Cuộc đua trường chuyên khốc liệt, vì sao?

Việc duy trì mô hình trường chuyên như hiện nay, cùng với tâm lý giành suất vào chuyên bằng mọi giá, đã khiến cho học sinh phải trải qua một kỳ thi khốc liệt.

 

“Sính” chuyên đẩy tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng?

Có thể thấy, nhiều phụ huynh tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang có tâm lý “sính trường chuyên, lớp chọn”. Điều này dẫn đến một số trường hot tỷ lệ chọi năm nào cũng cao, đặc biệt tỉ lệ chọi lên đến 1/30 là con số quá khủng khiếp.

Hà Nội có 4 trường chuyên hoặc trường có lớp chuyên, trực thuộc Sở GD-ĐT, gồm: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Chu Văn An, THPT chuyên Nguyễn Huệ và THPT Sơn Tây. So với chỉ tiêu xét tuyển, tỷ lệ chọi cao nhất thuộc về THPT Chu Văn An (1/6,9); THPT chuyên Nguyễn Huệ (1/4,9); THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (1/3,9); THPT Sơn Tây (1/2,5). Học sinh (HS) muốn đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT có dạy hệ chuyên phải đảm bảo các điều kiện: xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp THCS từ khá trở lên; xếp loại tốt nghiệp THCS từ khá trở lên. Phương thức tuyển sinh vào trường chuyên gồm 2 vòng: vòng 1, tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển; vòng 2, tổ chức thi tuyển đối với những HS đã qua sơ tuyển ở vòng 1.

Ngoài các trường chuyên của Sở, học sinh Hà Nội còn có cơ hội học 4 trường THPT chuyên của các trường đại học. Các trường chuyên này được tuyển sinh trong toàn quốc nên HS dự tuyển rất đông, do vậy, tỷ lệ chọi và mức độ cạnh tranh còn khốc liệt hơn những trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội. Năm nay lớp tiếng Anh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm có tỷ lệ chọi cao nhất Hà Nội với mức 1/29, tức là một HS phải cạnh tranh với 29 bạn khác để giành một suất vào trường. Kế đó là lớp chuyên Hóa và chuyên Ngữ văn với tỷ lệ khoảng 1/19. Tỷ lệ chọi tại THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ) cũng rất cao: lớp chuyên tiếng Pháp là 1/10, lớp tiếng Hàn là 1/11. Còn tại THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), các lớp chuyên Hóa, Toán có tỷ lệ chọi cao nhất: 1/8…

Còn với các trường chuyên, trường có lớp chuyên tại TPHCM, tỷ lệ chọi tuyển sinh vào lớp 10 nhìn chung bớt căng thẳng hơn. Theo số liệu ban đầu về việc HS đăng ký nguyện vọng lớp 10 năm học 2020 - 2021, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có tỷ lệ “chọi” xấp xỉ 1/5,64; THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Gia Định... tỷ lệ “chọi” từ 2,32 đến 3,26.

         Đặt mục tiêu cho con thi vào lớp 10 chuyên Văn trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam , chị Nguyễn Lệ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Con đã luyện thi từ lớp 8 nhưng  đợt dịch vừa rồi khiến việc ôn thi của con bị gián đoạn. Vì điều này mà tôi khá căng thẳng. Lịch học của con kín tuần, kể cả ngày nghỉ. Ngoài việc đến các trung tâm luyện thi ở giai đoạn nước rút này, tôi còn thuê gia sư kèm riêng cho con  với học phí 700.000/buổi học. Con vất vả, áp lực, còn mình cũng lo lắng không kém. Tôi không muốn đặt quá nhiều áp lực lên con nhưng nếu không thì cháu sẽ không có động lực để cố gắng, vì đây là kỳ thi quyết định rất nhiều đến tương lai của con sau này!”.

Cách phát hiện, tuyển chọn học sinh của các trường chuyên cần thay đổi.

Cần thay đổi cách phát hiện, tuyển chọn đầu vào

Một phụ huynh ở TP.HCM chia sẻ: Mô hình trường chuyên có thể thay đổi, để lựa chọn tinh hơn, không nên đại trà nữa. Thực tế, nhiều trường công đang có sức ì quá lớn, trong khi nhiều trường tư đang trỗi dậy phát triển mạnh mẽ. Một mô hình chuyên kéo dài mấy chục năm rồi, thì cũng nên nghĩ đến cải tiến, để HS thành công hơn nữa, đóng góp cho xã hội nhiều hơn nữa.

Theo TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Edlab Asia, cách thức phát hiện năng khiếu ở nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào thi cử. Như vậy, em nào trượt rồi thì sẽ rất khó chen ngang để trở thành HS chuyên trong các năm sau (trừ khi đợi đến đợt chuyển cấp và thi lại). Tất nhiên là thế giới cũng có nơi áp dụng mô hình này, nhưng họ cũng có mô hình khác nữa. Trong khi đó, thậm chí có thể nói, mô hình nuôi dưỡng năng khiếu đối với HS sau khi hết bậc phổ thông ở nước ta còn có những điểm phi khoa học, vô lý, tiềm ẩn nguy cơ tác động ngược. Cụ thể, công tác thông tin nghề nghiệp, học tập ở bậc cao hơn hiện chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, chính sách tuyển thẳng cho phép HS đạt giải quốc gia (chủ yếu là HS trường chuyên) có thể đăng ký nhập học bất kỳ chương trình nào ở bậc đại học. Đây là điều phi khoa học và dẫn đến việc nhiều HS chọn vào trường chuyên, thi HS giỏi không phải là để phát huy năng khiếu của mình mà chỉ để tuyển thẳng đại học. Điều đó thực sự nguy hiểm cho bản thân HS cũng như hệ thống đào tạo chuyên.

“Hệ thống trường chuyên ở nước ta hiện nay đang đứng trước bối cảnh rất mới. Từ ngoài vào thì đó là xu thế toàn cầu hóa, sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc chiến thu hút nhân tài giữa các nước. Từ trong ra thì đó là những yêu cầu mới của nền kinh tế - xã hội, sự xuất hiện ngày càng nhiều của hệ thống trường tư chất lượng cao/trường quốc tế, xu hướng gửi con đi du học ngay ở bậc phổ thông. ... Trong khi đó, cách đào tạo chuyên ở nước ta hầu như không thay đổi lớn trong hàng chục năm. Do đó, đã đến lúc cách làm này cần có những điều chỉnh nhất định...”- TS Phạm Hiệp nhấn mạnh.

Trước nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mô hình trường THPT chuyên, tại buổi họp báo chiều ngày 30/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức lên tiếng về vấn đề này. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT:  Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương báo cáo và tập hợp về bộ, qua đó sẽ đánh giá căn bản quá trình phát triển trường chuyên trong các giai đoạn khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau để xác định đến giờ, mô hình này đã đạt được những gì, cái gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. Từ đó, bộ sẽ có hướng đi phù hợp với trường chuyên trong thời gian tiếp theo. Bộ cũng đã giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu bài bản về mô hình này để có đánh giá khoa học./.

 

“Tôi không thích mô hình trường chuyên hiện tại, mà rất thích mô hình một số trường gifted (trường chuyên) của Mỹ . Trong đó, HS gifted hay không gifted đều học chung chương trình phổ thông (để tất cả có thể phát triển toàn diện). Còn HS nào gifted thì mỗi tuần học thêm 2 buổi riêng, tha hồ sáng tạo với các bài toán nâng cao, nhưng không có áp lực gì cả, chẳng có vấn nạn “chạy trường” làm khổ phụ huynh hay HS...”- TS Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học (ĐH Bách Khoa TP.HCM).

“Giờ đây đất nước đã đến một giai đoạn phát triển khác. Vì vậy, theo tôi cần xem xét lại hệ thống trường chuyên, không nên tổ chức mô hình như hiện nay.Thay vào đó, cần tạo điều kiện để các trường đều có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đồng đều. Chuyện tập trung đào tạo “thợ đi thi quốc tế” đã không còn hợp thời và các nước phát triển cũng không làm như vậy. Nếu vẫn giữ mô hình trường chuyên, cần thay đổi trong việc tuyển chọn HS. Cụ thể, ngoài ưu tiên môn chuyên, cần có một tỷ trọng xứng đáng trong đánh giá khả năng ở các môn, lĩnh vực khác để đảm bảo giáo dục toàn diện...”, GS Nguyễn Minh Thuyết.

“Bao nhiêu năm cải cách, loanh quanh vẫn gò bó trong khái niệm trường chuyên lớp chọn. Đối với nhiều bố mẹ, con phải học trường chuyên, lớp chọn, đỗ đại học trường nọ trường kia mới là thành công. Bao giờ thay đổi được suy nghĩ đó thì các con mới đỡ khổ vì phải ôn thi, luyện thi. Bao giờ các con cảm thấy yêu thích việc học, học đem lại cho các con hạnh phúc, mang cho các con kiến thức bổ ích về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Từ việc học, các con lựa chọn được ngành nghề mình đam mê và sống được bằng ngành nghề thì lúc đó giáo dục mới có ý nghĩa và thành công. Mỗi HS có một năng lực nhất định, thông qua các hoạt động mới phát hiện và bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các em phát triển chứ không phải bằng mọi giá chạy đua vào trường chuyên lớp chọn...”, Chị Hải Yến, một phụ huynh ở Hà Nội.


 

i.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận