Trước khi có đại dịch Covid-19, người ta thường dùng cụm từ “nhóm người yếu thế” như một cách gọi khác để tránh từ “người nghèo”, và dường như khái niệm đó không thông dụng. Nhưng dịch Covid-19 - đặc biệt lần bùng phát thứ tư này - khiến rất nhiều người lao động có nguy cơ gia nhập “nhóm yếu thế”.
Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) giãn cách xã hội gần 2 tháng lần lượt theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Chính phủ, đồng thời các nhà hàng không được bán mang đi. Hà Nội dừng các hàng quán vỉa hè, quán bia, sân tập, rồi hàng quán trong nhà, tiệm cắt tóc và các dịch vụ không thiết yếu khác vừa được mở lại chưa đầy 1 tháng đã phải đóng cửa. Nhiều tỉnh thành giãn cách từng phần hoặc toàn bộ. Hàng trăm nghìn người đang có thu nhập bình thường từ quán trà đá, tiệm cắt tóc, phục vụ quán café, nhà hàng, người giao hàng…bỗng chốc mất đi nguồn thu nhập và tham gia “nhóm yếu thế”. Ở TPHCM cứ 3 người dân lại có 1 người sống nhờ vỉa hè. Tỷ lệ này cũng gần như vậy ở Hà Nội.
Công nhân trong các khu công nghiệp (KCN) cũng có nguy cơ trở thành “nhóm yếu thế” khi số lượng ca nhiễm Covid-19 tại nhiều địa phương đang tăng theo cấp số nhân, và KCN có thể trở thành ổ dịch như đã từng xảy ra với Bắc Giang. Đó là lý do khi một nữ công nhân KCN Bàu Bàng - Bình Dương phát hiện dương tính thì 200 công nhân 2 xưởng liên quan xô đổ cổng để ra ngoài. Dĩ nhiên, chúng ta có quyền trách 200 công nhân bỏ chạy đã không nghĩ đến sự an toàn chung của cộng đồng. Thế nhưng, hành động đó cho thấy họ đang ở vào bước đường cùng, bởi nếu mắc Covid-19, bị cách ly, ngừng việc làm, những công nhân này và gia đình họ sẽ tham gia vào “nhóm yếu thế” vốn đang ngày một đông hơn.
Việt Nam đang có trên 16 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất tạo ra 60% tổng sản phẩm trong nước và 70% ngân sách nhà nước, với mức thu nhập trung bình khoảng 7,4 triệu đồng/ tháng. Từng đó tiền chỉ đủ để họ chi tiêu một cách tằn tiện cho những nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, con cái học hành và gửi về quê cho cha mẹ nên hầu như không có để tích lũy. Sự bùng phát của dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả DN từ Bắc vào Nam, khiến người lao động đứng trước nguy cơ mất nguồn thu duy nhất để duy trì sự sống. TPHCM cũng vừa có văn bản yêu cầu các DN không đảm bảo được yêu cầu vừa sản xuất vừa cách ly người lao động tại chỗ sẽ phải tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7/2021.
Nhân viên các cửa hàng bán lẻ, nhân viên giao hàng, người bán hàng rong cũng phải đối mặt với hai lựa chọn sinh tử: sợ đói hay sợ Covid-19?
Để giảm thiểu nỗi lo sợ đó từ người lao động, đặc biệt là “nhóm yếu thế”, từ cuối năm 2020, Chính phủ đã xác định mục tiêu kép là vừa chống dịch hiệu quả, vừa tăng trưởng kinh tế. Nhưng mục tiêu kép này không dễ thực thi khi các biến chủng virus ngày càng nguy hiểm và khó lường. Bởi vậy, trong chiến lược tiêm vaccine của Chính phủ, ngoài lực lượng tham gia phòng chống dịch, đã bổ sung thêm đối tượng là người nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội; người được cử đi công tác nước ngoài; người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế... cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch; các chức sắc, chức việc các tôn giáo; người lao động tự do… Việc mở rộng đối tượng ưu tiên tiêm vaccine giúp chúng ta hướng tới miễn dịch cộng đồng.
Trong lúc chờ được tiêm vaccine thì mọi người cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung- khai báo y tế), tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế để dịch bệnh không có cơ hội bùng phát mạnh hơn khiến nhiều người gia nhập “nhóm yếu thế”./.