Ngày 22/6/2021 được người dân Hà Nội gọi là “ngày hội ăn phở” hoặc “ngày hội cắt tóc”, bởi sau một thời gian các hàng quán, hiệu cắt tóc phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 trong đợt dịch bùng phát thứ tư, đến 0h ngày 22/6, những hoạt động kinh doanh dịch vụ này được mở cửa trở lại với điều kiện đáp ứng đủ các tiêu chuẩn phòng chống dịch, tức là khách hàng phải ngồi giãn cách và hàng quán không được đông quá 20 người, đóng cửa trước 21h đêm. Các phòng tập thể dục thể thao chưa được mở cửa. Các quán bia, rượu chỉ được bán mang về.
Người mua đã mừng vui như vậy, người bán còn phấn khởi hơn rất nhiều, các cửa hàng cửa hiệu là nguồn sống của gia đình chủ quán cũng như nhân viên, nên một tháng đóng cửa thu nhập giảm đáng kể. Dù có được bán mang về, thì lượng khách mua mang về không thể bằng lượng khách tới sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại chỗ trước đó. Rất nhiều thứ không thể “mang về” được, ví dụ như các dịch vụ liên quan đến tóc và hầu hết khách hàng muốn ăn bát phở bốc hơi nghi ngút tại chỗ chứ ít người muốn mang phở về nhà.
Cố gắng trụ vững để vượt qua Covid-19, nhiều chủ quán đã nghĩ ra cách để khắc phục khó khăn, ví dụ dịch vụ cắt tóc tại nhà, hay bưng bê đồ ăn, thức uống đến các điểm ăn uống không quá xa quán để đảm bảo hương vị gần như tại quán. Tất nhiên, chất lượng còn lâu mới bằng được ra tận nơi, nhưng như thế cũng thỏa mãn được phần nào nhu cầu của người tiêu dùng. Song song với đó, đã xuất hiện những quán hàng coi thường quy định của thành phố như lén mở cửa đón khách lên tầng 2 uống bia hơi hoặc quán phở trong khu dân cư vẫn bán hàng tại chỗ…
Nhiều chủ cửa hàng cũng lo lắng khi được mở cửa trở lại, bởi dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân bị cắt giảm, những khoản chi không cần thiết đang cắt giảm dần, trong đó có những bữa liên hoan, có sự thay đổi kiểu tóc hay rủ bạn bè ngày ngày café quán quen. Bởi lẽ, những hoạt động kinh tế khác cũng đang vô cùng khó khăn, thu nhập của nhiều người trong đang giảm sút và tương lai tiềm ẩn bất trắc.
Đóng cửa hàng quán là giải pháp bất đắc dĩ của chính quyền các địa phương khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan khó lường. Đợt giãn cách xã hội toàn quốc tháng 4/2020 đã cho thấy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào. Bởi vậy, khi còn có thể kiểm soát được dịch, các địa phương sẽ cố gắng để không phải đóng cửa ngành hàng nào. Tuy nhiên, với thực tế diễn biến dịch lây lan nhanh như hiện nay (chỉ sau hơn một tháng đã có hơn 10.000 người nhiễm), chúng ta cần lựa chọn cách đi phù hợp, thay vì đóng - mở, mở - đóng. Vì thế, điều quan trọng nhất là ý thức tự phòng dịch của mỗi người, cho dù đã mở cửa, cho dù là “ngày hội” thì khi bán phở và ăn phở thiết nghĩ mỗi người nên nhìn trước sau trên dưới, không phải muốn ăn thế nào cũng được.
Một trong những giải pháp quan trọng để đưa cuộc sống dần dần trở lại bình thường là tiêm vaccine trên diện rộng. Hiện Việt Nam mới có khoảng 2% dân số được tiêm lần 1 và 0,1% được tiêm lần 2. Lượng vaccine về nhỏ giọt khiến việc lựa chọn nhóm người ưu tiên được chú trọng hơn. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, nên ưu tiên nhóm lao động tư do, hay còn gọi lao động phi chính thức ở các thành phố lớn, các địa phương bùng phát dịch, bởi vì nhu cầu mưu sinh họ sẽ phải đi lại nhiều, tiếp xúc với nhiều người, khó quản lý. Thêm vào đó, họ là nhóm yếu thế nên hầu như không có khả năng chống chịu nếu dịch bênh bùng phát mạnh và nền kinh tế bị giãn cách đình trệ lần nữa.
Chúng ta đã từng làm tốt phòng chống dịch, nhưng để thoát khỏi dịch bệnh cần tiếp tục cẩn trọng trong nỗ lực tăng tốc hướng tới miễn dịch cộng đồng./.