Đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Đảm bảo mục tiêu kép

'Việc chấm thi, đảm bảo nghiêm túc, trung thực, công bằng... và cung cấp dữ liệu chính xác cho tuyển sinh đại học'- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT  Nguyễn Hữu Độ nói.

 

Đề thi phân loại tốt, trường đại học dễ tuyển sinh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong hoàn cảnh khá đặc biệt, cả nước phải căng mình để đối phó với dịch Covid-19. Tại các điểm thi đều có sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng như dân quân, công an, không chỉ làm tốt công tác bảo vệ để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả, các đồng chí còn tích cực tham gia “tiếp sức mùa thi”, kịp thời hỗ trợ các thí sinh (TS) gặp khó khăn.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: Thứ nhất, kỳ thi tốt nghiệp 2020 có thể nói là một kỳ thi đặc biệt trong một năm học đặc biệt. Tại kỳ thi này, công tác phòng chống dịch được các địa phương rất chú trọng. Qua kiểm tra cho thấy nhiều địa phương còn có cách làm rất quyết liệt, kĩ lưỡng. Thứ hai, an ninh an toàn trật tự trường thi được bảo đảm, không lộn xộn, không có hiện tượng học sinh sử dụng phao thi. Mặc dù điều kiện kỳ thi diễn ra trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng trật tự, an ninh trường thi được giữ vững. Năm nay, số lượng TS bị đình chỉ giảm rõ rệt, cả nước có 38 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi (năm ngoái có 71 TS bị đình chỉ). Thứ ba, đề thi cũng vừa sức các em theo đúng định hướng của Bộ GD-ĐT bám sát đề tham khảo đã công bố trước đó. Đề thi được đánh giá vừa sức nhưng đồng thời có độ phân hóa phù hợp.

Đề thi không quá khó và có tính phân loại là nhận định của nhiều TS dự thi bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội ( Lịch sử, Địa lý và Giáo dục Công dân). Đề thi được đánh giá không lắt léo, có khả năng phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Đánh giá về các môn thi của tổ hợp Khoa học xã hội, các thầy cô thuộc hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng, các đề thi có 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo. 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Ở đề Khoa học tự nhiên các thầy cô Tuyensinh247.com nhận định, thí sinh dễ đạt mức 7 - 7,5 điểm.

Thầy Đoàn Trí Dũng (Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trí Anh, Hà Nội) cũng cho rằng: “Đề Toán năm nay có độ khó tương đương với đề thi 2019. Sẽ không có “mưa” điểm 9 như nhiều thầy cô nghĩ, và tất nhiên không có chuyện đề dễ như nhiều người tưởng. Đề có rất nhiều câu thử thách TS không chỉ có tư duy giải toán trắc nghiệm mà phải nắm vững tự luận mới không mắc sai lầm. Độ khó các câu vận dụng cao đủ để không có “mưa” điểm 10. Do đó, đề Toán năm nay đảm bảo đủ khả năng xét tuyển cho các trường mà không quá nặng trong 1 năm Covid-19. Hy vọng đề thi Toán đợt 2 cũng có độ khó tương đương để đảm bảo công bằng cho các TS...”.

Thanh tra Bộ “cắm chốt” tại các điểm chấm thi

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chấm thi tại địa phương.

Để khắc phục những sự cố nếu có của việc chấm thi bằng máy, theo ông Mai Văn Trinh, ngay sau khi thi xong, từ ngày 11/8, các đơn vị tiến hành tổng rà soát điều kiện để đảm bảo khi vận hành không xảy ra trục trặc. Về phía Bộ GD-ĐT luôn có bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.

Năm nay, quá trình chấm thi trắc nghiệm kế thừa hiệu quả của năm ngoái, sẽ quét theo từng túi bài thi. Với túi bài thi có tối đa 24 bài thi sẽ được quét. Như vậy, thời gian phát hiện bài thi này ở thời gian thực rất ngắn. Ngay sau đó các bài thi được quét xong sẽ niêm phong lại ngay. Trong toàn bộ quá trình có sự chứng kiến của thanh tra. Việc bảo vệ an ninh an toàn còn có lực lượng an ninh bên ngoài.

Một trong những nâng cấp của phần mềm năm nay là hỗ trợ việc phát hiện và sửa lỗi. Đây là bước bắt buộc trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm trước khi chấm bằng máy.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay không có sự tham gia của cán bộ trường đại học vào công tác chấm thi. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát năm nay vẫn được tiến hành với sự có mặt, “cắm chốt” của thanh tra của Bộ tại các điểm chấm thi. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 cho biết: Bộ GD-ĐT đã thống nhất giao về cho địa phương tổ chức thành ban chấm thi trắc nghiệm và tự luận. Đối với ban chấm thi tự luận, bảo đảm mỗi một bài thi phải được hai cán bộ chấm thi ở hai tổ chấm khác nhau. Khi thiết kế ban chấm thi, cần thành lập các tổ chấm thi và các tổ chấm độc lập. Theo đó, thực hiện chấm kiểm tra 5% số lượng bài thi chấm tự luận đã được cán bộ chấm thi chấm xong lần chấm thứ nhất hoặc lần chấm thứ hai theo tiến độ chấm thi và theo chỉ đạo của Trưởng ban chấm thi tự luận.

Đối với chấm trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT yêu cầu ban hành tiêu chuẩn về các thiết bị rất rõ ràng. Cụ thể về giấy, phần mềm máy tính chấm trắc nghiệm... Đồng thời, yêu cầu tất cả các điểm chấm thi trắc nghiệm là phải chấm thử một số bài, thấy bảo đảm an toàn rồi mới chấm chính thức, tránh để những trường hợp bất thường có thể xảy ra... Ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã dự khai mạc chấm thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Nam Định./.

   Box:Đến thời điểm này, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã đáp ứng được mục tiêu kép vừa đảm bảo chống dịch, đồng thời đáp ứng được yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, khách quan, công bằng...”-  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận