Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến vào giữa tháng 8, với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp trung học phổ thông thay vì thi THPT quốc gia, nhiều trường đại học đã họp và đưa ra nhiều cách thức tuyển sinh mới để phù hợp với thực tiễn. Theo thông tin mà các trường đã công bố, năm nay sẽ có nhiều kỳ thi tuyển sinh đại học riêng sau khi thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.
Trong số các trường đã công bố phương án tuyển sinh năm 2020, một số trường xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, còn một số trường tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển. Cụ thể, Đại học kinh tế Quốc dân, Đại học Hàng hải thông báo, sẽ xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, với chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 70%, 30% chỉ tiêu còn lại sẽ xét tuyển theo các phương thức học bạ, xét tuyển thẳng...
“Nhà trường cũng xác định là một kỳ thi mà nó có thể có phân hóa thấp hơn, tuy nhiên hình thức và quy trình tổ chức thi nó vẫn theo quy trình chung của Bộ, chúng tôi hy vọng cũng tổ chức hết sức công bằng, khách quan. Chỉ cần một kỳ thi không cần quá khó nhưng có kết quả chính xác, công bằng, nhà trường xét tuyển dựa vào đó tôi nghĩ vẫn hoàn toàn yên tâm”, ông Nguyễn Khắc Khiêm, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hàng hải nói.
Bà Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, dù có nhiều biến động khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhưng trường vẫn cố gắng giữ ổn định đến mức cao nhất về phương thức tuyển sinh để thí sinh yên tâm học và thi.
Theo bà Vân, nhà trường đặt vấn đề là giữ đảm bảo sự ổn định tâm lý cho tất cả các học sinh và cũng như phụ huynh không phải lo lắng gì. Thứ 2 nữa là không gây tốn kém xã hội, việc đấy là cực kỳ quan trọng.
“Chúng tôi hoàn toàn có khả năng tổ chức kỳ thi riêng, nhưng mà khi tổ chức một kỳ thi riêng trong điều kiện đại dịch, học sinh không có điều kiện để học tập, để ôn luyện theo một cách thức mới thì cách tốt nhất là sẽ sử dụng kết quả đấy và chúng tôi cũng rất tin tưởng là kết quả thi được đánh giá đúng. Thực chất bộ cũng có vai trò rất quan trọng, đề thi là đề thi chung và bộ cũng có hệ thống giám sát cho nên trường hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng của kỳ thi”, bà Vân cho biết.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng công bố phương án tuyển sinh 2020, đó là sẽ tuyển sinh theo ba hình thức, gồm: Xét tuyển thẳng các đối tượng đáp ứng tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của trường và xét tuyển hồ sơ thí sinh.
Nhà trường cũng sẽ kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh gồm hai bài thi bắt buộc là Toán, bài viết luận và Bài tự chọn gồm: Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.
Thời gian dự kiến tổ chức thi vào khoảng cuối tháng 7/2020, trước Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Ngoại trừ bài luận thi viết, các bài thi khác thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến vào Đại học Quốc gia Hà Nội từ ngày 1/6/2020.
Các trường được cho là top 1 hẩu hết đều có phương án tổ chức kỳ thi vào trường riêng. Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn giữ nguyên phương án sẽ tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 7 để tuyển sinh. Nhóm các trường đại học khối y dược có đầu vào xét tuyển ngặt nghèo nhất cũng cho biết, chiều 24/4, Hội đồng hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe sẽ họp trực tuyến để bàn về phương án tuyển sinh, trong đó có phương án tổ chức một kỳ thi chung, mặc dù cách thức này được đánh giá là khá phức tạp, tốn kém.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trước phương án thay đổi khá đột ngột về kỳ thi THPT năm nay, các trường đại học bắt buộc phải đưa ra phương án tuyển sinh mới. Từ nay đến kỳ thi chỉ còn gần 4 tháng nên các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển có thể tính đến phương án liên kết với nhau để xét tuyển chung, nhằm giảm khó khăn cho thí sinh.
“Các trường đại học phải nhanh chóng liên kết lại với nhau để có các hoạt động chung. Còn tất nhiên là tùy đặc thù của từng trường, tùy số lượng hồ sơ thì phổ điểm có thể khác nhau. Nhưng riêng công tác tổ chức thi, chấm thi, lọc ảo thì cố gắng để làm chung với nhau được thì tốt. Vì kinh nghiệm của những năm vừa qua cho thấy, nếu chúng ta không có sân chơi chung thì việc xét tuyển sẽ rất khó khăn và nó không chỉ khó khăn cho các trường đại học mà đặc biệt là nó rất khó khăn cho thí sinh”, ông Tuấn cho biết.
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường có thể sẽ tổ chức thi riêng để xét tuyển chủ yếu thuộc khối Y Dược; An ninh, Quốc phòng; tức là khối trường top đầu (chiếm khoảng 10% tổng số trường đại học trong cả nước).
Những thay đổi trong phương thức thi tốt nghiệp PTTH năm nay chắc chắn sẽ tạo áp lực không nhỏ cho học sinh và phụ huynh trước ngưỡng cửa kỳ thi quan trọng này./.
Minh Hường/VOV1