Học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp: Được nhiều hay mất nhiều?

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ việc học tập đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

 

Kiểm soát ra sao?

Theo Điều 37, Thông tư 32 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định chính xác nằm ở mục “các hành vi học sinh (HS) không được làm”. Trong đó khẳng định HS không được “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên (GV) cho phép”. Quy định này được đưa ra nhằm hỗ trợ trường hợp HS cần truy cứu, tìm nguồn học liệu khi có điều kiện và được sự cho phép, hướng dẫn, giám sát của GV trong giờ học trên lớp. Điều này có nghĩa là quyền được giao cho GV. Thầy cô quyết định với bài học nào, thời điểm nào, việc cho HS sử dụng điện thoại để tra cứu là cần thiết.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học giáo dục Hà Nội bày tỏ:Tôi ủng hộ quy định này. Vì chương trình mới là chương trình mở, phương pháp mở buộc HS phải chủ động tích cực thu thập, tìm kiếm tài liệu chứ không chỉ học trong sách giáo khoa hay chép lại ý của thầy như ngày xưa nữa. Nhất là chương trình mới đề cao phát triển năng lực, HS phải tự học nhiều, tự tìm tài liệu, tự nghiên cứu tài liệu rồi rút ra kết luận để giải quyết các vấn đề. Phương pháp học mới là phải sử dụng nhiều tài liệu, trong đó có nguồn tài liệu rất phong phú là internet tại sao mình không dùng. Tuy nhiên, có 3 vấn đề khó khăn khi triển khai quy định này: Khó khăn lớn nhất là, năng lực sử dụng công nghệ, năng lực sư phạm để tổ chức một tiết học có sử dụng công nghệ thì GV của chúng ta còn rất yếu. Thứ hai là, các thiết bị công nghệ hiện nay của các trường không đồng đều, mỗi vùng miền một khác. Khó khăn nữa là, ý thức kỷ luật của HS chưa cao, sẽ có những HS lợi dụng việc này để thỏa mãn việc chơi chứ không phải sử dụng cho việc học.

Trước những khó khăn đó, theo TS Tùng Lâm giải pháp để dùng công nghệ trong giờ học, quan trọng là phải nâng cao năng lực sử dụng công nghệ của GV và năng lực sư phạm cách tổ chức điều hành một tiết học, chứ nếu “thả” thì họ không tự làm được. GV biết cách tổ chức rất khoa học thì mới quản lý được HS, biết cách giao nhiệm vụ, khoán thời gian và kiểm tra kết quả HS thế nào. Đồng thời, phải cho HS thấy trách nhiệm của mình, phải theo hướng dẫn của GV chứ không được tự do vô kỷ luật. Phụ huynh nên cùng uốn nắn nhắc nhở, chứ cứ phản đối việc này nghĩa là cản trở việc dạy dỗ con mình. Đồng thời với quy định này Bộ cần nên có thêm hướng dẫn, nói rõ điều kiện, giải pháp để thực hiện thì mới có hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho hay, trên thực tế, nhà trường nhiều năm nay đã thực hiện việc này và rất ổn. Mỗi lớp có một ngăn tủ đựng điện thoại tự quản, HS đến lớp thì để điện thoại vào tủ. Giờ học nào cần sử dụng tra cứu như Ngoại ngữ, Ngữ ăn, các môn khoa học, xã hội... thì GV cho phép và tổ chức cho HS sử dụng. Khi dùng xong thì các em tự động cất vào tủ. Do các lớp đều có camera nên HS tự giác không sử dụng khi không dành cho mục đích học tập. Ông Tùng cho hay, hiện nay, với một số bài kiểm tra, HS của trường đã được sử dụng điện thoại để làm bài trên Microsoft Team ngay trong tiết học. Hình thức này được cha mẹ HS rất ủng hộ.

Có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là vấn đề còn gây tranh cãi đối với nhiều quốc gia.

Được nhiều hay mất nhiều?

Tuy nhiên cũng không ít GV, phụ huynh lo ngại, nếu cho sử dụng điện thoại mà không kiểm soát chặt sẽ dễ “loạn”. Lớp học đông HS, ai dám chắc kiểm soát được thời gian cho HS sử dụng điện thoại, các em đều sử dụng đúng mục đích hay chơi game, nhắn tin “buôn chuyện”... Thực tế, việc có cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học hay không vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi đối với nhiều quốc gia...

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) phân tích, việc sử dụng điện thoại trong lớp học có cả 2 mặt lợi và hại. Mặt lợi là HS có kỹ năng thông tin - cái này ở Việt Nam thì ngay cả một số GV và giáo sư cũng kém. Kết hợp bài giảng có phần mềm hỗ trợ học tập và dạy như tài liệu có nội dung số; Tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho bài học dễ hơn... Còn hại là gì? HS lơ đãng vì mải xài điện thoại, sẽ giảm tương tác với nhau để học hỏi và hình thành thói quen hợp tác. Quá lạm dụng công nghệ rất có thể dẫn đến làm nghèo tư duy của người học khi không đủ kỹ năng thông tin làm mất khả năng đào sâu suy nghĩ vì có "mì ăn liền". Khó kiểm soát gian lận khi làm bài kiểm tra hoặc đạo văn… Vì thế cần cân nhắc cẩn trọng trước khi cho HS dùng điện thoại trong lớp học, việc này đòi hỏi phải nghiên cứu và đánh giá tác động dự báo rủi ro...

“Cần có những quy định cụ thể của GV cho phép sử dụng điện thoại như thế nào để tránh xảy ra những chuyện không hay. Đặc biệt là rất cần đào tạo kỹ năng cho GV, với HS THCS và THPT cần thận trọng khai thác hiệu quả thời gian sử dụng điện thoại trong tiết học...”- ông Vinh nói.

Một số ý kiến cho rằng, điều này sẽ buộc HS phải làm việc rất nhiều, phải tra thông tin để giải thích, thảo luận các câu hỏi đặt ra trong bài học mà sách giáo khoa không có thì các em trở nên rất tích cực. Dùng điện thoại để dạy và học rất có ích nếu giáo viên tổ chức tốt các hoạt động trên lớp và sau giờ học. Nếu dùng internet hiệu quả thì chương trình mở, sách giáo khoa mở chính là chương trình và sách giáo khoa tốt nhất cho người học. Tuy nhiên để dùng được các nguồn học liệu internet như là: chương trình, giáo trình, sách giáo khoa mở thì cần có kỹ năng công nghệ và tư duy công nghệ. Vì thế, cần có 1 cuộc cách mạng trong giáo dục về vấn đề này và phải làm vì một nền giáo dục thông minh, chất lượng cao thực thụ.../.

Thay vì việc cấm hoàn toàn, quy định chỉ cấm dùng vào những việc không đúng mục đích. GV được trao quyền nhưng cũng cần hiểu thật rõ vai trò của mình là người làm chủ việc học trong lớp, phải tổ chức, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động học của học sinh, thậm chí ở ngoài lớp. Đó chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực GV phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh mà bộ đã hướng dẫn nhiều năm qua”- Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT).

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận