Dịch, giá và cổ phiếu

Theo phản ánh của người tiêu dùng, trong những ngày đầu giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng trong chuỗi Bách Hóa Xanh nâng giá bán nhiều mặt hàng bất hợp lý.

Mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp điều tra, xác minh trường hợp nâng giá bất hợp lý ở chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, trong những ngày đầu TPHCM giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhiều cửa hàng trong chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX), thành viên của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động, nâng giá bán nhiều mặt hàng bất hợp lý. Có người đã trưng ra bằng chứng là hóa đơn thanh toán ghi rõ: giá bán bí xanh ở BHX tới 50.000 đồng/kg, chanh 40.000 đồng/kg. Trong khi cùng một thời điểm ở các siêu thị khác có quy mô tương đương như Vinmart, Co.op Food, Lotte giá bán chỉ khoảng 23.500 đồng/kg bí, 23.000 đ/kg chanh với nguồn hàng xuất xứ VietGAP, GlobalGap đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Một người tiêu dùng còn chua chát bình luận: "Big C của người Thái bán bí Việt cho người Việt chỉ 18.000 đồng/kg, trong khi BHX của người Việt bán tới 50.000 đồng/kg".

Dù cơ quan QLTT chưa khẳng định rõ hành vi nâng giá bán hàng thiết yếu giữa đại dịch Covid-19, nhưng một bộ phận người tiêu dùng hô hào tẩy chay BHX, và giá cổ phiếu MWG của công ty mẹ là Thế giới di động trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 19/7/2021 giảm tới 6,9%, so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước, chỉ cao hơn giá sàn 100 đồng/CP. Ngoài lý do giảm điểm chung của thị trường khi nhiều tỉnh thành siết chặt các biện pháp chống dịch, thì tình trạng CP này mất giá chắc cũng phần nào chịu ảnh hưởng từ làn sóng đòi tẩy chay chuỗi siêu thị BHX.

Thế giới di động đã có văn bản khẳng định, BHX không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh mà do các loại chi phí đầu vào tăng như phí vận chuyển, lương nhân công, tiền thuê nhà cho nhân viên, chi phí xét nghiệm Covid-19. Thế nhưng, người tiêu dùng khó chấp nhận lý giải này, bởi trong cùng một bối cảnh, các nhà bán lẻ khác vẫn giữ nguyên giá, bình ổn giá để hỗ trợ khách hàng vượt qua mùa dịch. Chưa kể, cuối tháng 6/2021, BHX đã có văn bản đề nghị các đối tác giảm cho họ 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm.

Tình trạng "đục nước béo cò", lợi dụng dịch bệnh để tăng giá xảy ra nhiều kể từ lần đầu tiên phát hiện SARS-CoV-II vào 23/1/2020. Giá khẩu trang đã từng tăng gấp 5 đến 10 lần, nước rửa tay tăng gấp 2 - 3 lần. Giá lương thực, thực phẩm thiết yếu cũng có những thời điểm bị đẩy lên bất thường. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi theo chuỗi của các doanh nghiệp lớn được coi là địa chỉ bình ổn giá đáng tin cậy. Và thực tế, dù chịu áp lực kinh doanh, đa số các siêu thị, trung tâm thương mại không phụ sự gửi gắm, trông mong của người tiêu dùng. Mặt khác, khi triển khai các chương trình "bình ổn giá", các doanh nghiệp này cũng được hưởng lợi nhiều hơn. Có thể có thời điểm hàng hóa không đủ đáp ứng nhu cầu tăng đột biến ngắn hạn, nhưng giá không bị đẩy lên quá mức. Bởi vậy, việc các cửa hàng BHX tăng giá thực phẩm thiết yếu không khỏi gây bất bình.

Điều 10 của Luật Giá năm 2012 quy định một trong những hành vi bị cấm là: cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh "lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý". Tuy nhiên, mức phạt đối với hành vi này thấp hơn nhiều khoản lợi mà người kinh doanh được hưởng từ tăng giá. Vì vậy, câu chuyện BHX và cổ phiếu của Thế giới di động cho thấy quyền lực mềm của người tiêu dùng là rất lớn đối với doanh nghiệp, thương hiệu, và lớn hơn nhiều nữa nếu quyền ấy được thực thi thông qua thị trường chứng khoán. Cái giá doanh nghiệp phải trả có thể lên đến con số hàng nghìn tỷ đồng, chứ không phải chỉ là vài chục triệu đồng tiền phạt./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận