Học sinh lớp 1 'oằn' lưng cõng hàng chục cuốn sách

Bước vào năm học mới được hơn 2 tuần, nhưng nhiều phụ huynh có con học lớp 1 vẫn nháo nhào đi tìm mua sách giáo khoa. Trong đó, sách tham khảo chiếm khá nhiều.

 

Nhiều phụ huynh vẫn nháo nhào đi tìm sách cho con.

Nhập nhèm giữa sách giáo khoa và sách tham khảo,

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên học sinh lớp 1 trên cả nước học chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới. Có 5 bộ SGK lớp 1 để các trường lựa chọn. Tuy nhiên, dù đã vào năm học mới hơn 2 tuần nhưng nhiều phụ huynh vẫn nháo nhào tìm mua sách. Dạo qua thị trường sách hiện nay thấy hầu hết các nhà sách đều không bày bán cả 5 bộ sách và cũng không đủ nguyên bộ mà chỉ có từng cuốn lẻ…

Tại Trung tâm sách và thiết bị giáo dục ADC Book, trên đường Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội, một số phụ huynh vẫn loay hoay tìm SGK lớp 1 cho con. Anh Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, con gái dặn mua sách Tiếng Việt Bộ (bộ Cùng nhau để phát triển năng lực) nhưng tìm mấy nhà sách rồi không có, thậm chí là nhà sách lớn như thế này. Anh Hòa chia sẻ: “Con mới vào lớp 1 mà phải ôm đến hơn hai chục cuốn sách thấy phát hoảng. Cứ nhồi nhét quá nhiều rồi cuối cùng vẫn như con “gà gô”, vì toàn học lý thuyết suông…”

Một nhân viên của Trung tâm sách và thiết bị giáo dục ADC Book cho biết, hiện nhà sách chỉ bán các bộ SGK như: Kết nối tri thức với cuộc sống; Cánh Diều; Cùng học để phát triển năng lực... Tuy nhiên, những bộ sách trên cũng không đủ cả bộ, chỉ có sách lẻ, giờ đang phải chờ hàng ở kho về, nhưng cũng chưa biết bao giờ về. Khách hỏi mua thì nhân viên xin số điện thoại để khi nào có sách sẽ báo…”. Trên các diễn đàn mạng, các mẹ ở các tỉnh thành cũng ra sức kết nối với nhau để tìm sách. Vì thiếu sách nên giá cả cũng bị đội lên gấp đôi, gấp 3 mà phụ huynh vẫn phải cắn răng mua cho con. Có trường còn trộn lẫn 3 bộ sách khác nhau khiến cho việc tìm kiếm càng khó.

Chị Minh Châu, phụ huynh có con vào lớp 1 (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Năm nay con học bộ sách Cùng học để phát triển năng lực. Cầm bộ sách lên mình cũng thấy choáng vì mới học lớp 1 mà đã có tới 21 quyển. Không hiểu sao, kể cả môn Đạo đức; môn Tự nhiên và xã hội, môn Mỹ thuật mà cũng có sách bài tập đi kèm; thậm chí là môn thể dục - chuyên về các hoạt động thể chất cũng có sách bài tập (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống)…Bọn trẻ còn chưa biết đọc mà lớp 1 cho một đống sách bài tập thì làm kiểu gì? Vừa lãng phí, chưa kể còn gù cả lưng trẻ vì cõng 5 - 6 cân sách đến trường…”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ về việc SGK là tài liệu bắt buộc, còn tài liệu tham khảo, phụ huynh học sinh tự mua theo nhu cầu cá nhân. Song thực tế hiện vẫn còn tình trạng học sinh phải “cõng” quá nhiều sách do có sự nhập nhèm giữa SGK và sách tham khảo khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Bộ SGK lớp 1 gồm 9 hoặc 10 cuốn (tùy theo bộ sách) và có mức giá dao động từ 179.000 đồng đến 199.000 đồng. Tuy nhiên, không ít trường tiểu học đã thông báo danh mục sách lên tới 23 cuốn sách với tổng số tiền hơn 800.000 đồng.

Trước đây, SGK chỉ có một chương trình và giáo viên chỉ dạy những gì có trong sách. Bộ SGK mới với nhiều nhà xuất bản được cho là viết theo hướng mở. Nhưng “mở” không có nghĩa là nhồi nhét thêm các loại sách bổ trợ tới mức số lượng lên đến vài chục cuốn và giá bán gấp 3-4 lần so với giá sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Không chỉ lớp 1 mà hầu hết SGK các lớp đều có sách tham khảo, bây giờ nhập nhèm gọi là vở bài tập. Chỉ tính riêng sách Tiếng Việt là 4 quyển, Toán cũng 4 quyển, tổng cộng mới hai môn đã là 8 quyển sách.


…Nhồi nhét quá nhiều kiến thức?

Mới đầu năm học nhưng nhiều phụ huynh đã kêu trời vì các con bị giao quá nhiều bài tập, có con phải học đến 11h đêm mới hết bài. Chị Minh Châu chia sẻ, tuần đầu tiên đi học, đáng lẽ để các bé làm quen với môi trường học tập mới, với thầy cô, bạn bè thì giáo viên lại giao một đống bài tập cho các con, đặc biệt yêu cầu về đọc, viết cao quá. Hôm nào con cũng được giao rất nhiều bài tập viết, đọc, kể cả ngày nghỉ. Tối ăn cơm xong là con phải ngồi vào học luôn, thế mà đến 10h30 đêm mới xong. Bởi không làm đủ bài thì con không dám đến lớp. Mới vào năm học mà cả mẹ và con đều rất mệt mỏi. “Chương trình năm nay vẫn nặng, ngành giáo dục định biến các cháu thành siêu nhân hết hay sao?. Chương trình mới quan trọng nhưng cách giáo viên đem chương trình đến với học sinh mới là yếu tố quyết định sự thành bại của chương trình, SGK mới. Ngày xưa chúng tôi vào lớp 1 cũng chỉ học “a, bờ, cờ” và chỉ chập chững tập viết, quá lắm cũng chỉ cần 03 quyển sách. Còn bây giờ có đến hàng chục cuốn chưa kể sách thực hành, hỗ trợ khác. Bố mẹ đọc sách tham khảo nhiều khi còn không hiểu được huống gì là học sinh lớp 1”- chị Châu bày tỏ.

Trên nhiều diễn đàn phụ huynh có con học lớp 1, không ít phụ huynh cho rằng: Cái gì cũng muốn học sinh biết, cuối cùng không biết gì, học xong quên hết, vì nhồi nhét nhiều quá. Một đống kiến thức bùi nhùi giúp cho phụ huynh chạy tiền mua sách, còn học sinh lớp 1 cõng đống bùi nhùi này thì các cháu sẽ phát triển cái lưng gù. Thay vì hàng chục đầu sách, điều mà những học sinh lớp 1 cần hơn, đó là những tiết “học mà như chơi”: Tăng cường hoạt động phát triển thể chất, kỹ năng sống về sự tự lập, cách tự biết chăm sóc, bảo vệ bản thân mình. Nickname BuiThuong: “Trẻ mới vào lớp 1 đi học với 23 đầu sách thì đọc còn chưa nổi chứ đừng nói đến học. Trẻ mới 6 tuổi mà nhồi nhét kinh khủng quá. Nên nhớ trẻ lớp 1 là chơi nhiều hơn học chữ, học lễ nghĩa nhiều hơn. Xưa chỉ có 3 cuốn sách mỏng thôi mà thành người”.

Vậy, câu hỏi được đặt ra, học sinh lớp 1 nói riêng và tiểu học nói chung cần học những môn nào là phù hợp nhất? Vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, trên tinh thần đổi mới, hội nhập quốc tế nên đòi hỏi khối lượng kiến thức tăng và yêu cầu cao hơn trước đây. Các cháu bậc tiểu học, nhất là lớp 1, nói một cách nôm na là trên tinh thần “vừa học vừa chơi”, nhưng chương trình học hiện nay phải đảm bảo học hai buổi/ngày mới có thể đủ thời gian để thầy cô giáo truyền thụ hết lượng kiến thức. Rõ ràng là hơi nặng so với lứa tuổi các cháu. Thực tế đối với học sinh tiểu học, chỉ cần một số môn cơ bản như: Tiếng Việt, Toán, Khoa học thường thức (những hiểu biết thông thường trong cuộc sống, gần gũi với lứa tuổi học sinh); trong thời buổi hiện nay thì có thêm phần làm quen với ngoại ngữ và tin học; còn môn đạo đức cần gắn với thực tế, gần gũi đời sống và phù hợp với lứa tuổi cho các cháu dễ hiểu. Bậc tiểu học chỉ cần dạy các cháu lễ phép, “đi thưa, về trình”, gặp người lớn biết chào, đưa vật cho người khác bằng hai tay, khi nói chuyện biết dạ thưa, biết cảm ơn, biết xin lỗi…/.

Tôi thấy rằng, chương trình giáo dục vẫn bất cập và quá tải. Trẻ em như búp trên cành nhưng bị nhồi nhét kinh khủng. Học ngày học đêm đến mờ cả mắt. Cái gì cũng muốn học sinh biết, cuối cùng không biết gì, học xong quên hết, vì nhồi nhét nhiều quá..”- chị Mỹ Hương (Hà Nội).
“Mỗi lần cải cách cũng có thay đổi, có cái hay, nhưng đôi lúc thấy hơi tham lam kiến thức, có những cái còn xa thực tế, nặng nề so với lứa tuổi học sinh. Có cái nhìn tổng thể trong giáo dục, nhưng cần có định hướng cụ thể và có yêu cầu kiến thức của từng lớp. Tiểu học là “vừa học vừa chơi”, mầm non là “vừa chơi vừa học” – qua vui chơi để học mà vui chơi phải có mục đích…”- thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh.
“Các đơn vị cần thực hiện nghiêm việc công khai các quy định liên quan với phụ huynh, trong đó nêu rõ tài liệu tham khảo là do học sinh tự trang bị theo tinh thần tự nguyện, nhà trường không được tổ chức phát hành và ép học sinh phải mua sách tham khảo. Vì thế, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những vi phạm nếu có...”- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận