Học phí trường Y tới 70 triệu đồng/năm: Tự chủ nhưng không thể tăng vô tội vạ

Tự chủ đại học đi liền với tăng học phí, nhưng việc tăng thế nào là hợp lý thì không phải trường đại học nào cũng đưa ra được.

 

Đại học (ĐH) Y Dược TP.HCM vừa công bố mức học phí tăng chóng mặt, từ 13 triệu đồng/năm lên 50 - 70 triệu đồng/năm trong phương án tuyển sinh 2020.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các trường công lập được tự chủ, chi phí đào tạo sẽ phải được tính cân bằng giữa thu và chi.

“Nếu được tự chủ, người học sẽ phải đóng phần lớn chi phí đào tạo nhưng vẫn phải trên nguyên tắc đảm bảo sự công bằng xã hội. Đối với trường công, học phí phải phù hợp, ở mức độ vừa phải với thu nhập của người dân, chứ không được lấy học phí cao chót vót. Các trường cần lưu ý không thể lẫn lộn, không thể đánh đồng giữa học phí và chi phí đào tạo”, ông nói.

Theo ông Khuyến, nếu chi phí đào tạo sau tự chủ lên quá cao thì cần tính toán lại để các chi phí khác như nghiên cứu khoa học, dịch vụ, sản xuất… phải gánh bớt. Các thông tin này phải minh bạch và công khai để xã hội hiểu tại sao học phí lại tăng cao như vậy.

“Nhiều trường lý giải là không thu như thế không thể đào tạo được, nhưng lãnh đạo các trường phải tính đến giảm chi phí đào tạo, thậm chí cân đối lại chất lượng đầu ra để vẫn đảm bảo chi phí vừa phải, phù hợp với học phí. Còn nếu muốn tăng hoặc giữ nguyên chất lượng thì phải tìm thêm các nguồn khác chứ không thể nâng vô tội vạ được”, ông nói.

Với việc các trường ÐH tự chủ, người học sẽ phải chịu áp lực rất lớn là học phí tăng. (Ảnh: Tienphong)

Cần tính đến sức chịu đựng của người dân

PGS. Nguyễn Văn Sơn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Y dược, ĐH Thái Nguyên, cho biết, đào tạo y tương đối tốn kém vì không thể đào tạo chay. Hơn nữa, khi đi thực tập tại bệnh viện, những chi phí như bông băng, kim tiêm..., nhiều khi trường cũng phải thanh toán cho bệnh viện.

Tuy nhiên, khi tính giá dịch vụ, các trường phải cân đối theo tình hình chung, đảm bảo người học chịu đựng được. “Nếu nói cao mới đào tạo được cũng là đúng, nhưng như thế nào là vừa đủ thì phải có lộ trình. Hiện có mâu thuẫn giữa chất lượng và chi phí. Muốn chất lượng phải có kinh phí tương ứng. Nhưng không thể thu đủ từ năm đầu tiên”, ông nói.

Theo ông Khuyến, nhiều trường đang nhầm lẫn về tự chủ, tự chủ không có nghĩa là tăng học phí. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, một trong những trường được tự chủ, nói rằng, học phí theo Nghị định 86 còn thấp và chưa được tính đúng tính đủ.

Nếu tính đúng tính đủ thì học phí các ngành kỹ thuật phải gần 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nếu tăng cao như vậy sẽ là rào cản cho sinh viên nghèo. Sau khi tự chủ, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cố gắng đưa ra chính sách học phí thấp nhất trong các trường ĐH tự chủ nhờ chính sách tiết kiệm nguồn lực, chi phí điện nước, vận động tài trợ từ cựu sinh viên và doanh nghiệp.

Nhà trường cũng giao các công việc thời vụ cho sinh viên làm để các em có thu nhập. Quỹ học bổng cũng tăng lên gấp 3 sau tự chủ giúp nhiều sinh viên nghèo được miễn 100% học phí. Việc các trường ĐH công lập thực hiện tự chủ tài chính sẽ bị áp lực tăng thu do ngân sách nhà nước giảm cấp kinh phí, điều này hoàn toàn dễ hiểu.

TS. Khuyến cho rằng, thời gian tới, khi các trường tự xác định mức học phí, để hài hòa giữa nhà trường và sinh viên, không gây sức ép quá lớn về tài chính, Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục đào tạo để làm căn cứ để các trường ra được quyết định mức thu học phí. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề thu học phí.

“Chính sách tín dụng cho sinh viên cũng phải thay đổi để phù hợp với học phí mới. Người học và gia đình cũng nên thay đổi nhận thức. Học ÐH là một sự đầu tư. Vay để học rồi đi làm sẽ trả là xu thế chung của thế giới. Năm nào trường cũng gặp gỡ những em khó khăn đột xuất 2 lần”. PGS. Ðỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ÐH Sư phạm TPHCM.

Theo VTC.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận