Phải hỗ trợ đúng người cần

Đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến kinh tế Việt Nam ở thế chông chênh, dù được coi là phục hồi tốt với tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 5,64%.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Việt, 60 tuổi, nhiều lần đi hàng chục cây số từ quận Thanh Xuân - nơi ông đang tạm trú - về quận Ba Đình - nơi đăng ký hộ khẩu thường trú - để kê khai gia cảnh với hy vọng được hưởng hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ dành để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động chịu ảnh hưởng dịch Covid-19. Thế nhưng, đợi chờ mòn mỏi, một năm đã trôi qua mà ông Việt vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào, dù cả gia đình ông gồm hai vợ chồng và cô con gái đều thất nghiệp do dịch.

Cũng tại Hà Nội, hơn một năm qua, thu nhập của bà Đinh Thị An ở phố Tôn Đức Thắng giảm sút mạnh, thậm chí nhiều tháng không có thu nhập, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước khi có dịch, bà An có một gánh bún nhỏ ở một góc vỉa hè phố cổ, chỉ bán khoảng 3 tiếng buổi chiều. Khi dịch bùng phát, những người sống bám vỉa hè như bà An là nhóm đầu tiên bị tạm dừng kinh doanh bởi nguy cơ lây nhiễm cao.

Đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới từ tháng 1/2020 đến nay chưa có dấu hiệu suy giảm đã khiến kinh tế Việt Nam ở thế chông chênh, dù được coi là phục hồi tốt với tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 5,64%. Ước tính có khoảng 12.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, làm thủ tục giải thể hoặc phá sản. Hàng triệu lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm, tham gia đội ngũ những người mất việc, không có thu nhập như bà An, ông Việt.

Bởi vậy, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19” mang bao nguồn hy vọng đến với những người yếu thế trong xã hội. Nghị quyết quy định hỗ trợ đối với từng đối tượng người lao động cụ thể. Đáng chú ý nhất là lao động tự do được Nghị quyết 68 quy định rõ: Hỗ trợ tùy theo ngân sách địa phương nhưng không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày, căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương... Nghĩa là ông Việt, bà An và nhiều người khác sẽ có cơ hội để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất này.

Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận được với chính sách? Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước, đến cuối tháng 1/2021, trong số gần 13.000 tỷ đồng từ gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 13 triệu người thì chỉ có hơn 1.162 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho lao động thất nghiệp, tiểu thương. Còn lại chỉ hỗ trợ nhóm gia đình chính sách, hộ nghèo, bảo trợ xã hội - nghĩa là những đối tượng mà chính quyền địa phương dễ kiểm soát, dễ thống kê.

Như vậy, để gói 26.000 tỷ đồng đến được với người dân, doanh nghiệp, thì vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở, cần được phát huy hơn bao giờ hết. Chỉ có các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, trưởng bản là hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình trong khu vực mình quản lý. Chỉ có sự tận tụy, trung thực của họ mới giúp cho người đang mất thu nhập vì đại dịch có cơ hội vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Mặt khác, cần ghi nhận tất cả các đối tượng tạm trú chứ không nên bắt buộc phải kê khai ở nơi thường trú, bởi làm như vậy vừa khiến người dân vất vả đi lại, vừa dễ dẫn đến tình trạng trùng lặp hoặc thiếu hụt.

Nghị quyết 68 nêu rõ các nguyên tắc: bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Vấn đề là các địa phương cần phát huy sáng tạo trong triển khai, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để chính sách nhân văn này thực sự đi vào cuộc sống./.

 

Ảnh: internet

Bình luận

    Chưa có bình luận