Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn
Ngày 2/3, 59/63 tỉnh, thành thông báo cho học sinh quay lại trường sau một thời gian nghỉ dài phòng tránh dịch Covid-19. TP. Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Tuyên Quang cho học sinh THPT tiếp tục nghỉ. Phần lớn địa phương cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ thêm một tuần. Có nơi cho học sinh nghỉ cho đến khi có thông báo mới.
Trường học đã chuẩn bị các biện pháp bảo vệ an toàn cho học sinh, sinh viên như thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị mọi điều kiện như trang bị nước rửa tay, khẩu trang, máy đo thân nhiệt khi đón học sinh trở lại trường. Sáng ngày 2/3, hơn 35.000 học sinh THPT tỉnh Vĩnh Phúc quay trở lại trường. Các em được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp. Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết, Trường THPT Bến Tre (thành phố Phúc Yên) huy động, bố trí trên 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên trực chốt tại cổng trường, hành lang, cầu thang để đo thân nhiệt, hướng dẫn sát khuẩn cho học sinh.
Sáng cùng ngày, hàng nghìn sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội xếp hàng dài chờ đo thân nhiệt để vào lớp học. Theo thông tin từ nhà trường, số sinh viên thống kê tại giảng đường, đăng ký ở ký túc xá đạt trên 80% và có nhiều em sẽ tiếp tục nhập học. Trước đó, nhà trường triển khai các biện pháp khử trùng lần cuối, chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ vệ sinh, hướng dẫn giảng viên và nhân viên có phương án xử lý khi thấy vấn đề bất thường. Thầy Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết: “Nếu có biểu hiện nghi ngờ như sốt, ho khan, sinh viên chủ động cách ly và báo ngay cho nhà trường thông qua số hotline”…
Ngày 2/3, học sinh THPT tỉnh Sơn La đi học trở lại. Tuy nhiên, cùng ngày, UBND tỉnh Sơn La ra công văn, cho phép học sinh các cấp tiếp tục nghỉ đến ngày 17/3 để phòng, chống dịch Covid-19. Trước đó, tỉnh đã thông báo trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS sẽ nghỉ học đến hết ngày 8/3. Học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên, sinh viên đi học trở lại từ ngày 2/3.
Chiều ngày 3/3, Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình đã gấp rút thông báo, học sinh lớp 12 trên địa bàn toàn tỉnh sẽ đi học trở lại trường học vào ngày 4/3. Việc gấp rút cho học sinh trở lại học vào ngày 4/3 là nhằm đảm bảo việc ôn tập cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Bên cạnh đó, có khá nhiều trường ĐH, nhất là các trường phía Nam cho sinh viên nghỉ học hết tháng 3. Lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đề xuất cho học sinh, sinh viên toàn quốc nghỉ hết tháng 3.
Y tế học đường, điều kiện then chốt để kiểm soát dịch
Ngày đầu tiên cho con trở lại trường học, nhiều phụ huynh chia sẻ, chỉ thực sự yên tâm cho con quay lại trường học khi môi trường học đường đảm bảo an toàn, các thầy cô giáo cũng như bộ phận nhân viên chăm sóc bán trú của nhà trường được tập huấn kỹ càng về việc phòng dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên quay trở lại trường học, em K- học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) bất ngờ bị sốt và ngay lập tức 34 học sinh cùng lớp em đã phải nghỉ học. Trưa ngày 3/3, ông Trang Kim Danh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 34 học sinh trong lớp của em K. đi học bình thường. Riêng em K thì phụ huynh xin cho nghỉ vài ngày để ở nhà tiếp tục uống thuốc điều trị cho khỏi hẳn bệnh viêm họng. Được biết, nhà trường không có máy đo thân nhiệt và không có nhân viên y tế.
Có thể khẳng định, trong giai đoạn này, vai trò của nhân viên y tế trường học là cực kỳ quan trọng để kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh nhưng hiện nay có rất nhiều trường khuyết chức danh y tế trường học vì trong vài năm trở lại đây đã không cho biên chế nhân viên y tế trường học để thực hiện tinh giản biên chế trường học. Thực tế cho thấy, chất lượng và số lượng cán bộ y tế không phải đơn vị trường học nào cũng được đáp ứng đầy đủ. Tình trạng “trắng” y tế học đường vẫn đang tồn tại, nhiều trường để giáo viên kiêm nhiệm tuy nhiên họ hầu như không có kiến thức về y tế.
Theo thống kê gần đây của Bộ GD-ĐT: Cả nước hiện có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhưng tổng số nhân viên y tế trường học chỉ chiếm 74,9%, số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học là 25,1%, chủ yếu ở cấp học mầm non… Ngành giáo dục cũng đánh giá, hơn 10 năm thực hiện chỉ thị của Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe học đường, công tác này vẫn chưa có những thay đổi vượt bậc ở hầu hết các địa phương. Tỉ lệ trường có phòng y tế mới đạt hơn 50%, cùng với đó chỉ có khoảng 55% số trường thực hiện quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của HS… Thông tư 13 quy định, nhân viên y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên, nhưng số trường có cán bộ đảm bảo trình độ chuyên môn này chỉ đạt khoảng 30%.
Chính vì vậy, để công tác phòng chống dịch tại trường học có hiệu quả cần nhanh chóng thống kê xem trường nào chưa có nhân viên y tế trường học để bổ sung gấp, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Y tế trường học cần phải được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế…/.
Ngày 3/3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ kiểm tra việc phòng chống Covid-19 của ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ. Tại đây, ông khẳng định, Bộ luôn đặt vấn đề an toàn của người học lên trên hết và không để học sinh lây nhiễm Covid-19 từ trường học. |