Làm sao để kiểm soát được giá SGK?
Theo Nghị quyết 88/NQ-QH của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ chịu trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến lớp 12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Kể từ khi ban hành chương trình GDPT mới (26/12/2018) cho đến thời điểm 26/2/2020, Bộ GD-ĐT đã trải qua hai lần đấu thầu tuyển chọn tác giả biên soạn SGK nhưng đều bất thành. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTNNĐ) của Quốc hội mới đây đã đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ GD-ĐT trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88. Từ thực tế biên soạn SGK, Thường vụ Ủy ban cho rằng, cần cân nhắc việc Bộ tiếp tục tổ chức biên soạn SGK lớp 1. Lý do là thời gian từ nay đến khai giảng năm học 2020-2021 còn rất ngắn để triển khai biên soạn, thực nghiệm và thẩm định một bộ SGK lớp 1 mới.
Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT không biên soạn được một bộ SGK riêng thì vấn đề dư luận quan tâm là: nếu “buông” để các NXB định giá thì nhiều người không đủ khả năng chi trả, đặc biệt đối với người dân ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Hiện nay gía SGK mới tăng 3-4 lần so với SGK hiện hành. Làm sao để kiểm soát được giá SGK trên cơ sở tính đến mặt bằng thu nhập của nhân dân?
Đề cập vấn đề này, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm VHGDTNTNNĐ của Quốc hội thẳng thắn cho rằng: “Nếu Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn được một bộ SGK ngay từ đầu như Nghị quyết 88 đề ra thì tốt, nhưng đến giờ Bộ không thể biên soạn kịp vì chỉ còn vài tháng nữa là khai giảng. Hơn nữa, nhìn vào 5 bộ SGK đã được duyệt tôi thấy chất lượng hơn hẳn bộ SGK hiện hành. Tuy nhiên, giá sách do các NXB công bố khá cao. Vậy vấn đề là cần quản lý giá SGK như thế nào cho phù hợp?”
GS Thi phân tích, Nếu Nhà nước có trong tay một bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn thì lúc đó sẽ có sự đối trọng về giá, có sự cạnh tranh, còn bây giờ thực chất trong tổng số 5 bộ SGK có đến 4 bộ là của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 bộ sách còn lại là của 2 NXB Sư Phạm. Như vậy, khi một NXB chiếm thị phần quá lớn sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh nữa, dễ dẫn đến việc “thao túng” giá và các NXB khác khó mà cạnh tranh được. Trong khi đó, yêu cầu quan trọng của cơ chế thị trường là không được độc quyền, chỉ cạnh tranh đúng nghĩa thì mới đi về được giá đúng và người tiêu dùng mới có lợi.
Còn theo GS.TS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cần phải có cơ chế tính lại giá, thậm chí, cần phải tiến hành đấu giá, tránh việc các NXB lợi dụng chính sách xã hội hóa SGK mà tăng giá vô tội vạ, ảnh hưởng tới người tiêu dùng, đi ngược với chủ trương khuyến học của Việt Nam.
Hỗ trợ trực tiếp vào người học
Một chuyên gia giáo dục cho rằng, với mặt hàng SGK cần phải có sự chỉ đạo của Nhà nước như: Có thể yêu cầu các NXB tăng giá hợp lý, không được tính kiểu hoàn vốn ngay lần xuất bản đầu tiên. Việc NXB tính khấu hao SGK trong thời gian bao lâu sẽ quyết định giá thành của SGK? Thứ 2, với khoản 16 triệu USD vay Ngân hàng Thế giới để Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn SGK hiện nay chưa dùng đến thì có thể dùng một phần tiền đó để hỗ trợ SGK cho học sinh ở vùng khó khăn, hải đảo, miền núi… Làm được như vậy sẽ đảm bảo công bằng cho xã hội, không đi ngược lại chủ trương khuyến học”.
Cũng có ý kiến đề xuất, cùng với việc xã hội hóa SGK thì cũng cần thay đổi phương thức hỗ trợ giá trực tiếp vào những đối tượng yếu thế, chứ không phải hỗ trợ vào giá sách (nghĩa là hỗ trợ cho các NXB). Phương thức hỗ trợ trực tiếp vào người học chắc chắn sẽ hiệu quả hơn vì chúng ta hỗ trợ đúng đối tượng.
Trước thực tế trên, Thường trực Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sớm xác định nguồn kinh phí hỗ trợ và đối tượng cần hỗ trợ SGK, cung cấp SGK cho các thư viện trường phổ thông...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với việc, ở kỳ họp 9 Quốc hội khóa 14 sẽ báo cáo và xin ý kiến việc Nhà nước có cần làm một bộ SGK nữa không, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quan tâm vấn đề quản lý giá SGK khi xã hội hóa sẽ như thế nào…/.
“Thực tế lâu nay Nhà nước chưa xác định SGK vào dạng mặt hàng bình ổn giá do trước đây việc biên soạn SGK đều được bao cấp. Vì thế, nếu Bộ GD-ĐT không biên soạn được một SGK thì phải bổ sung thêm vấn đề quản lý về giá SGK. Quốc Hội nên cân nhắc xem SGK có đưa vào diện bình ổn giá như một số mặt hàng: xăng, dầu, điện, nước so Nhà nước quản lý hay không?”- GS Đào Trọng Thi.
|