Trường tư “gồng mình” thời Covid-19
Tình trạng học sinh nghỉ học dài ngày khi dịch Covid-19 xảy ra đã khiến các trường tư thục gặp nhiều khó khăn, phải đối diện với áp lực tài chính. Đặc biệt là các trường tư thục đã triển khai học trực tuyến và thu tiền học online đang có nhiều ý kiến trái chiều ngay từ các cơ quan quản lý.
Ông Nguyễn Kiến Thiết, đại diện phát ngôn của Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: “Việc học online là bất khả kháng trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Trường công lập và dân lập đều nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng hệ thống trường dân lập phải tự chủ tài chính toàn bộ. Hiện nay không biết khi nào dịch bệnh mới hết, khó khăn của các trường tư là rất lớn từ việc chi trả thuê mặt bằng, trả lương giáo viên và vận hành hệ thống. Việc phụ huynh học sinh không đồng ý nộp tiền học online của học sinh là quyền của họ nhưng chúng tôi mong phụ huynh hiểu đúng bản chất vấn đề và chia sẻ khó khăn với chúng tôi. Bộ nói sẽ công nhận kết quả học online, tức là giáo viên phải dạy cho “đàng hoàng, chuẩn chỉ” để có kết quả thực sự mà không cho các trường tư thu tiền thì trường lấy gì trả lương cho giáo viên khi họ vẫn ngày đêm cống hiến và thiết kế bài giảng phục vụ học sinh?”.
Trái ngược với tình cảnh ấy, các thầy cô dạy ở trường công lập vẫn được nhận đủ lương, do đó nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm có hành động hỗ trợ trường tư trong giai đoạn này, cũng là biện pháp cần thiết ổn định hoạt động nhà trường trong thời gian tới. Trong lúc chờ đợi các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, các trường tư thục vẫn đang vật lộn với khó khăn để tự cứu mình bằng giải pháp cung cấp dịch vụ dạy học trực tuyến có thu phí theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã có quan điểm rõ ràng, đúng quy định của pháp luật với các khối trường tư thục. Ngày 17/3, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT Trần Tú Khánh cho biết, việc thu học phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, thực hiện việc thu học phí đối với tháng đi học bù đồng thời đảm bảo việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học; đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm; đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm.
Ông Khánh lý giải, đối với các trường ngoài công lập thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận ban đầu, đúng kế hoạch năm học và trong thời gian nghỉ học nếu triển khai dịch vụ hỗ trợ học online và thu chi phí thì việc này triển khai trên cơ sở thỏa thuận giữa 2 bên nhà trường với phụ huynh học sinh (PHHS). Việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và PHHS thỏa thuận với nhau trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các dịch vụ này, tránh tình trạng học sinh, sinh viên nghỉ học quá dài do tình thế khách quan như nghỉ chống dịch.
Cần có quy định cụ thể
Trái ngược với Bộ, trước đó, ngày 13/3/2020, Sở GD-ĐT Hà Nội ra văn bản số 769/SGDĐT-GDPT đã khiến cho nhiều trường khối tư thục có nhiều băn khoăn. Theo đó, văn bản có chỉ đạo các trường “không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với học sinh, PHHS khi học online (kể cả việc Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của PHHS hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên).
Đến ngày 17/3, Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục ban hành văn bản về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó nêu rõ: “Đối với các trường ngoài công lập: “Cần thỏa thuận với PHHS các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của PHHS. Tiền hỗ trợ học online, số tiền học phí đã thu và tiền học phí của các tháng học còn lại (sau khi học sinh trở lại trường)... không vượt quá tổng số tiền học phí cả năm của học sinh đã được nhà trường thông báo từ đầu năm học”.
Trước vấn đề này, ông Nghiêm Nhật Anh, Giám đốc Vận hành trường Tiểu học & Trung học cơ sở Everest (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, vì thời gian nghỉ lâu quá nên nhà trường đã triển khai dạy bài mới thông qua dạy học trực tuyến. Khi triển khai dạy online, nhà trường vẫn chi trả lương giáo viên và đóng bảo hiểm cho nhân viên, trả lãi ngân hàng, do đó nếu không có nguồn thu thì thực sự khó khăn. Nếu kéo dài thì nhiều trường tư đứng bờ vực đóng cửa, phá sản. “Trường tư là tự lo thu chi, do đó Sở nên tạo điều kiện để nhà trường tồn tại bằng cách cho các trường tư thục được tự thỏa thuận với Ban phụ huynh về cam kết chất lượng để từ đó cùng đưa ra mức phí hợp lý”- ông Nhật Anh nêu.
Chị Mai Hoa, một PHHS ở Hà Nội chia sẻ, vấn đề này cần phải hiểu là sự chia sẻ đến từ hai phía nhà trường và phụ huynh. Các thầy cô đã tâm huyết xây dựng chương trình để giảng dạy, mà kinh nghiệm cho thấy, không phải thầy cô nào cũng dạy online được. Vậy nên về phía phụ huynh, khi con mình ngồi trước màn hình tiếp thu kiến thức, sự đóng góp một khoản phí hợp lý là điều nên làm./.