Theo Điều lệ trường Tiểu học của Bộ GD-ĐT vừa ban hành, quy định mỗi lớp tối đa chỉ có 35 học sinh. Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10 tới đây. Như vậy, còn chưa đầy 1 tháng nữa, để thực hiện chuẩn về sĩ số lớp học. Các giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng đây là quy định hay, cần phấn đấu đạt được nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tại một số thành phố lớn, dân cư đông đúc, sĩ số các lớp đang từ 50-60 em/lớp, để giảm xuống còn 35 là điều không dễ dàng.
Chị Nguyễn Khánh Thy, (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, con trai chị đang học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Long Biên, sĩ số lớp học là 53 cháu/lớp, 4 cháu ngồi 1 bàn. Lớp đông nên nhiều học sinh thấp bé hoặc cận thị ngồi dưới sẽ rất khó khăn theo dõi bài giảng.
“Tôi ủng hộ việc mỗi lớp 35 học sinh. Khi lớp học quá đông, cả giáo viên và học sinh đều vất vả trong quá trình học tập. Phụ huynh cũng rất mong muốn có thêm trường lớp để giảm tải sĩ số, đồng thời tránh tình trạng căng thẳng, xếp hàng từ nửa đêm gà gáy xin học cho con”, chị Khánh Thy cho biết.
Chị Hoàng Thu Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, sĩ số lớp con chị đang là 55 cháu/ lớp. Dù đông, nhưng vì trường gần nhà, và khá “có tiếng” về chất lượng dạy học nên chị Huyền vẫn cố gắng cho con theo học.
“Số lượng trường, lớp chỉ có hạn, trong khi dân cư đông đúc, nên sĩ số lớp cao là điều không tránh khỏi. Nếu muốn con học lớp ít học sinh hơn, chỉ có ra các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, mức học phí cao hơn nhiều, nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện”, chị Huyền cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Kim Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trường đang cố gắng giảm sĩ số bằng cách “nâng tầng” các dãy nhà cũ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện vào tháng 10 năm nay, dự kiến cũng chỉ có thể giảm xuống còn 50 học sinh/lớp. Trước đó, lúc “cao điểm” nhất, sĩ số lớp học tại trường lên đến 59-60 em/lớp. Cô Ngọc cho rằng, quy định 35 học sinh/ lớp hay, nhưng khó khả thi ở những thành phố lớn với cơ sở vật chất như hiện nay.
“Ở những quận trung tâm thành phố như Hoàn Kiếm, khi số lượng các chung cư không nhiều, quy định này còn có thể thực hiện được. Còn tại các quận huyện đông dân cư, rất khó để đáp ứng ngay mà cần có lộ trình cụ thể. Nhà trường không hề muốn nhận đông học sinh, nhưng khi học sinh đúng tuyến, đúng hộ khẩu, đến tuổi các em đều phải đi học. Đây là bài toán không phải của riêng các trường mà của chính quyền các cấp”, cô Ngọc cho biết.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, do mật độ dân cư đông đúc, nhằm giảm tải sĩ số cho các trường, hiện Quận Thanh Xuân đã xây thêm một số trường tiểu học khác như Tiểu học Nguyễn Tuân, Thanh Xuân Bắc. Một số trường đông học sinh đang xây dựng thêm cơ sở vật chất để tăng số phòng học..
Cô Ngọc cũng kiến nghị, để giảm sĩ số lớp học, nâng cao chất lượng giảng dạy, cần những chính sách đồng bộ từ cả ngành giáo dục và chính quyền địa phương. Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc nêu thực tế rằng, hiện nay, các chung cư, khu đô thị mọc lên khắp nơi, nhưng số lượng trường học tại không tăng tương xứng, dẫn đến nhiều trường quá tải học sinh. “Chung cư rất đông, nhưng trường học lại rất ít. Đất để xây chung cư, các khu đô thị nên có sự tính toán dành riêng quỹ đất xây dựng trường học, có vậy mới đảm bảo 35 học sinh/lớp”, cô Ngọc nói.
Cô Lê Thị Thanh Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) cũng cho rằng, giảm sĩ số lớp học xuống còn tối đa 35 em/lớp là quy định hay, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giảm áp lực cho giáo viên. Tuy nhiên để thực hiện được cần có lộ trình nhất định.
Cô Phương cho biết, Tiểu học Sài Đồng nằm trên địa bàn đông dân cư, dân số tăng cơ học nhanh, sĩ số những năm trước thường xuyên ở mức trên 50 em. Hồ sơ nộp vào đầu cấp của trường các năm thường trên 300. Hiện nay, để giảm bớt sỹ số cho trường, quận Long Biên đã tiến hành chuyển bớt 3 tổ dân số thuộc khu vực tuyển sinh của trường Tiểu học Sài Đồng sang trường Tiểu học Nguyễn Gia Thiều và trường Tiểu học Phúc Đồng. “Hiện nay sĩ số các lớp 1 giảm xuống còn 40 em/ lớp. Tuy nhiên, các khối lớp 3, 4, 5 hiện nay vẫn rất đông, trên 50 em/lớp. Để thực hiện mục tiêu mỗi lớp 35 học sinh, trường cần có lộ trình từ 2-3 năm tới”, cô Phương cho biết.
Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT giai đoạn 2016-2021 cho rằng, tại các thành phố lớn, rất khó để áp dụng ngay quy định này. Vấn đề đặt ra không phải là mỗi lớp có 35 học sinh, mà là làm thế nào để đạt được con số này và thời gian là bao lâu.
“Những chỗ đã đạt chuẩn sẵn sẽ không thành vấn đề, nhưng những chỗ học sinh đang quá đông, như các quận nội thành Hà Nội, trước áp lực dân số tăng, thì giải quyết vấn đề này không hề dễ. Tôi cho rằng, trước tiên, ngành giáo dục cần phải đầu tư thêm vào đội ngũ giáo viên, những lớp quá đông, có thể phân công 2 giáo viên thay nhau đứng lớp, hỗ trợ học sinh. Bộ Nội vụ cần thống nhất với Bộ GD-ĐT tăng số lượng chỉ tiêu giáo viên”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo thầy Lâm, đây không phải vấn đề của riêng Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh, thành phố cần sớm có hướng giải quyết bằng cách phân bổ các nguồn lực tài chính, đầu tư vào xây dựng trường lớp, xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập, nhằm giảm bớt áp lực cho trường công.
“Ngành giáo dục hiện nay đang bị bó buộc bởi thiếu tài chính, đất đai và cả nguồn lực giáo viên. Như vậy tất cả các yếu tố để đáp ứng chỉ tiêu đề ra đều đang thiếu”, TS Lâm cho hay.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, quy định mỗi lớp tối đa có 35 học sinh của Bộ GD-ĐT rất khoa học, cần nỗ lực thực hiện dù còn nhiều khó khăn.
Chuyên gia giáo dục này cho rằng, ngành giáo dục cần phối hợp với chính quyền địa phương, các tỉnh, thành phố thực hiện theo lộ trình từng bước, giảm từ 50 học sinh/lớp, xuống còn 40, 35...
“Cần có cam kết thực hiện, lộ trình và phương thức rõ ràng, còn nếu chỉ là quy định chung chung thì rất khó thành hiện thực”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN