Bỏ hình thức đuổi học, qua rồi thời giáo dục đòn roi

Bỏ hình thức cảnh cáo trước toàn trường và đuổi học 1 năm, chỉ áp dụng hình phạt nặng nhất là tạm đình chỉ học tập tối đa là 2 tuần với các vi phạm nghiêm trọng

 

Đó là những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Thông tư do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân. Vì sao có những đề xuất này?

“Ai cũng có quyền đến trường, ai cũng có quyền đi học. Vì vậy, đình chỉ học tức là mình sẽ tước đi quyền được học tập của các em”. “Nếu đuổi học thì giống như trốn tránh trách nhiệm của nhà trường”. “Ở nhà khoảng 2 tuần ấy thì thời gian đấy đủ để cho các bạn suy nghĩ về hành vi của mình”.

Đó là những ý kiến của phụ huynh, của học sinh về một trong những nội dung mới tại dự thảo sửa đổi Thông tư 08 do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo về khen thưởng, kỷ luật học sinh.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, khi học sinh vi phạm kỷ luật ở mức rất nặng, dự thảo Thông tư cũng bỏ hình thức đuổi học 1 năm, thay vào đó là tạm dừng học tập trên lớp dưới 2 tuần.

Theo Luật Giáo dục năm 2016, học sinh nghỉ học quá 45 ngày/năm sẽ không được lên lớp. Nếu đuổi học quá dài sẽ vi phạm vào số ngày nghỉ trong quy chế học tập của trường phổ thông và các em sẽ không có đủ điều kiện để lên lớp. Ông Linh phân tích: “Sau khi có quyết định kỷ luật của Hiệu trưởng đối với học sinh vi phạm, Hiệu trưởng cũng phê duyệt kế hoạch giáo dục riêng trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật và học sinh sẽ được đến trường dưới sự giám sát của phụ huynh, của giáo viên chủ nhiệm, của nhà trường để thực hiện một số biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực”.

Trước băn khoăn về việc giảm nhẹ hình thức xử lý với học sinh vi phạm kỷ luật có thể khiến biện pháp giáo dục giảm hiệu quả, thấy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, việc kỷ luật học sinh trước toàn trường và đuổi học 1 năm không những không phù hợp trong thời điểm hiện nay, mà còn phản tác dụng.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, nhà trường phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của những hành vi vi phạm để có biện pháp giáo dục thích hợp, giúp học sinh tiến bộ. Đó là vai trò của bộ phận tư vấn tâm lý học đường trong các trường THCS, THPT: “Đi sâu vào hoàn cảnh phạm lỗi, rồi nội tâm của đứa trẻ trước khi phạm lỗi và sau khi phạm lỗi. Điều đó rất quan trọng, bởi vì đó là gốc của vấn đề. Biết được gốc của vấn đề thì ắt là có cách giải quyết hiệu quả để vấn đề được triệt để hay nói cách khác là để học sinh tiến bộ một cách bền vững”.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cũng cho rằng, với các hình thức vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như: đánh bạn có tổ chức hoặc có sử dụng hung khí thì nhà trường phải có hình thức xử lý phù hợp, có thể kéo dài thời gian kỷ luật: “Đình chỉ một thời gian nữa thì cũng là hình thức kéo dài thời gian kỷ luật và cũng là hình thức để các em có thời gian suy ngẫm lại. Thứ 2 nữa là có điều kiện để cùng với gia đình, nhà trường giáo dục, giúp đỡ các em tiến bộ và có thể thay đổi”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, “đuổi học” khi học sinh vi phạm kỷ luật là “từ chối giáo dục” và vi phạm quyền được học tập của trẻ em.

Tuy nhiên, việc tạm dừng học tập trên lớp là cần thiết vì sau khi học sinh vi phạm khuyết điểm, các em cần một khoảng thời gian nhất định, đủ tĩnh để suy ngẫm, cảm nhận về hành vi của mình cũng như những hệ lụy sau đó, từ đó cần chủ động đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả: “Mục đích của giáo dục không phải là ngăn chặn hành vi đấy, mà phải làm cho nó thay đổi, mà thay đổi ở đây là từ trong nhận thức, cho đến hành vi, thái độ và phải có niềm tin, phải có được những giá trị đúng. Muốn giải quyết được như thế thì giáo viên phải biết tại sao học sinh lại làm như thế, anh phải biết tại sao và giải quyết được vấn đề “tại sao” đấy. Cho nên kỷ luật ở đây là giáo dục tính kỷ luật”.

Các ý kiến cũng cho rằng, việc loại bỏ các hình thức xử phạt mang tính xúc phạm danh dự học sinh là đúng.

Ngoài ra, việc tạm dừng học tập trên lớp dưới 2 tuần là cần thiết mà vẫn đảm bảo quyền học tập của học sinh, bởi lẽ, nhà trường không phải là cơ quan hành pháp, chỉ coi trọng các hình phạt nghiêm khắc để răn đe học sinh mà nhà trường phải giáo dục để thay đổi tích cực được học sinh của mình.

Việc kỷ luật học sinh là cần thiết để các em nhận ra sai lầm, sửa chữa và tiến bộ. Nhưng để có được điều đó, không thể và không nên dựa vào những hình phạt nghiêm khắc, mà quan trọng hơn, đó là việc tìm ra nguyên nhân căn bản của những vi phạm để có biện pháp giáo dục kịp thời, giúp các em tiến bộ.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: Qua thời “yêu cho roi cho vọt"

Trong cuộc đời học sinh, chúng ta vẫn bắt gặp những trường hợp vì một lỗi nào đó mà bạn mình bị đuổi học. Phần lớn, lỗi lầm đó xuất phát từ sự nghịch ngợm, bồng bột của lứa tuổi học trò. Thời học cấp 2, tôi cũng có người bạn bị ghi vào học bạ, đuổi học vì tội đốt pháo trong trường.

Sau khi bị đuổi học, bạn đó nghỉ hẳn. Sau này, mỗi lần gặp lại, người bạn đó luôn tự ti vì việc bị đuổi học thời tuổi trẻ.

Một thời gian dài áp dụng, Thông tư 08 ban hành năm 1988 đề ra 5 mức kỷ luật học sinh, gồm: khiển trách trước lớp, khiển trách trước Hội đồng kỷ luật nhà trường, khiển trách trước toàn trường, đuổi học 1 tuần lễ và đuổi học 1 năm.

Chỉ cần bị phê bình trước toàn trường, rất nhiều học sinh đã tự ti, mặc cảm, dẫn đến quyết định bỏ học, chưa nói tới quyết định đuổi học 1 năm, hầu hết đều coi như dấu chấm hết con đường học vấn của mỗi con người.

Có bao nhiều người, bao nhiêu số phận bị thay đổi theo hướng tiêu cực bởi quyết định đuổi học? Rất khó thống kê con số này, nhưng chắc chắn không phải là ít.

Cách đây 2 năm, dư luận xôn xao trước câu chuyện 8 học sinh lớp 10 ở Thanh Hoá nói xấu giáo viên, nhà trường trên mạng xã hội đối diện mức án nặng với 7 em bị đuổi học từ 1 tuần đến cả năm học. Phải đến khi có sự can thiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, mức kỷ luật này mới hạ xuống, nhưng vẫn có 3 học sinh bị đuổi học 1 tuần.

Sau sự việc này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đuổi học trò ra khỏi vòng tay người thầy, nhà trường là cách nhanh nhất để chối bỏ trách nhiệm của nghiệp trồng người. Bởi mục đích của giáo dục là giúp học trò hoàn thiện bản thân. Nếu học sinh làm sai là bị đuổi thì chẳng khác nào từ chối trách nhiệm giáo dục của nhà trường.

Tôi rất ấn tượng với chia sẻ của thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội rằng, gần 50 năm làm trong ngành giáo dục, từ giáo viên cho đến khi làm hiệu trưởng, thầy chưa bao giờ phải ký văn bản đuổi học học sinh.

Ngay mới đây, trường Marie Curie cũng xảy ra câu chuyện xúc phạm giáo viên trên mạng xã hội. Nhiều thầy cô bức xúc muốn thành lập hội đồng kỷ luật với sự có mặt của Ban giám hiệu, của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh. Thầy Khang ví như nhà trường đã chuẩn bị cả thủy, lục, không quân để tấn công 1 em học sinh.

Do vậy, thay vì phản ứng và ra quyết định đuổi học như câu chuyện ở Thanh Hoá, thầy Khang đã quyết định không có cuộc họp nào cả. Chỉ sau 1 tuần lễ, học sinh vi phạm nội quy đã gặp cô giáo, khóc và xin lỗi.

Nhắc đến câu chuyện này để thấy rằng, việc Bộ Giáo dục thu gọn các hình thức xử phạt tại Thông tư 08 sửa đổi xuống còn 3 hình thức: Khiển trách, Cảnh cáo và tạm dừng học tập trên lớp tối đa 2 tuần để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm là cần thiết. Bởi nhà trường khác với cơ quan hành chính, lấy hình phạt làm công cụ răn đe.

Nhà trường phải là nơi giáo dục để học trò tiến bộ. 32 năm kể từ khi Thông tư 08 được ban hành, thực tế cuộc sống đã có nhiều thay đổi, xu hướng giáo dục không trừng phạt đã xuất hiện và lan tỏa.

Xu hướng này cần sớm được ban hành thành văn bản quy phạm chính thức, để những người làm giáo dục dễ dàng tiếp cận và thực thi, qua đó khơi gợi và phát huy niềm thiện trong mỗi con người, nhất là từ lứa tuổi học sinh.

Bởi thế, dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định đuổi học 1 năm và các hình thức kỷ luật mang tính “bêu” học sinh, nếu được thực thi, chắc chắn nhận được sự đồng tình của chính thầy cô, phụ huynh và các em vì đó là giáo dục nhân văn, vì con người, chứ không phải “yêu cho roi, cho vọt”./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận