Không chấm dứt được là do lợi ích nhóm?
Trước thông tin nhiều phụ huynh phản ánh về việc một số trường tiểu học nhập nhèm về danh mục sách giáo khoa (SGK), tài liệu tham khảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 năm học 2020-2021 và yêu cầu phụ huynh mua tới hơn 20 cuốn, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, bộ SGK lớp 1 mới có 8 cuốn bắt buộc và 1 cuốn tự chọn.
Phụ huynh Nguyễn Hiền (ở Hưng Yên): “Họp phụ huynh yêu cầu đóng tạm thu 1.800.000 đồng/học sinh chỉ nói trong đó có tiền bộ SGK hơn 800 nghìn đồng. Chẳng nói rõ là những sách gì và hỏi thì cô bảo giải thích sau. Nhìn chồng sách của con mẹ còn muốn xỉu. Phụ huynh có thấy bất hợp lý thì cũng không biết phản ánh với ai?”
Ông Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cũng cho biết, lâu nay, việc mua sách vở, đồ dùng học tập được nhiều địa phương thực hiện theo hình thức nhà trường cung cấp danh mục sách - vở cần mua sắm cho năm học mới và phụ huynh học sinh đăng ký mua thông qua cơ sở giáo dục phổ thông. Song, có nhiều nguyên nhân khiến việc trang bị SGK, tài liệu tham khảo vẫn xảy ra tình trạng “mập mờ” gây ảnh hưởng và mất lòng tin của phụ huynh học sinh.
“Đối với STK, Bộ GD-ĐT phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm việc ép phụ huynh, học sinh mua STK, mà phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học. Nếu không quản lý chặt STK thì sẽ đi ngược lại mục đích giảm tải chương trình giáo dục” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. |
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn cho rằng: Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay nhưng không giải quyết được là do có lợi ích nhóm, khi trường bán được sách tham khảo (STK) thì họ được hưởng tỷ lệ %, cho nên bằng cách này hay cách kia ép buộc phụ huynh phải mua kèm để kiếm lời. Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, học sinh chỉ cần có SGK và sách bài tập và khi thi cử, kiểm tra định kỳ cũng chỉ trong phạm vi kiến thức cơ bản đó, không nên ra những câu hỏi, bài tập mức độ quá cao, khiến học sinh buộc phải luyện theo STK. Thực ra STK là để cho phụ huynh, giáo viên còn đối với học sinh lớp 1 không cần có STK vì các em đã biết chữ đâu. Thực tế, có những GV lợi dụng việc đứng lớp họ nói là dạy kiến thức trong STK hoặc cho học sinh làm bài tập ở trong STK để buộc học sinh phải mua. Bộ GD-ĐT nên có quy định nhà trường chỉ cung cấp SGK, sách bài tập, còn STK không được đưa vào trường để bán cho học sinh, ai có nhu cầu sẽ ra hiệu sách mua.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, vấn đề khiến dư luận bức xúc là do tình trạng nhập nhèm giữa SGK và STK để đưa vào trường học. SGK là bắt buộc, còn STK là tự nguyện nhưng người ta nhập nhằng đưa STK vào chung với danh mục SGK khiến nhiều phụ huynh nhầm tưởng nên cứ thế là mua. SGK là loại sách đặc biệt cần cho mọi học sinh nên được phát hành trong nhà trường, còn STK thì không phải ai cũng cần như nhau, mà tùy từng nhóm HS cụ thể, phải do học sinh, phụ huynh tự lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế của họ, phù hợp với nhu cầu của họ, chứ không phải ép mua cùng với SGK. GS Thi cho biết thêm, có ý kiến cho rằng, nên cấm STK ở cấp tiểu học nhưng chẳng cấm được nếu họ không vi phạm Luật Xuất bản. STK cũng như các loại sách khác, cấm hay không thì phải căn cứ vào Luật Xuất bản.
Tại cuộc họp mới đây của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực có đề cập đến việc có cần phải bổ sung STK nữa hay không? STK có bị lạm dụng vì mục đích lợi nhuận, vì lợi ích nhóm hay không? Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, cần tách bạch, phân định rõ giữa SGK và STK. Thực tế cho thấy, giáo viên cần sử dụng STK để làm giàu thêm giáo án và bài giảng của mình nhưng học sinh thì không cần thiết. Đặc biệt, học sinh tiểu học không cần dùng STK. Việc gợi ý học sinh bắt buộc phải mua STK để sử dụng, đại trà trong trường học cần chấm dứt. GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có lợi ích nhóm liên quan đến STK và đề nghị cấm tất cả các loại STK ở bậc tiểu học, vì ở bậc học này, các cháu chưa cần thiết sử dụng STK.
Cần có chế tài xử lý nghiêm
PGS Trần Xuân Nhĩ cho biết, mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh, sẽ xử lý nếu phát hiện trường, phòng giáo dục nào mà ép phụ huynh, mọi người mua STK. Nhưng theo ông Nhĩ thì phải kỷ luật thật nghiêm bằng cách hạ bậc lương hoặc ai cố tình vi phạm nhiều lần thì mời ra khỏi ngành. Có quy định nhưng cũng phải có chế tài nghiêm khắc mới có thể chấm dứt được tình trạng này.
“Cần phải phân biệt rõ 2 loại SGK và STK, nhà trường chỉ được phép cung cấp SGK, còn STK không được phép đưa vào trường học. Đó không phải trách nhiệm của nhà trường nhưng rõ ràng nhiều trường đang lợi dụng lòng tin của phụ huynh để đưa STK vào danh mục SGK, lừa phụ huynh. Với những trường này cần phải được xử lý nghiêm vì họ cố tình tính toán để đưa vào trục lợi...”- GS Đào Trọng Thi. |
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ quy định cụ thể hơn về việc sử dụng STK của giáo viên, khắc phục tình trạng giáo viên, nhà trường hướng dẫn, giới thiệu hoặc yêu cầu học sinh mua nhiều STK. Đổi mới việc kiểm tra đánh giá định kỳ ở các trường theo hướng bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, không ra những câu hỏi, bài tập mức độ quá cao, khiến học sinh buộc phải luyện theo STK.
Tiến sỹ Thái Văn Tài, Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT nêu rõ: "Bộ đã có hành lang pháp lý và quy định trách nhiệm rõ ràng nhà trường phải làm những việc gì rồi. Nếu như trong một thông báo, hoặc trong một văn bản nào đó mà nhà trường chưa làm rõ 2 việc này thì tức là chưa làm đúng hoàn toàn chỉ đạo của Bộ. Nhà trường phải rút kinh nghiệm và thanh tra, kiểm tra có quyền về thanh tra, kiểm tra dấu hiệu này để xem sai đến đâu, mục đích gì và nếu sai đến đâu chúng ta phải xử lý đến đấy".
Hiện nay các quy định, văn bản của Bộ GD-ĐT liên quan đến SGK, tài liệu tham khảo đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng internet. Phụ huynh cũng đóng vai trò là có trách nhiệm phản biện xã hội, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ để trang bị cho con em mình những tài liệu đúng với quy định. Nếu khẳng định được việc nhà trường ép buộc mua tài liệu tham khảo hay trang bị những đồ dùng học tập trái với các quy định thì các bậc phụ huynh có quyền phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm. Và làm như thế thì mới triệt để được câu chuyện này qua nhiều năm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, Bộ GD-ĐT nghiên cứu việc đưa SGK tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. SGK thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn STK không được đưa vào nhà trường, khuyến khích sử dụng lại SGK khoa cũ.
“Tôi thấy hằng năm các phòng giáo dục giống như đại lý cấp 2 của công ty phát hành sách phân phối cho các trường. Phụ huynh cần được biết là bộ sách gồm những sách nào, để tránh việc nhập nhèm giữa 2 loại sách khiến phụ huynh không phải mất tiền oan...”- phụ huynh Nguyễn Ngọc Khâm (TP.HCM). |