Những bất ổn sách giáo khoa lớp 1: Khi 'quả bóng' trách nhiệm được đá đi, đá lại

Thiếu một triết lý giáo dục đúng để dẫn dắt  việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) cùng với những 'lỗ hổng' về thẩm định đã khiến cho SGK lớp 1 quá nhiều 'sạn'.

 
 
“Các ý kiến dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục...” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Lọt sạn” do nể nang?

Năm học 2020-2021, có 5 bộ SGK lớp 1 mới được đưa vào dạy học trên toàn quốc, bao gồm 4 bộ do nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam biên soạn và 1 bộ mang tên “Cánh Diều” của Công ty VEPIC phối hợp với NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP.HCM biên soạn. Hội đồng Thẩm định SGK Quốc gia với 1/3 số thành viên là các giáo viên đang dạy học trực tiếp đã thẩm định 5 bộ sách này, sau đó chuyển lên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.

GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cho hay, Hội đồng thẩm định đã làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, khách quan, công tâm. Cả 5 bộ sách này đều không có gì sai và nếu có sai, các tác giả đều đã chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng. Những vấn đề mà gần đây phụ huynh bức xúc như truyện "Hai con ngựa; cua, cò và đàn cá...” thì GS cho rằng, nội dung bài đọc không có gì sai, phản cảm hay dạy trẻ khôn lỏi như một số người nêu mà đều có tính giáo dục và chỉ cần giáo viên khi giảng nói thêm thì trẻ sẽ hiểu. Tuy nhiên, khi chia làm hai phần, người đọc chưa rõ ngay được tư tưởng, do đó, Hội đồng đã yêu cầu thay... Còn đối với việc sử dụng văn bản, ngữ liệu như từ "nhá" thay cho từ "nhai" hay "chả" thay cho "chẳng", "không"....theo GS Sử, Hội đồng cũng đã yêu cầu sửa lại.

Theo GS Sử, không có chuyện Hội đồng không biết gì, không phát hiện các vấn đề được dư luận đặt ra. Khi thẩm định sách, Hội đồng đều chỉ rõ các vấn đề và đề cập với tác giả. Hội đồng luôn đưa ra hai mức, trong đó, mức cao nhất bắt buộc phải sửa, phải thay, đó là những nội dung không chuẩn đạo đức, có vấn đề về tri thức... Mức thứ hai là khuyến nghị, tức là không bắt buộc khi văn bản, ngữ liệu không sai, nhưng chưa hay chưa tốt nên Hội đồng khuyến nghị tác giả sửa chữa, thay đổi cho hay hơn, tốt hơn...

"Với những điểm không sai Hội đồng đã chỉ ra, khuyến cáo tác giả nhưng Hội đồng cũng có phần nể nang nên không kiên quyết yêu cầu thay thế, sửa chữa và điều này chính là làm hại sách. Khuyết điểm của Hội đồng cũng chính là ở điểm này. Tuy vậy, với những khuyến cáo của Hội đồng chỉ ra mà tác giả không sửa chữa, thay thế thì trách nhiệm thuộc về tác giả", GS Sử nêu rõ.

Với những lập luận trên, đại diện Hội đồng cho rằng, vì đã khuyến cáo nhưng nhóm tác giả vẫn giữ quan điểm của mình thì họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những “hạt sạn” đó, còn Hội đồng chỉ dừng ở mức cảnh báo là hết trách nhiệm?!

Tuy nhiên, TS Lê Thống Nhất thẳng thắn phản biện: “Theo Điều 32 của Luật Giáo dục mới 2019 thì Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định SGK. Hội đồng và thành viên hội đồng phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và chất lượng thẩm định, không có dòng nào nói rằng là tác giả SGK phải chịu trách nhiệm. Hình như những Hội đồng này chưa xác định rõ được trách nhiệm của mình...”.

Có thể thấy rằng, những “hạt sạn” trong bộ SGK tiếng Việt lớp 1 mới có thể nằm ở sự chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi và cả những đánh giá chưa đầy đủ trong quá trình thực nghiệm bộ sách này. Và việc GS Trần Đình Sử khuyến nghị giáo viên “chỉ cần giảng thêm, dạy thêm thì trẻ sẽ hiểu” là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng SGK khi đã được xuất bản thì phải đạt được yêu cầu về tính khoa học và chuẩn mực, góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ… Một tài liệu chuẩn mực, không có “sạn” sẽ giúp giáo viên dễ giảng dạy, học sinh dễ hiểu, thay vì giáo viên mất thời gian phải lý giải, dạy thêm để trẻ không hiểu sai.

Hội đồng thẩm định SGK Quốc gia phải gửi báo cáo bộ trước 17/10

Cần xem lại quy trình về thẩm định, phê duyệt

Sáng 13/10, tại TP. Hải Phòng, tiếp xúc cử tri hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm, trong đó có vấn đề về SGK lớp 1. Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiêm túc tiếp thu những vấn đề mà cử tri và đại biểu đã nêu và sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm, sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm. SGK và sách tham khảo “đụng” đến từng nhà, từng gia đình nên cần phải tiết kiệm cho người dân, phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, với trẻ em Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới. "Bằng công nghệ thông tin nên chăng chúng ta thay đổi cách làm đối với bản thảo một cuốn SGK khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định SGK Quốc gia thì đưa lên mạng và kêu gọi giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý, "nhặt sạn" ngay từ đầu sẽ tạo thuận lợi hơn cho NXB, Hội đồng Thẩm định SGK Quốc gia”.

TS Lê Thống Nhất băn khoăn cho biết, nhớ lại chương trình năm 2000 là Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực nghiệm trên một quy mô và đối tượng khá rộng. Sau hai năm thí điểm, tổ chức hội thảo, điều chỉnh rồi mới áp dụng đại trà cho toàn quốc. Tuy nhiên, khi lần đầu tiên chúng ta xã hội hóa thì hình như việc thực nghiệm này được giao cho các nhóm và nhóm tác giả là các công ty cổ phần thì họ không thể  có điều kiện để có thể thực nghiệm, họ cũng chỉ dạy thử một vài bài ở một vài nơi mà thôi.

Có thể  khẳng định, xã hội hóa biên soạn SGK nhưng không có nghĩa là Bộ GD-ĐT buông trách nhiệm và khoán trắng cho các nhóm tác giả và một số công ty xuất bản tiến hành cả hai nhiệm vụ vô cùng quan trọng là: Thực nghiệm và tập huấn cho giáo viên. Đây là bước đi sai mà Bộ cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn.

TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Times School cho rằng, điểm yếu cốt tử của việc biên soạn SGK từ xưa đến nay vẫn chưa khắc phục được là không có một tổng công trình sư chỉ huy việc biên soạn SGK cho toàn cấp học. Việc này dẫn đến nhịp đi của các bộ sách bị vênh nhau, gây khó cho học sinh và giáo viên, làm giảm chất lượng giáo dục rất nhiều. TS Dương cũng đặt dấu hỏi về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi đã chi hàng trăm tỷ đồng và mất nhiều năm nghiên cứu thẩm định nhưng kết quả vẫn là một bộ SGK nhận rất nhiều chỉ trích, không đồng tình. “Việc làm SGK trong năm vừa rồi đã quá gấp gáp, không được thử nghiệm, rút kinh nghiệm nên mới nhiều sai sót...”- ông Dương nhận định.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ yêu cầu các tác giả, Hội đồng Thẩm định SGK Quốc gia rà soát, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện để chất lượng SGK ngày càng tốt hơn. Bộ sẽ mở rộng thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ SGK mới ngay từ khi nhóm tác giả, NXB đề xuất bản thảo thẩm định.

Có thể nói, sự thẩm định lựa chọn của các nhà chuyên môn là quan trọng nhưng đối với bản thảo một cuốn SGK trước khi nộp cho Hội đồng Thẩm định Quốc gia thì nên lấy ý kiến giáo viên, các phụ huynh, các chuyên gia giáo dục... để cùng góp ý, "nhặt sạn" ngay từ đầu, tránh quy trình “ngược” như hiện nay, vừa gây tốn kém vừa khiến học sinh chật vật ngay từ những nét chữ đầu đời. Dư luận đang nóng lòng chờ đợi câu trả lời của Bộ GD-ĐT để sớm có điều chỉnh để chất lượng SGK tốt hơn.../.

*Ngày 14/10, tại phiên họp 49 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Giám sát cho thấy, Bộ GD-ĐT đã ban hành các quy định, quy trình tương đối đầy đủ. Tuy nhiên việc triển khai quy trình đó còn nhiều khiếm khuyết. Hiện nay có 5 bộ sách lớp 1, nhưng có 1 bộ sách có nhiều hạt sạn là bộ Cánh diều. Đứng trước vấn đề này, Chính phủ đã làm việc với Bộ, yêu cầu Hội đồng thẩm định phải làm việc lại và rà soát lại những nội dung này để báo cáo. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã yêu cầu Bộ có báo cáo để Ủy ban nắm lại vấn đề này... Ngày 15/10, Ủy ban sẽ có báo cáo chính thức với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này...”

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận