Thách thức chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam

Dù số lượng người sử dụng Internet và mạng xã hội chiếm khoảng 70% dân số nhưng việc sử dụng công nghệ cho mục đích giáo dục chưa cao.

 

Sáng 9/10, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số trong giáo dục - thách thức và cơ hội”. Tọa đàm nhằm đưa ra những cách thức mà phụ huynh có thể tham gia hiệu quả hơn vào quá trình học tập kỹ thuật số cùng con, đồng thời giáo viên cũng như người chăm sóc trẻ có được những kiến thức cần thiết để giúp trẻ em học tập trên nền tảng kỹ thuật số.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm nay, ngành giáo dục phải cho học sinh nghỉ học dài ngày và buộc phải áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến. Việc này đã bộc lộ những bất cập về khoảng cách kỹ thuật số giữa trẻ em thành thị và nông thôn. Trong khi nhiều học sinh không biết truy cập internet, không có thiết bị và hiểu biết không đầy đủ về kỹ thuật số thì giáo viên phần lớn không quen với công nghệ mới và chưa được đào tạo đầy đủ để sử dụng hiệu quả các công cụ mới này.

Phải đảm bảo để tất cả các em đều có đường truyền internet, có wifi, thiết bị điện tử có những nền tảng học tập trực tuyến.

Bên cạnh đó, hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin như máy tính, camera, máy in, máy quét, đường truyền, dịch vụ Internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh, đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số (cả về quản lý giáo dục và dạy - học). Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng về cơ hội học tập, tiếp cận kiến thức giữa học sinh, sinh viên ở các vùng miền, các nhà trường.

GS. Hoàng Tú Bảo, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) cho rằng: Đào tạo trực tuyến và kỹ thuật số có thể giúp thu hẹp khoảng cách địa lý và học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cần phải hành động nhiều hơn nữa để giải quyết việc thiếu công bằng trong tiếp cận kỹ thuật số. “Về cơ bản, việc dạy và học sẽ cần phải kết hợp vừa trường lớp và vừa với online thì đấy là điều cốt lõi nhất. Để kết hợp được trường lớp và online thì một điều quan trọng là chúng ta phải có trang thiết bị. Nhiều người băn khoăn là làm sao yên tâm về chất lượng thì đương nhiên cái đấy phải có thẩm định. Việc thẩm định sách giáo khoa sẽ đảm bảo chất lượng và kho dữ liệu đấy phải là kho dữ liệu mở cho mọi người dùng”.

Việc chuyển đổi giáo dục sang hình thức trực tuyến cho thấy sự cấp thiết của việc học tập trên nền tảng kỹ thuật số, nhấn mạnh khoảng cách về kỹ thuật số rõ rệt của Việt Nam. Việc mở cửa trường học trở lại vào đầu tháng 5 vừa qua tại Việt Nam cho thấy cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc đổi mới tư duy về về giáo dục và chuyển đổi hệ thống nhằm đảm bảo tất cả trẻ em và thanh niên ở Việt Nam đều được tiếp cận với phương pháp học tập kỹ thuật số và chuẩn bị tốt cho một thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ hơn và nền kinh tế dựa trên tri thức.

Bà Ranna Flowers, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tích hợp kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng chuyển đổi vào chương trình giảng dạy mới, đồng thời nâng cao kiến thức và kỹ năng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thông qua các khóa đào tạo trực tuyến về phương pháp tiếp cận thân thiện với trẻ em trong học tập trực tuyến và quản lý lớp học trực tuyến. “Chúng ta không thể bỏ lại bất kỳ trẻ em nào ở phía sau và chúng ta bắt buộc phải đảm bảo tất cả trẻ em Việt Nam được tiếp cận với các thiết bị điện tử và internet. Cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi đang phối hợp với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp để có thể tìm ra giải pháp để có thể thu hẹp khoảng cách, đó là tất cả các em đều có đường truyền internet, có wifi đều có được thiết bị điện tử có những nền tảng học tập trực tuyến”, bà Ranna Flowers nhấn mạnh./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận