Ngày 25.5.2021, thành phố Hà Nội đã cho tạm dừng hoạt động một loạt dịch vụ như cắt tóc, gội đầu và các nhà hàng ăn uống chỉ được bán mang về, không bán tại chỗ. Đây là động thái tiếp theo để phòng chống đại dịch Covid-19, sau khi đã cho dừng hoạt động dịch vụ bar, karaoke, tiếp đó là hàng quán vỉa hè, rồi yêu cầu các nhà hàng có vách ngăn chắn giọt bắn... Mặc dù bị ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ và thu nhập, nhưng đa số người hoạt động trong các lĩnh vực đang tạm thời phải đóng cửa đều cho rằng quyết định đó là cần thiết. Chị Tuyết, chủ một cửa hàng cắt tóc ở phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội, cho biết: "Tôi đã chuẩn bị tinh thần từ mấy hôm trước vì thấy tình hình dịch bệnh có vẻ căng thẳng. Thà đóng cửa chống dịch rồi khi hết dịch mở cửa yên ổn làm ăn còn hơn lo nơm nớp".
Trước Hà Nội, một số địa phương đã áp dụng những biện pháp tương tự, thậm chí mạnh tay hơn để có thể kiểm soát dịch bệnh. Bản thân các doanh nghiệp, bộ, ngành cũng chủ động đóng cửa tạm thời để xét nghiệm, phun khử khuẩn... khi có ca nghi mắc đến hoặc làm việc tại đơn vị. Mới nhất là trung tâm thương mại Big C Thăng Long tạm đóng cửa và khử khuẩn sau khi có ca nghi mắc đến mua sắm.
Quyết định đóng cửa hoặc tạm dừng một số loại hình kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao đã được Chính phủ và các địa phương cân nhắc kỹ, để đảm bảo mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả, vừa ổn định kinh tế, mà quan trọng nhất là đảm bảo đời sống người dân và an sinh xã hội. Khi ngừng kinh doanh, người lao động chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đã lan nhanh thì giải pháp quyết liệt là bắt buộc để có thể khống chế dịch.
Tạm ngừng kinh doanh có thể gây thiệt hại trước mắt về thu nhập và đời sống cho một bộ phận doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và người lao động, nhất là người nghèo, người lao động tự do, không có bảo hiểm xã hội và không có nghề nghiệp ổn định. Do đó, khi khống chế được làn sóng dịch bệnh, xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới, các cơ quan chức năng cần quan tâm nhiều hơn đến nhóm đối tượng này bằng những chính sách thiết thực và thủ tục đơn giản chứ không nên tiếp tục bám vào những rào cản hành chính gây khó khăn như đã từng xảy ra khi triển khai chính sách hỗ trợ người dân và DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 giai đoạn trước đó.
Đối với riêng cộng đồng DN, một trong những đề xuất đang được nhắc đến là mô hình cho vay trực tiếp từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đây là Quỹ tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai hiệu quả các chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 6/2020, Quỹ Phát triển DNNVV đã công bố giảm lãi suất cho vay về mức 2,16%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 4%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Đây được xem là mức lãi suất hỗ trợ rất ưu đãi cho các DNNVV - lực lượng chiếm 98,1% trong tổng số hơn 800.000 DN đăng ký hoạt động tại Việt Nam - có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển.
Hàng năm, các DNNVV tạo ra trên 1 triệu việc làm mới; sử dụng khoảng 5 triệu lao động toàn xã hội, đóng góp khoảng 45% GDP cho cả nước, 31% tổng thu Ngân sách nhà nước. Mặc dù vậy, DNNVV vẫn khó tiếp cận tín dụng. Một nghiên cứu cho thấy, khoảng 25% DNNVV đối mặt với rào cản tín dụng và nhu cầu tín dụng cao hơn 115% so với tỷ lệ cung cấp. Do đó việc cho vay trực tiếp từ Quỹ Hỗ trợ DNNVV, thông qua các định chế ngân hàng, sẽ góp phần "giải cơn khát vốn" của các DNNVV, nhất là khi bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế./.