó khăn trong học tập, giúp các em vượt qua những khó khăn riêng. Đồng thời, mỗi GV cần vượt qua những khó khăn của chính mình để giúp HS thay đổi cách sống, cách học” - thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục cho rằng: Để có trường học hạnh phúc thì thầy cô phải hạnh phúc, mà muốn vậy phải có cơ chế tạo động lực để thầy cô thay đổi. Năm nay, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, làm sao để GV thấy văn hóa đổi mới sáng tạo là tất yếu và ai không đổi mới sáng tạo thì sẽ thấy mình như bị tụt hậu, “cùn mòn” đi. Việc đổi mới sáng tạo sẽ phải trở thành văn hóa của nhà trường.

“Điều quan trọng nhất để tạo nên trường học hạnh phúc chính là sự yêu thương. Chỉ có yêu thương hết mình thì mới tạo nên hạnh phúc. Chỉ có yêu thương, thầy cô mới tạo ra môi trường an toàn cho học sinh. Chỉ yêu thương, thầy cô mới đủ tầm và tâm để tìm ra điểm khác biệt của mỗi học sinh và tạo động lực cho các con phát triển”. Thầy giáo Nguyễn Văn Khoa (Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THCS - THPT Ban Mai, Hà Nội)

“Trong quá trình đổi mới đó, là một hiệu trưởng, tôi luôn xác định mình phải là người nêu gương, đồng hành, sẵn sàng xắn tay vào làm cùng GV để cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Điều quan trọng là phải biết chấp nhận sự thất bại của đồng nghiệp, của chính bản thân mình. Từ thất bại đó mình sẽ rút kinh nghiệm để lần sau thành công. Mình cứ làm, cứ thay đổi nếu thấy điều đó thực sự tốt cho học trò” - cô Nhiếp chia sẻ.

Hạnh phúc từ những thay đổi nhỏ!

Cô Nguyễn Thị Nhiếp kể: Có những câu chuyện của học trò khiến mình phải nhìn lại mình. Một lần, trên trang Yenhoa Confession, nhiều HS lớp 10 mới vào trường hỏi các anh chị khóa trên: “Cô Nhiếp là người thế nào?” và đã có rất nhiều đáp án bất ngờ mà học trò đưa ra: “Cô Nhiếp rất xì tin”; “cô có phong cách trẻ trung”; “Cô yêu học trò, cô tâm lý như: tổ chức nhiều câu lạc bộ; các hoạt động ngoại khóa, trang hoàng sân khấu của nhà trường rất đẹp...”. Khi đó, mình rất ngạc nhiên là sao các con không nhận xét gì về quản lý của cô hiệu trưởng mà cứ nhận xét “đâu đâu”, sau mình mới ngộ ra hiệu quả quản lý thực chất tạo ra những “sản phẩm” đem lại thích thú cho HS, là cái gì đó rất thiết thực với HS, là cái HS cần... Và những thứ các con cần ở chúng tôi không có gì cao siêu cả”.

Những việc làm cho học trò dù là nhỏ bé, song cô Nhiếp luôn cảm thấy vui và hạnh phúc... Cũng bởi vậy, tất cả giáo viên của Yên Hòa đều có sự thay đổi rõ rệt, thay đổi liên tục không ngừng nghỉ. “Hiện nay Ban giám hiệu nhà trường đang cố gắng ghi nhận từng sự thay đổi nhỏ của thầy cô, đánh giá công bằng và tuyên dương một cách kịp thời... nhưng điều đó chưa đủ, vì để lâu dài bền vững thì cần thay đổi cơ chế, chính sách để đảm bảo đời sống cho GV. Ví dụ, trả lương giáo viên theo năng lực và hiệu quả công việc của mỗi người...” - cô Nhiếp đề xuất.

“Một trong những giải pháp thiết thực, lâu dài nhất là cần có sự động viên về cả tinh thần và vật chất để các thầy cô thật sự yên tâm cống hiến, toàn tâm toàn ý với sự đổi mới sáng tạo. Nếu có cơ chế tốt hơn để tạo động lực cho thầy cô bứt phá mạnh hơn thì tôi tin sự thay đổi đó sẽ vô cùng mạnh mẽ và học trò chính là người được thụ hưởng đầu tiên”. Cô Nguyễn Thị Nhiếp (Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội)

Tại trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), bên cạnh khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, còn có khẩu hiệu “hạnh phúc khi được làm việc”. Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ: “Ở trường tôi HS lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. HS thân thiện với hiệu trưởng, trò chuyện với hiệu trưởng một cách rất thoải mái. Và khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là khẩu hiệu của HS mà còn là của GV. Chỉ khi thầy cô vui, mới tạo ra môi trường vui vẻ cho học trò của mình...”.

Tạo động lực cho giáo viên thay đổi bền vững

Hưởng ứng lời phát động của Bộ GD-ĐT, năm học 2019 - 2020, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) coi xây dựng trường học hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong đó, giáo viên chính là chủ thể tích cực góp phần xây dựng một môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện với 3 giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng.

“Chúng con mong muốn thầy cô thay đổi phương pháp dạy học, tạo không khí vui vẻ, hứng thú trong giờ học, các môn học được biến hóa thành các bài học thú vị thông qua các trò chơi, trải nghiệm… Không chỉ dạy kiến thức, chúng con mong được thầy cô yêu thương, tôn trọng, giảm áp lực học tập, tạo điều kiện cho chúng con được phát triển bản thân, được là chính mình”. Học sinh Nguyễn Hoàng Minh (Hà Nội)

Tương tự, TS. Nguyễn Tùng Lâm, cho biết, ngay từ năm học 2018 - 2019, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã phát động chủ đề “Lớp học hạnh phúc”. Trước hết, nhà trường lưu ý GV chủ nhiệm cần giúp HS nhận thức về giá trị hạnh phúc trong cuộc sống. GV chủ nhiệm sẽ phải bàn bạc với HS để đưa ra chương trình hành động của lớp để đáp ứng các yêu cầu: Thứ nhất, để xây dựng lớp học đoàn kết, thân thiện, mọi người quan tâm giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thứ hai, giúp cho mỗi HS tự nhận ra giá trị sống hạnh phúc của bản thân mỗi người là gì? Thứ ba, thường xuyên biểu dương những việc làm tốt, nhất là những việc làm để “Cha mẹ hạnh phúc” và “Thầy cô hạnh phúc”.

Cô Nhiếp tham gia trò chơi cùng học trò trong chuyến tham quan mới đây tại Hòa Bình ( cô mặc áo ghi quần bò bên trái)

“Thực sự GV phải thay đổi, đặc biệt là thay đổi trong cách dạy và ứng xử với học trò. GV phải có năng lực sư phạm tốt. Nói là vậy, nhưng không có gì là không làm được, quan trọng là GV có muốn thay đổi hay không. Đơn giản như: Thay vì giảng lý thuyết, GV chuyển sang tổ chức nhiều hoạt động giáo dục để thu hút HS tham gia. Quan trọng hơn cả là giúp các em tìm thấy niềm vui trong các hoạt động giáo dục nói riêng và trong học tập nói chung”- TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Theo cô giáo Phạm Thị Mỹ Linh (Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội), trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh và phụ huynh đều được hạnh phúc; là nơi học sinh có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm; là nơi học sinh không có áp lực học hành mà luôn được phát huy khả năng của mình, là nơi mà thầy cô giáo có các phương pháp dạy học tích cực, luôn hỗ trợ và giúp đỡ học sinh kịp thời, thiết lập được mối quan hệ tốt với học sinh, tạo cho các em sự an tâm, tin tưởng và cảm thấy được yêu thương.

Chương trình “7 thói quen” dành cho giáo viên do TS. Stephen Covey nghiên cứu, bao gồm: Sống chủ động; bắt đầu với mục tiêu; ưu tiên việc quan trọng; tư duy cùng thắng; hiểu rồi được hiểu; hợp lực và rèn giũa bản thân. Việc thực hiện 7 thói quen này sẽ tạo ra sự thay đổi trong hành vi của mỗi nhà giáo và dẫn đến sự thay đổi về văn hóa của lòng tin trong trường học. Giúp nhà giáo phát huy nội lực, vượt qua áp lực của cuộc sống, thực hiện hiệu quả sứ mệnh nghề nghiệp của mình tạo nên nhiều trường học hạnh phúc.

Với sự quyết tâm cao, tự mỗi nhà giáo sẽ tạo ra thay đổi cho mình. Nhiều sự thay đổi của các thầy cô sẽ tạo ra môi trường học tập mà ở đó: Giáo viên hạnh phúc - học sinh hạnh phúc - nhà trường hạnh phúc. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có câu nói: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Nhưng để đạt được như vậy, thiết nghĩ cần có sự chăm lo đến đội ngũ giáo viên bằng những cơ chế, chính sách - đó là một trong những việc làm thiết thực và có tính chất bền vững nhất./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận