Sẽ không còn 'giải cứu'

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đưa ra đề xuất: không nên sử dụng từ "giải cứu" đối với nông sản.

          Không phải bỗng nhiên khi các loại nông sản theo mùa vụ của Việt Nam bắt đầu thu hoạch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đưa ra đề xuất: không nên sử dụng từ "giải cứu" đối với nông sản. Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Không để tình trạng lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây rồi chúng ta mới đi giải cứu vì đó là nền nông nghiệp không ổn định”.

          Đề xuất đó thể hiện quyết tâm cao của người đứng đầu bộ có liên quan mật thiết đến nông dân và tiêu thụ nông sản. Ngoại trừ đợt "giải cứu" đầu năm nay do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid -19 thứ ba khiến nhà nông Hải Dương trở tay không kịp, thì gần như năm nào cũng có cảnh nông sản không tiêu thụ được phải kêu gọi người tiêu dùng "giải cứu", từ tỏi đến hành, từ gừng đến vải, từ dưa hấu đến lợn thịt... Tình trạng phải "giải cứu" không chỉ thể hiện một tư duy quy hoạch sản xuất và làm thị trường kém linh hoạt của các cơ quan quản lý và nhà nông, mà còn khiến nông sản Việt không được nhìn bằng cặp mắt trân trọng. Dù cơ quan quản lý đổ lỗi cho cơ quan chuyên môn, hay doanh nghiệp nói rằng tại nông dân, thì suy đến cùng, người thiệt thòi nhất vẫn là người sản xuất (sản xuất nông sản và sản xuất hàng hóa phục vụ nông nghiệp), sau đó là người tiêu dùng phải mua nông sảnmột cách gượng ép khi chưa thực sự có nhu cầu sử dụng. Bởi vậy, thật đáng mừng khi người đứng đầu ngành nông nghiệp thẳng thắn đề nghị không sử dụng từ "giải cứu" đối với nông sản.

          Thế nhưng để chấm dứt được tình trạng ùn ứ nông sản, không tiêu thụ được, dẫn đến phải "giải cứu", thì ngoài biện pháp về mặt tâm lý, ngôn từ, cần đẩy mạnh tư duy thị trường. Phải bắt đầu từ khâu quy hoạch vùng sản xuất, gắn với thế mạnh của địa phương và nhu cầu thị trường. Cùng với đó là đẩy mạnh sự kết nối giữa các ngành nông nghiệp và công thương. Bởi khi người sản xuất và người kinh doanh, kho vận phối hợp chặt chẽ, hàng hóa không phải chịu sức ép về giá và thời gian tiêu thụ. Vai trò của chính quyền các địa phương cũng cần được thể hiện rõ hơn nữa.

          Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư hết sức phức tạp này, có một mô hình hiệu quả, đó là Bộ Công Thương và các Bộ ngành phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang để đẩy mạnh tiêu thụ vải,  loại quả có thời gian thu hoạch rất ngắn và  bảo quản cũng khá phức tạp.

          Cụ thể là do dịch bệnh, thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua, Bộ Công Thương hỗ trợ Bắc Giang triển khai ngay các biện pháp bảo đảm tiêu thụ các sản phẩm đầu ra. Ngoài các kênh truyền thống với sự tham gia của Vụ Thị trường trong nước và các Vụ thị trường nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu... Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều thông qua môi trường số, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử, các phiên giao thương trực tuyến với thị trường xuất khẩu tiềm năng. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thông qua kênh tin nhắn SMS để gửi tin nhắn đề nghị người dân cả nước cùng Bắc Giang vượt qua Covid-19 bằng việc đặt mua trên các trang thương mại điện tử của Bộ, đưa người mua và người bán đến gần nhau hơn.

          Đại dịch Covid-19 nhìn ở góc độ tích cực là cơ hội để kinh tế nông nghiệp Việt Nam có thể nhìn lại mình, sắp xếp lại ngành nghề sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của thị trường với trạng thái bình thường mới, trong đó chú trọng chất lượng, mẫu mã, khả năng bảo quản, tính liên kết giữa các ngành, từ đó khẳng định vị thế nông sản Việt, tiến tới thực sự xóa từ "giải cứu" trong hoạt động tiêu thụ nông sản Việt Nam./.

Bình luận

    Chưa có bình luận