Sáng 6/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã có những tranh luận nảy lửa liên quan đến thẩm quyền cách chức hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh.
Dù vẫn còn những ý kiến khác nhau nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, ĐH Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, là một điểm sáng của giáo dục của tự chủ đại học. Việc xử lý cán bộ sai phạm phải theo các quy định của Đảng và pháp luật.
Trước đó, tại một Hội nghị lớn của ngành Giáo dục diễn ra ngày 31/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhắc đến câu chuyện nóng của trường ĐH Tôn Đức Thắng. Phó Thủ tướng khẳng định, đúng-sai sẽ có kết luận của cơ quan chức năng song xu thế chung là chúng ta phải ủng hộ tự chủ theo đúng quy định của pháp luật, theo luật còn là đảng viên phải theo các quy định, điều lệ của Đảng.
“Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của nhà trường vì tự chủ về mặt chuyên môn, học thuật là hồn cốt của giáo dục đại học. Giáo dục đại học không chỉ nơi truyền bá kiến thức mà còn là nơi tạo ra tri thức, muốn vậy họ phải có tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy, tài chính để phục vụ tự chủ về chuyên môn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng với một ý, cơ quan chủ quản không nên can thiệp sâu vào trường đại học, tại Hội nghị triển khai nghị định hướng dẫn và thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi diễn ra hồi đầu năm, Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT Phùng Xuân Nhạ có nhấn mạnh, các cơ quan chủ quản phải quan tâm, thống nhất nhận thức về quyền và trách nhiệm của hội đồng trường, tránh sự can thiệp hành chính vào hoạt động của hội đồng trường.
Bộ chủ quản không can thiệp sâu vào công việc của các trường đại học-quan điểm đã được nhắc nhiều lần tại các hội nghị của ngành giáo dục. Song mối quan hệ giữa Bộ chủ quản và trường đại học luôn có những cơn sóng ngầm mà xung đột giữa Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kéo dài suốt hai năm qua là một ví dụ điển hình.
TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng vụ Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng đang có độ vênh về nhận thức. Cơ quan chủ quản chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương trao quyền tự chủ nên vẫn muốn “ôm”. Còn về phía nhà trường do được trao tự chủ nên đã thực hiện triệt để quyền tự chủ của mình.
Chủ trương bỏ cơ quan chủ quản với trường Đại học công lập đã được đặt ra từ lâu, nhưng đến thời điểm này vẫn chỉ có một trường công duy nhất xóa bỏ cơ quan chủ quản là Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Còn tất cả các trường ĐH công lập đến nay vẫn chưa thể “thoát ly” khỏi cơ quan chủ quản.
“Trao quyền tự chủ cho trường thì phải khẳng định quyền đang nằm trong tay ai và ai là người trao quyền đó? Ai là người nhận quyền đó? Nếu cơ quan chủ quản vẫn khư khư muốn ôm, lúc nào cũng muốn phải xin ý kiến và ban phát cho quyền này, quyền kia thì đó không phải tự chủ. Vẫn tồn tại cơ quan chủ quản thì không thể gọi đó là trường tự chủ được”-TS. Lê Viết Khuyết nhấn mạnh.
Ví tự chủ Đại học giống như khoán 10 trong nông nghiệp cách đây vài chục năm về trước, tại một cuộc tọa đàm bàn về tự chủ đại học, GS. Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh chưa thể bỏ cơ quan chủ quản thì quá trình tự chủ ĐH hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào sự thông thoáng, thiện chí của người đứng đầu cơ quan chủ quản.
“Nếu như họ không thiện chí và đồng hành cùng thì nhà trường sẽ rất khó khăn. Nếu bộ vẫn muốn duy trì cơ chế xin cho, ông Hiệu trưởng cũng không muốn san sẻ quyền lực, đây có thể nói là sự chuyển dịch quyền lực nên có nguyên tắc là không ai tự lấy đá ghè chân mình”- GS. Trần Đức Viên nêu quan điểm.
Tự chủ Đại học là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tự chủ không chỉ giảm gánh nặng ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn là tạo cơ hội để các trường Đại học phát triển, hội nhập Quốc tế. Nhưng từ vụ việc đã, đang xảy ra tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, rõ ràng, ngành Giáo dục cần phải đánh mô hình tự chủ Đại học, nhất là làm rõ vai trò hội đồng trường và cơ quan chủ quản./.
Theo Bá Duy/VOV2