Sau khi hơn 870.000 thí sinh kết thúc môn thi cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT vào chiều 10/8, các địa phương bắt đầu làm phách và tổ chức chấm thi nghiêm ngặt, đảm bảo tính minh bạch, an toàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng gian lận thi cử.
Thời điểm công bố
Theo hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT, ngày 27/8, tất cả địa phương sẽ công bố kết quả thi. Bộ cũng lưu ý các tỉnh không công bố trước thời điểm này.
Việc hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ chậm nhất ngày 30/8. Các Sở GD&ĐT cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh chậm nhất ngày 4/9. Sau khi có kết quả thi, Bộ sẽ công bố phổ điểm. Còn lại, các Sở GD&ĐT, nhà trường sẽ công bố việc đối sánh giữa điểm thi và điểm ghi trong học bạ của học sinh.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, các địa phương chuẩn bị xong địa điểm lưu trữ toàn bộ bài thi. Địa điểm làm phách được yêu cầu cách ly và nơi địa điểm chấm thi tự luận (môn Ngữ văn) đảm bảo tổ chức 2 vòng chấm thi độc lập.
Về các môn thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT chuyển phần mềm chấm thi, các thiết bị máy quét, máy tính cho các đơn vị. Các đơn vị sẽ rà soát điều kiện để đảm bảo khi vận hành không xảy ra trục trặc. Bộ GD&ĐT luôn có bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương khi cần thiết.
Năm nay Bộ GD&ĐT nâng cấp phần mềm, thêm tính năng hỗ trợ phát hiện và sửa lỗi. Đây là bước bắt buộc trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm trước khi chấm bằng máy.
Công tác chấm thi trắc nghiệm kế thừa hiệu quả của năm ngoái, sẽ quét theo từng túi bài thi. Mỗi túi bài thi có tối đa 24 bài được quét. Ngay sau khi bài thi được quét xong sẽ niêm phong lại ngay. Trong toàn bộ quá trình có sự chứng kiến của thanh tra. Việc bảo vệ an ninh an toàn còn có lực lượng an ninh bên ngoài.
Về quản lý, ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ GD&ĐT yêu cầu các hội đồng thi ngay trong ngày 10/8 sau khi thi xong phải cập nhật lên hệ thống quản lý thi tình trạng vắng thi của thí sinh. Việc này liên quan đến việc thống kê điểm.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, việc chấm thi năm nay sẽ thực hiện theo đúng tiến độ, không vì dịch COVID-19 mà bị ảnh hưởng. Đáp án chính thức các môn thi sẽ được Bộ công bố theo tiến độ chấm thi để phòng ngừa gian lận, chứ không công bố ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng như vài năm trước.
Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ công bố phổ điểm các môn và điểm thi sau khi thực hiện đối sánh với kết quả điểm học bạ của thí sinh. Việc công bố điểm thi sẽ thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của thí sinh.
Hà Nội chấm xong trước 26/8
Riêng Hà Nội, Sở GD&ĐT cho biết, tính đến hết ngày 11/8, toàn bộ bài thi của gần 79.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã được 143 điểm thi bàn giao về điểm tập trung an toàn, bảo mật, có sự giám sát của lực lượng công an. Ban làm phách bắt đầu thực hiện làm phách đối với tất cả các bài thi.
Nếu như ở kỳ thi năm trước, các Sở GD&ĐT chỉ có nhiệm vụ chủ trì tổ chức chấm các bài thi tự luận, còn việc chấm các bài thi trắc nghiệm của địa phương do các trường đại học đảm nhận, thì năm nay, các Sở này chịu trách nhiệm chấm toàn bộ bài thi của thí sinh dự thi tại địa phương.
Để đảm bảo tính an toàn, minh bạch, Sở GD&ĐT Hà Nội điều động hơn 500 giáo viên giỏi của các trường trung học phổ thông trên địa bàn thực hiện chấm thi. Khu vực chấm thi của thành phố được kiểm tra và bảo đảm các điều kiện an ninh, an toàn, có đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24h/ngày.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu ban chấm thi duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, cán bộ chấm thi phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt hằng ngày. Ngoài 18 thanh tra của Sở tham gia giám sát quy trình chấm thi, tại khu vực chấm thi có 5 cán bộ thanh tra Bộ GD&ĐT.
Theo kế hoạch, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ hoàn thành công tác chấm thi chậm nhất vào ngày 26/8.
HÀ CƯỜNG/VTC.VN