Tuyển sinh ồ ạt bằng mọi giá
Nhắn tin đến từng học sinh mời chào nhập học, gửi giấy trúng tuyển hàng loạt sau khi xét học bạ THPT là những cách tuyển sinh của một số trường đại học (ĐH) ngoài công lập hiện nay. Nhiều trường còn áp dụng tặng điểm cho thí sinh nộp hồ sơ nguyện vọng sớm. Câu chuyện 191 trong tổng số 259 học sinh lớp 12 của trường THPT An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) nhận được giấy báo trúng tuyển từ ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), thu hút sự chú ý của dư luận. Hiệu trưởng trường An Thới cho biết, nhà trường căn cứ danh sách học sinh đăng ký xét tuyển đại học để photo học bạ, chuyển cho ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Trong khi đó, hiệu trưởng ĐH Quốc tế Hồng Bàng khẳng định trường làm đúng quy chế, có đủ phiếu đăng ký xét tuyển và hồ sơ của học sinh.
Một số chuyên gia cho rằng, các trường ĐH, đặc biệt ngoài công lập, thường đưa ra nhiều cách thức để thu hút thí sinh. Trong khi trường muốn tuyển được nhiều sinh viên nhất (theo chỉ tiêu), song nhu cầu thực tế của người học lại thấp hơn. Trường có ít thí sinh đăng ký sẽ tìm mọi cách để xét tuyển đủ chỉ tiêu. ĐH Quốc tế Hồng Bàng chỉ là một ví dụ. Một số chuyên gia cho rằng, với giáo dục ĐH có thể mở “đầu vào” nhưng vẫn cần có ngưỡng để đảm bảo chất lượng, tránh tuyển sinh ồ ạt bằng phương thức cạnh tranh thiếu lành mạnh.
PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó CT Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết: Hiện nay nhiều trường coi thí sinh là đơn vị tài chính nên tìm mọi cách vơ vét thí sinh. Điều này không những ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ĐH mà nguy hiểm hơn là kéo tụt chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. “Ở nước ngoài, họ rất chú trọng việc phân loại học sinh, tư vấn hướng nghiệp từ cấp tiểu học cho đến cấp THPT bởi việc tư vấn, hướng nghiệp đúng, trúng và hiệu quả sẽ góp phần tạo ra một lực lượng lao động trong tương lai có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có năng lực chuyên môn, tay nghề cao. Tuy nhiên, ở ta do công tác tư vấn hướng nghiệp chưa có hiệu quả và tâm lý xã hội vẫn còn chuộng bằng cấp dẫn đến tình trạng đua nhau vào ĐH...”- PGS Nhĩ phân tích.
Chất lượng nhân lực sẽ “lao dốc”?
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT cho hay, việc chọn chất lượng hay số lượng, các trường cần cân nhắc. Nếu theo chất lượng, trường có thể tuyển không đủ chỉ tiêu. Chọn số lượng mà chất lượng không đảm bảo, sớm muộn xã hội cũng phát hiện. Lúc đó, việc tuyển sinh càng khó. Nếu chọn chất lượng, trường có thể gặp khó khăn ban đầu nhưng định hình được uy tín trong xã hội. Phát triển trường đại học là việc lâu dài. Vì thế, năm nay, trường có thể tuyển ít một chút để đảm bảo chất lượng, tạo đà cho các năm tiếp theo.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Thực tế, vẫn có không ít trường tìm mọi chiêu để thu hút sinh viên để giải quyết những khó khăn trước mắt. Nhưng về lâu dài chất lượng giáo dục của họ sẽ đi xuống, uy tín giảm thì nhà trường sẽ bị mất sinh viên. Thậm chí, đã có trường phải giải thể vì không có sinh viên. Chúng ta cần giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của nhà trường - xã hội - người học, trong đó lợi ích xã hội phải được đặt lên trên hết”.
Về ý kiến cho rằng, nước ngoài nới lỏng “đầu vào”, thắt chặt “đầu ra” và dường như Bộ cũng đang làm theo hướng này, GS Thi thẳng thắn cho rằng, ở nước ngoài có thể thực hiện như vậy vì hệ thống kiểm soát chất lượng của họ rất chặt chẽ. Tỷ lệ tốt nghiệp ĐH của họ có khi chỉ đạt 50%, họ vẫn chấp nhận. Nhưng ở Việt Nam thì hệ thống kiểm soát chất lượng hiện vẫn là khâu yếu nhất. Chất lượng giáo dục của Việt Nam yếu nguyên nhân cũng là do hệ thống kiểm soát chất lượng của mình kém. Ngành giáo dục đã có đề án quy hoạch lại trường ĐH giai đoạn 2016 - 2025. Từ trước đến nay chúng ta quy hoạch nhiều nhưng toàn “đầu voi đuôi chuột”, không thực hiện được theo đúng quy hoạch. Việc mở trường ồ ạt, tuyển sinh tràn lan cũng là nguyên nhân khiến gia tăng số sinh viên thất nghiệp.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) còn phân tích thêm: “Đáng lo ngại hiện nay là các trường ĐH được trao quyền tự chủ nhưng lại không đi kèm trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch thông tin. Nếu Bộ GD-ĐT không làm triệt để vấn đề này thì sẽ rất lo ngại về chất lượng giáo dục, vì nhiều trường đang tuyển sinh bằng mọi giá để đạt được lợi ích của họ. Dù Bộ có bắt buộc phải công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm thì hầu hết các trường đều không công bố hoặc công bố gian dối. Bức tranh quản lý tổng thể là phải kiểm soát được tất cả các mặt hoạt động của trường và đặc biệt, trường phải có trách nhiệm công bố thông tin minh bạch để xã hội sẽ giám sát.../.
“Để tránh tình trạng tuyển sinh bằng mọi giá, Bộ GD-ĐT nên có quy định, hướng dẫn cách tuyển sinh như thế nào để các trường có thể chọn được những thí sinh có chất lượng. Đất nước chúng ta đang không ngừng hội nhập sâu rộng nhưng chất lượng nguồn nhân lực kém thì làm sao có thể cạnh tranh được với các nước, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước...”- PGS Trần Xuân Nhĩ.