Cuộc đua vào lớp 6 căng hơn thi đại học: Chấp nhận 'sức nóng' để đảm bảo công bằng?

Cuộc đua vào lớp 6 không chỉ căng thẳng ở các trường công lập "có tiếng" mà khối trường ngoài công lập cũng 'nóng'. Dự kiến tỷ lệ "chọi" năm nay  sẽ ở mức cao.

 

1 “chọi” 20

Trong những năm gần đây cuộc đua vào lớp 6 các trường “hot” ở Hà Nội trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Với các trường có tỷ lệ đăng ký xét tuyển cao, điển hình như: Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ), THCS Cầu Giấy, Thanh Xuân... đều tổ chức thi tuyển. Không chỉ căng thẳng ở các trường công lập “có tiếng”, trường chất lượng cao, mà khối trường ngoài công lập cũng “nóng” không kém...

Trường Ngôi Sao Hà Nội, Trường Liên cấp Nguyễn Siêu đã tổ chức thi từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Các trường còn lại dự kiến thi vào đầu tháng 7. HS dự thi phải làm bài khảo sát năng lực các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh bằng hình thức trắc nghiệm khách quan và tự luận. Các phụ huynh đều nộp hồ sơ cho con dự thi vào nhiều trường, thậm chí tới 5, 6 trường để mong có được một suất học vào những trường đó. Cho đến thời điểm này, dù chưa đến hạn chốt hồ sơ của các trường nhưng dự kiến các trường hot có tỷ lệ "chọi" vào lớp 6 năm nay khá cao, thậm chí có trường ở mức rất cao. Điển hình phải kể đến: Trường THCS Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đến hết ngày 10/6 (hạn cuối nhận hồ sơ dự tuyển) đã có tới 2.000 hồ sơ đăng ký dù chỉ tiêu tuyển 100 HS. Như vậy, tỷ lệ "chọi" vào lớp 6 của trường này là 1/20. Năm học trước, tỷ lệ "chọi" lên tới 1/30 do có tới 3.000 hồ sơ đăng ký, song chỉ có 100 HS trúng tuyển.

Tương tự như vậy, Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Marie Curie, cho biết, năm nay trường có 360 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6. Tuy nhiên, khoảng 250 suất đã dành cho HS khối 5 cấp tiểu học được lên thẳng. Sau một tháng phát hành hồ sơ (thời gian đăng ký từ ngày 4/5-4/7), đã có hơn 600 HS các trường tiểu học ngoài Trường Marie Curie đăng ký. Dự kiến, số đăng ký cũng sẽ bằng năm ngoái, khoảng hơn 800 hồ sơ. Như vậy, tỷ lệ "chọi" là 1 “chọi” 9. Còn trường THCS Lương Thế Vinh, chỉ tiêu vào lớp 6 là 600, nhưng tới thời điểm này số hồ sơ đăng ký dự tuyển vào khoảng 2.000. Dự kiến tỷ lệ chọi khoảng 1 "chọi" 5…

Chị Mỹ Hạnh, một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Ngôi sao (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chị dự định đăng ký cho con thi 6 trường THCS: Archimedes, Olympia, Ngôi Sao, Thanh Xuân, Lương Thế Vinh, Marie Curie… Hiện con đã dự thi trường Ngôi Sao nhưng bị trượt do thiếu 1 điểm, giờ con đang cố gắng luyện ngày, luyện đêm để thi nốt những trường còn lại. Những ngày này, không chỉ con mà bố mẹ cũng vô cùng áp lực. “Nên chăng, có thể dùng kết quả thi của Trường THCS-THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam để tuyển sinh luôn cho trường khác, như vậy cho các cháu đỡ khổ khi phải thi đến 5, 6 đợt thi…”- chị Hạnh đề xuất.

Tỷ lệ chọi vào lớp 6 căng hơn thi đại học.

Lao vào lò luyện từ lớp 2

Trường THCS-THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được tuyển sinh lớp 6 trở lại từ năm 2019, HS phải lọt qua vòng hồ sơ dự tuyển hết sức ngặt nghèo, trong đó điều kiện học bạ của thí sinh chỉ được phép có 1 điểm 9 trong suốt 5 năm học tiểu học, còn lại đều phải 10 điểm. Còn theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển khoảng 180 HS, chia làm 4 lớp (giảm 20 HS so với năm ngoái). Theo danh sách mà trường vừa công bố, có tổng cộng 933 HS đủ điều kiện dự xét tuyển. Cụ thể, HS phải đạt điểm kiểm tra định kỳ cuối năm ở mức tuyệt đối (10 điểm) với hầu hết môn. Vòng 2 là kiểm tra, đánh giá năng lực, HS làm 3 bài: Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh vào ngày 24/7.

Để có được suất học ở các trường hot này, nhiều HS phải chịu áp lực suốt 5 năm tiểu học, thậm chí nhiều em phải vào lò luyện từ lớp 2, lớp 3. Chị Mỹ Lê (Đống Đa) cho biết: “Tôi đã cho con ôn luyện 3 môn thi từ rất sớm, bình thường con học thêm khoảng 4 buổi/tuần tại các trung tâm, nhưng 2 tháng trở lại đây lịch ôn luyện con kín cả tuần. Chưa hôm nào con đi học về trước 9h tối…”. Còn anh Nguyễn Thành Nam (Hai Bà Trưng) cho biết, con anh thi vào Trường THCS Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội) - trường có “tỉ lệ chọi” 1/20, cao nhất nhì của thành phố nên anh cũng cho con ôn luyện từ hồi lớp 3. Để đăng ký được vào lớp học ôn luyện của thầy giáo “có tiếng”, con anh Nam phải qua một kỳ kiểm tra đánh giá năng lực, nếu không đạt sẽ bị loại. Trong quá trình học, con phải nỗ lực không ngừng để trụ ở lớp A0 và bị chuyển xuống lớp dưới. Chính vì vậy, con luôn bị căng thẳng...

Chị Nguyễn Thị Mai (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Mặc dù con đang học lớp 6, nhưng chị vẫn còn nhớ như in cảm giác căng thẳng tột độ khi con tham gia vào cuộc đua năm ngoái. Sau bao cố gắng, nỗ lực cả hai mẹ con thì học bạ vẫn bị “dính” điểm 9 môn Tiếng Anh lớp 4. Đúng là thi vào lớp 6 trường Amsterdam còn khó hơn cả thi đại học…”

Cuộc đua vào lớp 6 khiến cho cả học sinh và phụ huynh chịu áp lực lớn.

Chấp nhận “sức nóng” để đảm bảo công bằng

Những năm học trước, việc bị cấm tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức thi tuyển khiến cho các trường “hot” gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh và buộc phải xét tuyển dựa trên các tiêu chí đánh giá dựa vào hồ sơ, học bạ, thậm chí dùng đến tiêu chí phụ là các giải phưởng. Tuy nhiên, thực hiện tuyển sinh theo phương thức này đã không được phụ huynh và chuyên gia giáo dục ủng hộ bởi nó có thể nảy sinh tiêu cực trong việc “mua giải”, “chạy” học bạ đẹp... Trước những bất cập trên, năm học 2019-2020, Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường THCS có số lượng hồ sơ nộp vào trường lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh có thể lựa chọn phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, bài thi kiểm tra đánh giá năng lực không yêu cầu học sinh phải nhớ hay học thuộc lòng kiến thức một cách máy móc mà chỉ cần kiến thức phổ thông ở cấp Tiểu học. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng về vấn đề này.

Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý giáo dục, cần chấp nhận “sức nóng" của cuộc thi này để có chất lượng thật. Bởi nếu chỉ xét học bạ thì không thể phản ánh đầy đủ năng lực thực sự của HS. Nhiều ý kiến đề xuất, nên bỏ giới hạn điểm sơ tuyển để giảm bớt sự căng thẳng về điểm số không cần thiết trong suốt 5 năm tiểu học cho HS. Quy định cứng nhắc này sẽ góp phần tạo tiêu cực xã hội bởi tình trạng học bạ đẹp toàn điểm 10. Nên để HS tham gia kỳ thi rồi sàng lọc sẽ đảm bảo công bằng, khách quan nhất…/.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận