Thí sinh cần chuẩn bị tốt tâm lý, sức khỏe...
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội), cho biết, do đặc thù năm nay học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19 nên thời gian thi vào lớp 10 chậm hơn năm trước và đặc biệt thay vì 4 môn, năm nay chỉ có 3 môn, bỏ môn tự chọn. Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi môn ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút. Một điểm đáng chú ý nữa là đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS...
Đồng hành với con trong kỳ thi có tính ganh đua khốc liệt này, chị Nguyễn Thu Hà (quận Ba Đình) cho biết: "Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nên các con bị gián đoạn việc học trong thời gian khá dài, tuy có học online nhưng không hiệu quả nhiều. Từ khi trở lại trường học cùng với việc hoàn thành chương trình ở trường thì việc luyện thi ở các trung tâm chiếm hầu hết các tối trong tuần của con nên khá vất vả, căng thẳng. Mấy tuần nay hôm nào con cũng thức tới 2-3h sáng để ôn bài và chỉ ngủ được 3 tiếng lại dậy học tiếp…”. Em Nguyễn Hoa, THCS Phan Chu Trinh (quận Đống Đa) bày tỏ: “Mặc dù ôn luyện khá nhiều nhưng đề Ngữ văn khi kiểm tra thi thử khó hơn so với sức học của em nên em rất lo lắng. Với nguyện vọng 1 là Trường THPT Phan Đình Phùng - một trong những trường có tỉ lệ chọi cao, em sẽ cố gắng làm bài thi thật tốt để không phải dùng đến nguyện vọng 2. Năm nay, môn Toán thi vào ngày thứ hai nên cũng giảm áp lực cho HS, chứ không phải thi 2 môn quan trọng trong 1 ngày như những năm trước…”.
Chia sẻ với thí sinh về việc chuẩn bị cho kỳ thi, theo các chuyên gia cho rằng, để hoàn thành tốt kỳ thi diễn ra trong nhiều ngày, thí sinh không chỉ cần trang bị kiến thức tốt mà còn cần chuẩn bị cả về sức khỏe, tâm lý. Bước vào phòng thi, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là tâm lý, thậm chí quyết định tới 50% thành công của bài thi. Tất cả hội đồng thi sẽ hỗ trợ thí sinh tối đa, nhưng TS cần lưu ý phải có mặt sớm ở hội đồng thi, vì sau khi phát đề thí sinh sẽ không được vào dự thi. Do vậy, tối trước ngày thi, các em nên dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ sớm để hôm sau có tinh thần thoải mái, làm bài thi tốt.
Những cái “bẫy” cần tránh
Yếu tố đặc biệt quan trọng còn ở việc nắm vững quy chế, tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra. Trải qua mỗi một môn thi, TS thường dành nhiều thời gian để trao đổi về môn thi cũ, dẫn đến tâm lý không tốt cho việc làm bài môn thi tiếp theo. Do đó, làm bài môn thi nào xong, TS nên quên bài môn thi đó và tập trung cho môn thi tiếp theo. Khi làm bài thi, thí sinh nên làm thật kỹ lưỡng.
Thầy Ngân Kỳ, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đưa ra một số lời khuyên: “Khi nhận được đề thi, thường các em rất hồi hộp, lo lắng. Để đẩy nhanh cảm xúc tiêu cực đó và thay bằng một cảm xúc tích cực, phấn chấn và tự tin, các con hãy chọn câu dễ nhất để làm. Chú ý nguyên tắc làm bài “Bảo toàn điểm số bài dễ trước, chinh phục bài khó sau”. Tinh thần “Tìm kiếm từng 0,25điểm”, bởi việc đỗ và trượt chỉ cách nhau đúng 0,25 điểm. Vì vậy, việc tìm kiếm từng điểm nhỏ là rất ý nghĩa. Mỗi bài toán sẽ được quy ra các ý, mỗi ý đúng đạt 0,25điểm, vì vậy hãy cố gắng phân tích từng chi tiết của bài toán, cho dù không giải được hết và hãy trình bày suy nghĩ và lập luận của mình”.
Bên cạnh đó, thầy Ngân Kỳ lưu ý một số sai lầm TS hay mắc thường rơi vào hai bài: Rút gọn biểu thức và các câu hỏi phụ, bài phương trình bậc hai và hệ thức Vi-et. “Đối với bài toán rút gọn và trả lời các câu hỏi phụ, khi kết luận các em cần xem xét kỹ điều kiện của đề bài, xem xét kỹ yêu cầu của bài toán, đối với câu phương trình bậc hai và hệ thức Vi-et là câu hỏi bắt đầu mang tính phân loại ở mức độ điểm 8+, nên các em cũng cần đầu tư suy nghĩ thật kỹ, tránh bị thiếu trường hợp, điều kiện không chặt chẽ với yêu cầu bái toán... Đối với bài Hình, chỉ nên bắt đầu chứng minh hình khi đã hiểu và thuộc đề. Một bài hình học trong đề thi thường có 3 ý theo thứ tự từ dễ đến khó và thường liên quan đến nhau, ý trước rất có thể là tiền đề để làm ý sau, vì vậy khi gặp vướng mắc, hãy quay lại xem các ý trước đã chứng minh được gì và khai thác để sử dụng... Chúc các em có một mùa thi với phong độ tốt nhất!”- Thầy Kỳ căn dặn.
Còn với môn tiếng Anh, thầy giáo tiếng Anh Nguyễn Trung Nguyên (Hệ thống giáo dục Hocmai) bật mí bí quyết tránh sai sót đáng tiếc để đạt điểm cao. Cụ thể, đề thi tiếng Anh đôi khi sẽ có những chỗ “bẫy” mà TS cần lưu ý, tất nhiên để tránh những bẫy này, học sinh phải nắm chắc kiến thức và làm nhiều để có kinh nghiệm. Ví dụ: Trong câu hỏi về thì động từ, người ra đề rất hay “bẫy” vào dạng thì hiện tại hoàn thành và quá khứ đơn. Bên cạnh đó, học sinh thường mắc các lỗi như hiểu sai yêu cầu của đề bài, bỏ sót câu hỏi (không tô đáp án), dùng bút bi tô đáp án trắc nghiệm... “Khi vào phòng thi, nhiều học sinh nhận đề và làm luôn mà không dành ra 1-2 phút để xem kỹ đề, phân bổ thời gian hợp lý dẫn đến việc bị thiếu thời gian…”- thầy Nguyên lưu ý.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay diễn ra vào ngày 17 và 18/7 toàn TP có 172 điểm thi với 88.928 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi. Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã huy động 12.000 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi và giám sát phòng thi. Ngoài ra, còn có khoảng 1.700 nhân viên phục vụ tại các điểm thi...
Nếu HS có nguyện vọng dự thi vào lớp 10 chuyên, ngoài việc dự thi các môn nói trên thì phải dự thi thêm các bài thi môn chuyên vào chiều 18/7 và sáng 19/7.
|
.