Đại học FPT được đánh giá là một trong những nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) cho thị trường việc làm trong và ngoài nước, nơi thường được các nhà tuyển dụng đặt quan hệ hợp tác và “săn” nhân tài. Vậy theo ông, thách thức lớn nhất hiện nay trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng được nhu cầu trong nước và tham gia vào cuộc chơi toàn cầu là gì?
Nền kinh tế đã và đang có nhiều thay đổi sâu sắc, dẫn đến yêu cầu nhân lực, quy mô và phương thức đào tạo cần phải thay đổi theo, thậm chí đào tạo còn phải thay đổi mang tính đi trước, đón đầu. Tuy nhiên, rất tiếc là tư duy xã hội không theo kịp các thay đổi này. Quan điểm về thầy - thợ vẫn vậy, tâm lý học vẫn là để có bằng cấp...
Tôi thấy rằng, hiện nay chúng ta lạm dụng từ “nhân lực CLC”, trong khi thực chất xã hội ta hiện nay mới chỉ cần nhân lực có chất lượng. Nói như vậy để nó đặt tương phản với đào tạo mà khi chưa đạt được ngưỡng chất lượng hiện nay của rất nhiều cơ sở đào tạo ở trong nước. Nhiều doanh nghiệp khi sử dụng “sản phẩm” của các trường ĐH, họ cho rằng, những kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ mà các trường đào tạo cho sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Với sự phát triển rất nhanh chóng hiện nay do thâm nhập của công nghệ số, sự dịch chuyển nền kinh tế sang công nghiệp 4.0 thì nhân lực cũng cần có những kỹ năng để phù hợp với sự thay đổi đó, thậm chí “đầu ra” của các trường ĐH phải đi tiên phong trong cuộc chuyển đổi số đó.
Đề cập đến nguyên nhân, ta có thể so sánh đơn giản: Việt Nam đã trải qua thời kỳ ăn uống không đủ chất thì hiện nay cũng có nhiều cơ sở đào tạo không đủ “chất”, nghĩa là có nhiều nội dung, kỹ năng lẽ ra sinh viên (SV) khi tốt nghiệp phải nắm được thì lại không được dạy trong trường. Cụ thể, với xu thế hội nhập toàn cầu thì kỹ năng ngoại ngữ là cực kỳ quan trọng, bởi nó không chỉ để giao tiếp mà quan trọng hơn còn là công cụ quan trọng giúp SV có thể nắm được những kiến thức mới, thành tựu mới để có thể hội nhập quốc tế.
Các kỹ năng khác tương tự như: tư duy phản biện, kỹ năng mềm, những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của Công nghiệp 4.0… Tất cả những “chất” đó các trường rất thiếu, mà đáng lo ngại là lại thiếu trong thời gian dài. Nhưng các trường ĐH không thấy mình có lỗi, phải có trách nhiệm làm thế nào cung cấp được nền học vấn đủ “chất”, chứ chưa nói đến “ngon” - tức là nhân lực CLC.
Theo ước tính, ở Việt Nam tổng chi phí đầu tư cho một SV hiện nay rất thấp, chỉ bằng khoảng 5% so với chi phí của các nước khác. Cụ thể, tổng chi phí nhà nước đầu tư (vào các trường ĐH công) cộng với học phí từ người học thì chi phí trung bình mới chỉ 1.000 USD/năm/SV, trong khi ở các nước như khác: Úc, Mỹ đầu tư khoảng 30.000 USD/SV.
Theo ông, chúng ta phải giải bài toán thế nào để các trường ĐH có thể đủ “chất” trong điều kiện hiện nay, và cụ thể ở ĐH FPT đã làm gì?
Làm thế nào để tăng được chi phí lên thì có nhiều cách. Trước tiên phải giải bài toán từ phía người học như thế nào, từ phía nhà nước đầu tư như thế nào, tín dụng cho SV thực hiện ra sao? Mỗi nước họ đều tìm được lời giải một cách phù hợp với hoàn cảnh của mình và Việt Nam đã giải quyết bằng con đường giao quyền tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, việc tự chủ về tài chính khiến các trường rất khó khăn khi nguồn thu chủ yếu chỉ dựa vào học phí, mà học phí rất khó tăng cao khi thu nhập của người dân còn thấp. Ở Úc, trường ĐH được tự chủ về học thuật, tự chủ về nhân sự, nhưng riêng tài chính vẫn được nhà nước đầu tư 50%, còn lại học phí của SV là 50%, đủ nguồn lực để các trường đảm bảo đủ “chất”.
ĐH FPT đã phải tìm cách tính mức học phí như thế nào để phù hợp với người học và trường cũng có nguồn lực nhất định không bị quá khó khăn như trường khác. Cụ thể, học phí hiện nay của FPT là 2.000-3.000 USD/năm (gấp 2,3 lần so với trường công).
Thứ hai, nhà trường tìm mọi cách thức tiết kiệm như tận dụng công nghệ trong dạy học, ví dụ như kết hợp đào tạo trực tuyến và đào tạo trực tiếp, song song với việc đảm bảo chất lượng. Trường phải tìm nhiều cách xoay sở để thực hiện, đồng hành sát sao với SV để đạt đúng mục tiêu đặt ra, SV được trang bị nhiều kỹ năng để hội nhập quốc tế, có thể đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0. Và quan trọng, trường FPT xem đó là trách nhiệm xã hội phải thực hiện.
Thời gian qua cách làm này của FPT đã mang lại những hiệu quả cụ thể như thế nào trong việc nâng chất lượng đào tạo, ông có thể chia sẻ rõ hơn?
Một trong những thế mạnh của trường là liên kết đào tạo với nước ngoài, tham gia mạng lưới trao đổi sinh viên lớn nhất thế giới, nhằm nâng cao chất lượng của các chương trình học, khẳng định tầm vóc chuẩn quốc tế hóa.
100% sinh viên ĐH FPT có cơ hội giao lưu quốc tế trong quá trình học tập tại trường, đồng thời kéo SV các nước khác sang. Năm 2019 đánh dấu mốc trên 1.000 lượt SV nước ngoài của hơn 20 nước sang Việt Nam học tập, giao lưu với SV ĐH FPT. Họ sang Việt Nam thì SV mình được tiếp xúc với môi trường đa văn hóa, được giao lưu học tập. Năm 2019 có hơn 3.000 SV Việt Nam sang các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Mỹ, Anh... Hiện tại trường đang phát triển rất mạnh theo hướng đi này.
Chúng tôi đang đặt mục tiêu là SV trong quá trình học ở FPT có 1 học kỳ học ở nước ngoài. Qua hoạt động đó, tôi thấy SV có thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiếng Anh, tạo dựng mối quan hệ bạn bè quốc tế sẽ giúp định hướng công việc, định hướng học tiếp theo...; có nhiều thông tin hơn để các em lựa chọn. Tin vui là, tháng 10 vừa qua, Đại học FPT gia nhập mạng lưới trao đổi SV lớn nhất thế giới. Là thành viên liên kết của “Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á” (AUN - QA), Đại học FPT theo đuổi chiến lược “Go Global” với khát vọng quốc tế hóa toàn diện và sâu sắc. Hiện, nhà trường có quan hệ hợp tác với 176 đối tác tại 34 quốc gia.
Để tạo điều kiện cho SV, chương trình học của FPT bố trí chỉ sau 4 học kỳ là SV có thể đi làm được. Sau khi đi làm và quay về trường thì những nội dung học sẽ sâu hơn liên quan đến quản trị, khởi nghiệp, quản lý dự án như thế nào.
Bản thân sinh viên sẽ thay đổi cách học như thế nào?
Trong thời đại hiện nay, SV phải trang bị khả năng tự học vì điều đó là cần thiết. Quan điểm đào tạo của ĐH FPT là tổ chức và quản trị việc tự học của người học. Các em sẽ phải tự học, tự xây dựng kiến thức, kỹ năng cho mình vì sau này kiến thức thay đổi rất nhanh trong thời đại 4.0. Ngay cả nội dung các em học sau 5,10 năm chắc cũng không còn nhiều tác dụng, chứ không phải cứ yên tâm rằng những kiến thức đã học sẽ được sử dụng suốt đời. Vì thế, ở ĐH FPT có văn hóa tự học ngay từ khi các em bước vào trường. Trường tổ chức cách thức tự học và giám sát, sau đó kiểm tra đánh giá, chứ không đơn thuần mô hình trước đây lên lớp thầy giảng trò chép, không có thầy thì không biết làm gì. Vai trò của giảng viên sẽ khác, thay vì truyền thụ kiến thức thì hướng dẫn các em tự học. Dạy theo kiểu lên lớp dễ hơn, còn tự học thì GV phải nắm được từng em tự học để còn hỗ trợ khi các em vướng mắc. Đây cũng chính là cách học tiết kiệm nguồn lực cho trường.
Thế mạnh của ĐH FPT là liên kết đào tạo, đây có được coi là giải pháp then chốt nâng cao chất lượng đào tạo, thưa ông?
Với các định hướng đào tạo trên, SV ra trường sẽ có cơ hội việc làm với thu nhập cao tại FPT và các tập đoàn khác trong và ngoài nước. Ngoài việc trao đổi SV, chương trình, trao đổi giảng viên vẫn đang được thực hiện thì trường còn triển khai mô hình du học tại chỗ, hợp tác được với những trường có tên tuổi.
Mới đây nhất, tháng 5/2019 ĐH FPT đã triển khai chương trình quốc tế với trường ĐH Swinburne (Úc) - trường top 400 thế giới. Mục tiêu của Swinburne (Việt Nam) là đào tạo những công dân toàn cầu trong các lĩnh vực công nghệ và kinh doanh nhằm phục vụ cho quá trình phát triển, hội nhập kinh tế và phát triển các xu hướng công nghệ mới đang diễn ra rất năng động tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn cho SV muốn học tập theo nền giáo dục Úc với chi phí hợp lý ngay tại Việt Nam, chỉ bằng 20% so với học ở ÚC.
Về nguyên tắc, ĐH phải chuyển đổi số trước các lĩnh vực khác, để các em sẽ là SV số, sau này là công dân số các em sẽ tham gia vào chuyển đổi số của các lĩnh vực trong xã hội, các doanh nghiệp. Rõ ràng đây là vấn đề lớn vì “đầu ra” của ĐH mà có vấn đề thì năng lực cạnh tranh của của nền kinh tế nước mình trong bối cảnh hội nhập toàn cầu bị ảnh hưởng ngay lập tức. Ở đây, vai trò quản lý Nhà nước rất quan trọng, khi ĐH không đủ “chất” thì Nhà nước phải xem đó là vấn đề rất lớn về nhân lực của đất nước. Bởi để bước vào cuộc chơi toàn cầu này, chúng ta phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng, có kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng xã hội và có kỹ năng làm việc toàn cầu. Nhà nước phải yêu cầu các trường có trách nhiệm thực hiện sứ mệnh đó, chứ hiện nay hầu như không phải chịu trách nhiệm gì về chất lượng nguồn nhân lực.
Nguyễn Hằng thực hiện