Đừng vì một cây mà đốn cả rừng

Sau vụ cây phượng trong sân trường ở TP.HCM bật gốc làm chết một học sinh, nhiều trường đã nhanh gọn đốn hạ hàng loạt cây xanh...

 

Thay vì kiểm tra cây, nhiều trường chọn “xóa sổ” cây phượng”!

Nhiều trường đã đồng loạt đốn hạ cây phượng

Sau tai nạn đau xót trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh để kiểm tra, cắt tỉa, xử lý những cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh (HS), giáo viên. Tuy nhiên thay vì cắt tỉa, xử lý những cây có khả năng gây nguy hiểm, nhiều trường học lại đốn hạ toàn bộ những cây phượng. Nguy cơ loài cây được mệnh danh là hoa học trò có nguy cơ bị biến mất khỏi các trường học là rất lớn.

Trong những ngày này nắng nóng gay gắt, hình ảnh hàng loạt cây phượng trong trường học bị “thảm sát”, sân trường với bê tông trắng xóa, trơ trọi khiến cho bao người không khỏi xót xa. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng mà vội vàng chặt bỏ cây xanh thì thật đáng lo ngại. Cây xanh không chỉ mang lại bóng mát, làm sạch nguồn không khí mà những cây phượng, bằng lăng, bàng… luôn gắn bó với tuổi học trò. Chính nhờ những cây đó đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi học trò trong sáng hơn, đẹp đẽ hơn. Chúng ta đừng vì một cây mà đốn cả rừng cây. Đó là những hành vi quá khích, chúng ta phải biết trân trọng giữ gìn cây xanh và đảm bảo thực hiện đúng quy trình chăm sóc cây để vừa đảm bảo môi trường trong lành, vừa đảm bảo an toàn cho HS...”.

Thầy Bình thẳng thắn chỉ ra: “Những vụ việc xảy ra vừa rồi thì phải làm rõ lỗi ở đâu? Theo tôi trước hết là lỗi ở con người, chứ không phải ở loài phượng vỹ. Cây xanh cũng là sinh vật sống, nó cũng có quá trình sinh ra, lớn lên và bệnh tật, chết đi. Khi trồng cây phải xem có đảm bảo kỹ thuật hay không, vì nếu không trồng đúng kỹ thuật rất dễ bật gốc. Tiếp đến, khi quá trình cây xanh lớn lên nó cũng có thể bị bệnh tật, vì thế chúng ta phải kiểm tra sức khỏe của cây. Còn đối với cây già cỗi rồi thì nên thay thế… Nếu làm tốt việc đó sẽ giảm được nguy hiểm đi rất nhiều.” Anh Trần Mạnh Hồng, một phụ huynh xót xa bày tỏ: “Vấn đề chính là phải trồng cây từ nhỏ, để khi cây lớn sẽ có đủ bộ rễ ăn sâu vào nền đất. Hiện nay ta mua cây trồng cao đến 4m-5m và đường kính đến 30cm nhưng không có rễ, khi cây phát triển nhưng bộ rễ thì ít gặp khi mưa gió lớn rất dễ đổ!”.

Đến thăm trường tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào một ngày hè nắng gắt, dưới sân trường rợp bóng mát các em HS ríu rít, vui vẻ sinh hoạt… càng thấy trân quý giá trị của cây xanh. Chia sẻ với chúng tôi về việc chăm sóc cây xanh trong trường học, cô Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Sơn cho biết: “Từ nhiều năm nay, năm nào trước mùa mưa bão nhà trường cũng soạn công văn sang gửi Sở Xây dựng để liên hệ tỉa, chặt cành, hạ độ cao của cây cây trước mùa mưa bão. Khoảng 2,3 năm gần đây việc này được giao về UBND quận quản lý nên vấn đề này lại càng được quan tâm, sát sao hơn. Năm nay, từ tháng 2, UBND quận Hai Bà Trưng cho một đội về khảo sát kiểm tra từng cây, xem cây nào bị bệnh, cây nào hỏng cần thay thế hoặc hạ độ cao... Họ quy chụp tội cho cây phượng chứ trường tôi vẫn trồng và thường xuyên kiểm tra nếu có sâu bệnh là chữa luôn và chặt tỉa cành trước mùa mưa bão. Mới đây có một cây bằng lăng nhà trường kiểm tra thấy bị mối mọt không thể chữa được nên đã làm công văn để đề nghị Quận thay cây mới. Hằng năm việc chặt, tỉa được tiến hành vào tháng 6 khi HS nghỉ hè, nhưng năm nay do năm học kéo dài nên việc này sẽ tiến hành vào ngày nghỉ”.

Một số trường cho rằng, Bộ GD-ĐT nên quy định mật độ, trồng cây gì, như thế nào, định kỳ chăm sóc, cắt tỉa ra sao? Cần có văn bản liên tịch về việc kết hợp giữa nhà trường và công ty môi trường đô thị để định kỳ thăm khám, kiểm tra, hỗ trợ nhà trường tỉa cành, hoặc thay cây? Từ trước đến nay, các trường phải đến công ty cây xanh để thuê người về làm, thế nhưng có năm số lượng công việc ít nên họ không nhận. Giờ phải gắn việc quản lý cây xanh trong nhà trường với các đơn vị có trách nhiệm, khi trường yêu cầu là phải đến giúp ngay, chứ lĩnh vực này nhà trường không có kỹ thuật sâu.

Một số hiệu trưởng các trường học cho biết, việc quản lý cây xanh trong trường học hiện không thống nhất như vậy, vì thế Sở Xây dựng và các ban ngành chức năng nên có quy định thống nhất, chi tiết việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện, công sở như: kiểm tra định kỳ; cắt tỉa cây, chăm sóc cây; giao trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân... Trường học phải có trách nhiệm chăm sóc cây, khi thấy có hiện tượng bất thường thì báo cho đơn vị chuyên môn. Đơn vị quản lý cây xanh phải giám định cây theo định kỳ…

Cần có bộ tiêu chí về cây xanh trong trường học

Học sinh Trường Tiểu học Tây Sơn học tập, sinh hoạt trên sân trường rợp bóng cây xanh.

Thầy Nguyễn Quốc Bình phân tích, từ trước đến nay Bộ GD-ĐT hoặc các ngành liên quan chưa có tiêu chí cụ thể về vấn đề cây xanh trong trường học, ví dụ tùy theo vùng miền trồng cây gì cho phù hợp, mật độ cây xanh ra sao? rồi việc phối hợp nhà trường với công ty quản lý cây xanh ra sao để chăm sóc, kiểm tra thường xuyên cây xanh, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Giờ xảy ra mới đổ lỗi cho người này, người kia và cuối cùng là đua nhau chặt cây.

“Về tình trạng chặt hết cây trong trường học hiện nay là cách làm cực đoan, thậm chí là do sợ trách nhiệm. Theo tôi, nhà trường nên tìm hiểu xem cây trồng đúng kỹ thuật chưa, nhờ công ty cây xanh đến kiểm tra xem nó có bệnh tật hay không, có cần chặt bỏ hay không? Bên cạnh đó cần khuyến cáo HS khi mưa gió không đứng dưới cây… Nếu làm được tất cả điều đó thì sẽ hạn chế nguy cơ rất nhiều. Cần tìm ra giải pháp cùng chung sống, cùng tồn tại với nhau chứ bây giờ cứ thấy khó là chặt bỏ đi thì nguy hiểm quá. Phượng gắn với bao kỷ niệm tuổi học trò, biết bao bài hát về cây phượng... giờ các em nhìn thấy cây bị chặt ngổn ngang rất phản cảm...”- Thầy Bình bày tỏ.

Ngày 2/6, tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Thanh Học, Phó Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội cho biết: Sau chuyện đau lòng ở một trường THCS ở TP.HCM, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn yêu cầu các trường trên địa bàn rà soát cây xanh và đảm bảo an toàn cho HS trong trường học. Yêu cầu rà soát và phối hợp với đơn vị chuyên môn xử lý nếu phát hiện những bất thường. “Tuy nhiên có một số trường đã phản ứng thái quá khi cho chặt cây phượng trong khuôn viên nhà trường”, ông Học lưu ý.

 

Chùm ý kiến

“Không chỉ đợi kiểm tra định kỳ của các cơ quan chuyên môn, mà  nhà trường thường xuyên tự kiểm tra chăm sóc cây, phát hiện kịp thời những cây bị bệnh, bị mối mọt để cứu chữa không để cây bị mục rỗng. Trường mời nhân viên trị mối mọt cây xanh về tập huấn cho giáo viên và bảo vệ để nhận biết dấu hiệu cây bị mối mọt, bị bệnh. Bản thân tôi cũng rất yêu quý và giữ gìn từng gốc cây vì cây vừa cho bóng mát, vừa điều hòa khí hậu, chứ bây giờ hiệu ứng bê tông, hiệu ứng nhà kính rất nóng khiến trẻ con rất dễ ốm...”- cô Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Sơn, Hà Nội.

“Lãnh đạo chính quyền địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục phải có những khuyến cáo hoặc chỉ dẫn bằng văn bản cho các trường học về việc định kỳ kiểm tra những cây xanh đã có nhiều năm tuổi, tán rộng, dễ gãy đổ với sự giúp đỡ về chuyên môn của công ty cây xanh ..., nhất là trong mùa mưa bão, nhằm loại bỏ nguy cơ cây gãy đổ như trường hợp đáng tiếc vừa qua...”- Chị Nguyễn Hiền, phụ huynh học sinh.

“Trong quá trình phát triển của cây, con người không tạo điều kiện đầy đủ để cây phát triển hệ thống bộ rễ như: "Bê tông hóa gốc cây", hoặc xây xung quanh gốc cây thành những ô quá hẹp làm cho bộ rễ không có nhiều không gian để thở,...Quá trình xây dựng làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, làm cây phát triển không cân bằng, khi có gió lớn dễ bị đổ;..”- TS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận