Điều chỉnh mạnh các phương án tuyển sinh

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2020, nhiều trường đại học đã phải điều chỉnh phương án tuyển sinh khá nhiều so với kế hoạch trước đó.

 

Điều chỉnh chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp

Một trong những điểm mới thu hút sự quan tâm của các trường đại học (ĐH) đó là, theo Quy chế tuyển sinh năm 2020 quy định cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện sau: Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; Bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng; Có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, quy định khi trường ĐH tổ chức thi riêng phải tự túc bảo đảm các yêu cầu trong quy chế là quá khó với các trường và hầu hết các trường không thể đáp ứng đủ yêu cầu trong thời gian ngắn. Thực tế cho thấy, để có được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa cũng như đội ngũ cán bộ chấm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia những năm trước, Bộ GD-ĐT đã phải huy động nguồn cán bộ từ nhiều trường đại học, trường phổ thông mới đáp ứng được. Với những quy định ngặt nghèo trên, nhiều trường tốp đầu dự kiến tổ chức thi riêng đã phải nhanh chóng điều chỉnh phương án tuyển sinh sang xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể như: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương đã thông báo hủy kỳ thi đánh giá năng lực. Tương tự, trường ĐH Bách khoa Hà Nội… gần đây cũng đã phải thông báo điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh phù hợp với quy chế tuyển sinh.

Một điểm nữa là, sau khi có quy chế mới nhiều trường đã điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu các phương thức tuyển sinh, trong đó, tăng mạnh chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết việc xét tuyển dựa vào kết quả thi này vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất. Trường ĐH này sẽ dành từ 50 - 60% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp, 10 - 15% điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, chỉ tiêu còn lại cho xét tuyển học bạ, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ. Việc trường bổ sung phương thức xét học bạ, xét điểm thi năng lực để giảm áp lực cho thí sinh. Ngược lại một số trường có xu hướng giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm kỳ thi chung và tăng chỉ tiêu các phương thức khác. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng cho biết sẽ áp dụng 4 phương thức tuyển cho các ngành đào tạo tại TP.HCM. Trong đó, chỉ tiêu cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp giảm mạnh, chỉ còn khoảng 40% (năm 2019 trường công bố tuyển 70 - 90% chỉ tiêu điểm kỳ thi THPT Quốc gia). Đồng thời, điều chỉnh chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ (lên khoảng 30%), xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM (tăng 20%) và bổ sung xét tuyển thẳng 10%. Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, năm nay trường sẽ tuyển sinh theo 5 phương thức. So với năm ngoái, chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp của trường này giảm còn 30 - 50% chỉ tiêu (thay vì 50 - 70% chỉ tiêu như mọi năm), tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực. Tương tự, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết trường chỉ dành 40% tổng chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp (năm ngoái là 80%).

Có thể, trong một thời gian ngắn các trường ĐH đã phải liên tục điều chỉnh phương án tuyển sinh khác nhau để phù hợp với sự thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tính từ kế hoạch dự kiến được công bố lần đầu vào cuối năm 2019, đến nay các trường đã có ít nhất 3 lần điều chỉnh.


 Các trường ĐH đã phải liên tục điều chỉnh phương án tuyển sinh khác nhau để phù hợp với sự thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Khối ngành y dược không thi sẽ tuyển sinh ra sao?

Trước khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020, các trường thuộc khối ngành y dược dự tính tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Tuy nhiên, với những quy định trong quy chế mới, các trường ĐH khối ngành y dược cho biết không tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh trong năm nay. PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết nhóm trường ĐH khối ngành y dược sẽ không thực hiện kỳ thi để tuyển sinh trong năm nay. Trường dự kiến sẽ thực hiện các phương thức tuyển sinh như năm 2019. Trường không tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển và cũng không xét tuyển dựa vào học bạ THPT. Mong muốn đề thi của kỳ thi tốt nghiệp sắp tới có sự phân hóa, việc tổ chức thi được giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh.

Còn theo TS.BS Nguyễn Minh Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thì, Hội đồng tuyển sinh của trường đã họp và quyết định chỉ xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo điểm tổ hợp truyền thống 3 môn: Toán, Hóa và Sinh. Riêng hệ vừa làm vừa học, trường xét tuyển học bạ nhưng sẽ thực hiện theo đúng quy định trong quy chế mới.

     GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, chia sẻ với quy chế mới này thì các trường hoàn toàn yên tâm để đảm bảo mặt bằng chung. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để kỳ thi đạt được sự tin cậy và có chất lượng để các trường sử dụng xét tuyển. Năm nay kỳ thi được giao về địa phương nên cần tăng cường giám sát, thanh tra để tránh những điều không mong muốn có thể xảy ra. Bộ cần chỉ đạo, đề thi có tính phân hóa cao hơn, vì đây cơ sở để cho những trường sử dụng xét tuyển, nhất là trường khối ngành y dược.../.

 
 “Quy chế tuyển sinh phát huy tối đa quyền tự chủ của trường đại học, nhưng các trường cần lưu ý đến trách nhiệm giải trình. Vì thế phải rà soát thật kỹ các thông tin liên quan đến đề án tuyển sinh trước khi công bố công khai. Bộ sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra nội dung này. Những thông tin mà các trường cung cấp cho thí sinh và xã hội phải trung thực, chính xác, có định hướng nghề nghiệp cho thí sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học…” Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận